MỖI NHÀ MỖI CẢNH

Bản đồ VN
MỖI NHÀ MỖI CẢNH
 
Cách đây ít lâu, tôi có bài viết với tựa đề “Mỗi cây mỗi hoa”, nay xin viết tiếp vế thứ hai của câu thành ngữ này.
 
Xin nói trước, tôi không luận bàn về hoa mà tôi muốn lạm bàn một chút về tính cách con người của mỗi vùng miền. Mục đích là để những bạn nào còn nặng đầu óc phân biệt, chê bai con người ở các vùng miền khác nhau thì cũng nên giải tỏa bớt.
 
Trước tiên chúng mình nói với nhau, vì sao lại có tình trạng chia rẽ giữa những người trong một nước như vậy? (Với những bạn đã học hết trung học, tức là đã học về phần lớn lịch sử nước nhà, vì thế tôi không dám “múa rỉu qua mắt các bạn”).
 
Vào cuối thế kỷ 19 (1885), Pháp xâm chiếm nước ta, năm Giáp Thân (1884), tức là hai năm trước đó, triều đình Huế đã ký “hòa ước” thừa nhận sự bảo hộ của Pháp. Năm 1887 hình thành liên bang Đông dương, gồm xứ thuộc địa Nam kỳ và ba xứ bảo hộ là Bắc kỳ, Trung kỳ và Cao miên. Mãi đến năm 1893, nước Lào mới gia nhập liên bang Đông dương.
 
Nói dài dòng như vậy để thấy rằng, Pháp đã thực hiện chính sách “chia để trị”, và ra sức chia rẽ các vùng miền ở nước ta và ba nước trên bán đảo Đông dương. Nếu bây giờ trong chúng ta vẫn có ai đó còn tư tưởng và hành động chia rẽ ấy tức là chưa gột rửa được những tàn dư mà thực dân Pháp để lại.
 
Tôi nói mỗi cây mỗi hoa là muốn nói đến điều kiện tự nhiên mỗi vùng miền đều hình thành tính cách của con người sống trong vùng miền ấy.
 
Người miền bắc, điển hình là vùng phố cổ hiện nay của Hà Nội đã hình thành khu vực sản xuất hàng thủ công và buôn bán, người ta gọi đó là “kẻ chợ”. Tính cách của người “kẻ chợ” là chỉn chu, từ cách ăn mặc mỗi khi ra khỏi nhà, song căn bệnh nặng nhất mà đến nay vẫn còn thể hiện, đó là “bệnh sĩ” (tức là coi trọng sĩ diện). Ngày còn nhỏ tôi đã đọc cuốn sách có tựa đề là “Phồn hoa giả dối”, cuốn sách đó nói lên “bệnh sĩ” đã thể hiện ở muôn mặt cuộc sống Hà Nội thời bấy giờ.
 
Nói về “bệnh sĩ” thì nhiều lắm. Tôi chỉ xin kể một chuyện, đó là có một người nghèo đến mức nhà chẳng còn gì để ăn, song sợ làng xóm cười chê nên cứ đến giờ làng xóm ăn cơm xong thì ông ta cũng ra cổng đứng, miệng ngậm cái tăm, đưa qua đưa lại trong miệng, để mọi người tưởng ông ấy đã ăn cơm!
 
Người miền bắc còn có những câu nói “nói đây nhưng chết cây trên rừng”, tức là nói bóng gió, nói xa xôi và đặc biệt là thích vận dụng ca dao tục ngữ (tôi cũng mắc bệnh này).
 
Người nông dân miền bắc cũng bị ảnh hưởng thiên tai đến việc làm nông của họ, tuy không nặng nề như miền trung, song thời trước chuyện vỡ đê luôn thường trực. Vỡ đê thì mất nhà cửa, mất mùa, mất mùa dẫn đến đói kém. Vì vậy người miền bắc có câu ca: “Được mùa chớ phụ ngô khoai/ Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng!”.
 
Bây giờ xin chuyển vào miền trung. Có người nói một cách hình tượng rằng, bụng dạ người miền trung cũng hẹp như giải đất của họ. Nói vậy là không đúng! Trong cả nước mình, không nơi nào mà thiên nhiên lại khắc nghiệt như miền trung. Giải đất vừa dài vừa hẹp lại vừa dốc (từ dẫy Trường sơn đổ ra biển). Vì vậy mà vào mùa mưa bão, vừa dễ gây lụt lội, lũ về rất nặng nề đối với mùa màng cũng như đối với sinh mạng của người. Vừa lụt đó lại hạn ngay đó.Vậy thì người miền trung khi gặp thuận lợi về thời tiết không thể không tính đến khi gặp các bất lợi như lũ lụt, hạn hán. Những người có lương tâm cần thương người dân miền trung, đừng đem tính cách của họ ra mà chế giễu, thế là bất nhã.
 
Từ điều kiện thiên nhiên như vậy đã hình thành một trong những tính cách của người miền trung là tiết kiệm và lo xa. Năm 1976, tôi đi theo ông thủ trưởng của tôi vào quê ông ở huyện Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi. Sau hơn hai mươi năm người em của ông thủ trưởng mới được gặp lại người anh, cuộc gặp thật cảm động và thời gian như ngắn lại. Song khi đãi cơm ông anh thì vẫn với nồi cơm độn khoai sắn. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, sau này thủ trưởng của tôi mới giãi bày tính cách của người miền trung và tôi đã hiểu.
 
Còn người miền nam, các bạn từ đâu đến? Phần lớn là đến từ miền trung, một phần đến từ miền bắc. Những người di dân đến miền đất mới, hầu như đều xuất thân từ những thành phần nghèo khổ. Vì nghèo khổ nên họ mới chịu từ bỏ quê hương, mồ mả tổ tiên mà đi lập nghiệp. Đó là ông bà, cụ kỵ của những người dân miền nam của chúng ta ngày nay.
 
Thiên nhiên đã rất ưu đãi cho phần đất cuối cùng của tổ quốc. Không có nhiều bão lớn, không có những trận lũ lụt chết người như ở miền trung. Mỗi lần lũ về là mang theo tôm cá, mang theo phù sa bồi đắp cho ruộng vườn. Cho nên người miền nam rất mong lũ về. Nếu cần, họ có thể làm ba vụ lúa, tôm cá lúc nào cũng sẵn, trái cây có mặt khắp nơi. Thậm chí, nếu không cấy lúc vào mùa, người ta vẫn có thể chèo ghe đến Đồng Tháp mười mà gặt “lúa ma” (tứ lúa tự mọc từ các hạt lúa của vụ mùa trước rụng xuống).
 
Điều kiện thiên nhiên tốt như vậy nên đã tạo cho người miền nam tính cách hào sảng và rộng rãi.
 
Cho nên, các bạn ạ. Các bạn đừng đem tính cách của người dân mỗi vùng miền ra mà chế giễu, như vậy là tội ác, là mắc mưu chia rẽ của những thế lực phản động trong và ngoài nước.
 
Chỉ cần các bạn nghe những bài dân ca ba miền, bạn sẽ thấy ngay tính cách người dân của mỗi miền. Miền bắc dù thiếu ăn song không thể thiếu hội hè, với những làn điều chèo, quan họ rộn ràng. Người miền trung được ảnh hưởng của triều đại phong kiến nhà Nguyễn nên chỉn chu từ cái ăn đến cái mặc với những điệu hò Huế mượt mà. Song đến nam trung bộ thì điệu bài chòi có âm hưởng không lấy gì làm vui, mặc dù được hát trong lễ hội. Vào miền nam bạn nghe điệu cải lương, những bài ca tài tử, man mác nỗi buồn của những người phải ly hương.
 
Vậy đó các bạn. Mỗi lần tôi nghe thấy bạn nào nào đó nói “thằng cha bắc kỳ”, “thằng cha khu nem” hay “thằng cha nam kỳ cục” là tôi thấy chạnh lòng, thúc dục tôi phải đi tìm nguồn cội của những câu nói thiếu học ấy.
 
Tại sao chúng ta không bỏ qua tính cách của người dân mỗi vùng miền để tự hào về tính cách chung của dân tộc Việt Nam mà không phải dân tộc nào cũng có thể có được. Đó là thủy chung, nhân hậu, cần cù, dũng càm và thông minh… như nhiều học giả trên thế giới đã nói về chúng ta. Bạn không tự hào về điều đó ư?./.
 
Ngày 4/4/2021
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.