NGƯƠI TỐT VỚI TA MỘT…

Mao & Nixon
NGƯƠI TỐT VỚI TA MỘT…
 
Nguyên văn cả câu này là “Ngươi tốt với ta một, ta tốt với ngươi mười. Ngươi xấu với ta một ta xấu lại ngươi một trăm”. Đó là câu nói của một nhà lãnh đạo của Trung quốc trước đây, cho thấy cách hành xử đối với hàng xóm, bạn bè luôn là như vậy.
 
Quan hệ giữa Việt Nam với Trung quốc trong quá khứ và hiện tại đều như vậy. Còn nhớ, trong thời gian kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân Trung quốc đã giúp đỡ cuộc kháng chiến của ta thật chí tình nghí nghĩa.
 
Người lính giải phóng quân Trung quốc tuy ăn đói, mặc chẳng đẹp đẽ gì nhưng Trung quốc vẫn dành cho bộ đội ta những bộ quân phục đẹp được sản xuất ở Tô Châu, chiếc mũ cối chắc chắn, đôi giày vải bền bỉ suốt dọc đường hành quân. Nhân dân Trung quốc đã trải qua một thời kỳ đói khủng khiếp qua chương trình “đại nhảy vọt” hay “cách mạng văn hóa”, song họ vẫn chuyển cho bộ đội ta những phong lương khô để bộ đội ta không bị đói khi ra trận. Thậm chi họ còn sản xuất rau muống khô để giúp nhân dân ta nữa.
 
Đó là tình cảm đối xử với nhau của những người bạn, núi liền núi, sông liền sông, môi hở răng lạnh.
 
Khi còn làm việc ở Lào Cai, tôi đã có nhiều dịp sang bên Hà Khẩu thuộc tỉnh Vân Nam, tôi đã thấy những cụ già, những em nhỏ giành tình cảm rất đặc biệt cho những người từ Việt Nam sang. Họ nhường ghế ngồi trong hội trường, họ giành cho người mình một khu vực uống nước riêng. Tôi đã thấy những nông dân làm việc trong các công xã nghèo thực sự, thậm chí có Hoa kiều sống ở Lào Cai khi về thăm quê còn bán lại cho người dân ở đó nửa cái bánh chưng, nửa con gà mang theo để ăn. Đó là vào những năm 60.
 
Một nước Trung hoa vĩ đại. Đó là lúc người Trung quốc vận dụng câu “ngươi tốt với ta một, ta tốt với người mười”. Cái tốt của Việt Nam ngày ấy là nước ta trở thành tiền tuyến của cả phe xã hội chủ nghĩa. Pháp và Mỹ bị cầm chân ở Việt Nam đã tạo điều kiện cho nhiều nước khác giành độc lập và nếu không thì cũng rảnh tay xây dựng đất nước họ, trong đó có nước CHND Trung hoa.
 
Các bạn trẻ nên nhớ để có dịp ta sẽ trả ơn cho nhân dân Trung quốc. Chúng ta hãy nhớ câu “Làm ơn không nên nhớ, chịu ơn không nên quên” và “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
 
Sau khi chúng ta đánh Pháp thắng lợi và buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán bốn bên tại Paris mà không có các đại diện của Liên Xô và Trung quốc ngồi bên như kỳ hội nghị Geneve năm 1954. Có nghĩa là vận mệnh của quốc gia dân tộc ta do chúng ta quyết định. Điều đó làm cho Trung quốc không vui, cho rằng chúng ta là “tiểu bá (quyền)” và ra sức cản trở công cuộc thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Lúc này thì câu “ngươi xấu với ta một ta xấu lại ngươi một trăm” lại được áp dụng. Đỉnh điểm là cuộc chiến tranh biên giới tây nam nước ta, tiếp đến là chiến tranh biên giới 1979, chưa kể là đụng độ ngoài biển đông mà Trung quốc muốn chiếm trọn.
 
Đừng ai nghĩ rằng, một mình Trung quốc có thể làm được như vậy. Mỹ đã bật đèn xanh cho Trung quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa, Mỹ đã toa dập với Trung quốc để “dạy cho Việt Nam một bài học”, Mỹ đã tạo cho bọn Khmer đỏ diệt chủng cái thế “chính nghĩa”, và chi phối các thành viên Liên hợp quốc thực hiện việc cô lập, bao vây cấm vận mọi mặt đối với nước ta.
 
Cho nên đã có ai đó nói rằng “không có bạn hay thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi dân tộc là vĩnh cửu”, rất đúng trong trường hợp của nước ta với người bạn xưa và với kẻ thù xưa là Trung quốc và Mỹ.
 
Các bạn trẻ ơi! Chúng ta nên phân biệt nhân dân và nhà cầm quyền. Nhân dân luôn phải tuân theo những gì nhà cầm quyền định liệu. Chúng ta giành được độc lập và thống nhất lãnh thổ là có phần đóng góp của nhân dân Trung quốc, nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ và nhân dân nhiều nước đã nhường cơm sẻ áo cho chúng ta. Thậm chí nhân dân Cuba còn khẳng định “vì Việt Nam, chúng tôi sẵn hiến dâng cả máu của mình”. Hiểu được thế, chúng ta sẽ vẫn trân trọng và cư xử đúng mực với những người dân trên thế giới dù cho những người lãnh đạo của họ thế nào.
 
Trong mỗi con người Việt Nam ta thấm đẫm năm đức tính: “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” trong ứng xử với nhau, cũng như dân tộc ta ứng xử với các dân tộc khác. Nếu các bạn giở lại những trang sử chống ngoại xâm của ông cha ta đều thể hiện đức tính đó. Lẽ nào chúng ta lại làm khác?
 
Hình trong bài: Một cái bắt tay có bao nhiêu toan tính.
Ngày 19/1/2021
Ph. T. Kh.
 

Add a Comment

Your email address will not be published.