TỪ CỘNG ĐỒNG NHỎ NGHĨ VỀ CỘNG ĐỒNG LỚN

GTVT
TỪ CỘNG ĐỒNG NHỎ NGHĨ VỀ CỘNG ĐỒNG LỚN
 
Tôi ở trong một khu chung cư với khoảng 500 hộ, nếu tính trung bình mỗi hộ có 3 nhân khẩu thì dân cư ngụ tại đây cũng đến một ngàn năm trăm người. Nhiều hơn dân số của xã tôi vào những năm 50 của thế kỷ trước.
 
Ở đâu cũng vậy thôi, mỗi khu dân cư bao gồm nhiều thành phần, một xã hội thu nhỏ – người làm trong lực lượng vũ trang có, công chức tư chức gì cũng có, người già neo đơn, viên chức hưu trí đều có, buôn bán có môn bài có, trốn thuế có, hàng lậu có, dân anh chị có, cho vay nặng lãi có. Riêng thành phần phản động chống đối thì không thấy lộ mặt. Chẳng biết chúng có tồn tại hay không trong cộng đồng nhỏ này?
 
Từ một cộng đồng nhỏ, mới thấy trong cái cộng đồng lớn nó phức tạp thế nào. Chỉ cần nghĩ như vậy thôi đã thấy các cơ quan công quyền vất vả thiệt. Chẳng riêng gì xã hội xã hội chủ nghĩa mà xã hội nào cũng thế. Càng tự do bao nhiêu càng phức tạp bấy nhiêu. Tôi nói thế không có nghĩa cổ súy cho việc xâm phạm quyền tự do cá nhân mà muốn nói về sự đề cao quá mức quyền tự do của con người. Tự do phải trong khuôn khổ luật pháp.
 
Ừ, thì có nơi nào được tự do như xã hội Mỹ? Chửi Tổng thống cũng được, đốt quốc kỳ cũng chẳng sao, cao hơn nữa là sở hữu vũ khí thoải mái, nhưng chớ có dại mà kêu gọi lật đổ chính quyền Mỹ nhé. Tù chứ chẳng phải chơi! Ở Mỹ lập trang trại trồng cần sa cũng không sao. Chuyện bắn nhau theo luật định thì chẳng phải chịu tù tội, kiểu như đang đêm anh xâm phạm gia cư bất hợp pháp, hay anh có động tác có thể gây hiểu lầm cũng dễ bị giết lắm.
 
Song đừng thấy thế mà tưởng bở, muốn làm gì thì làm đâu. Phải công nhận luật pháp của Mỹ rất đầy đủ và có phần chặt chẽ, người dân Mỹ lại rất am hiểu luật pháp nên họ hành động có giới hạn. Tôi không phải khen Mỹ để chê nước mình đâu, mà vì thể chế chính trị của nước Mỹ đã hình thành trên 200 năm nay rồi, trong khi thể chế chính trị của nước ta mới được 46 năm thôi. Chúng ta đang ở trong giai đoạn hoàn chỉnh luật pháp và thể chế. Nhưng nước Mỹ cũng có chuyện bảo thủ về luật pháp, có những luật sinh ra từ thời còn là tư bản sơ khai đến nay vẫn còn hiệu lực.
 
Lợi dụng quá trình hoàn thiện luật pháp và thể chế, nhiều người đã có những hành động xâm hại đến cộng đồng, làm hại xã hội, thậm chí làm hại thể chế. Kể ra thì nhiều lắm. Chung quanh ta không thiếu gì, và bất cứ người nào cũng có thể đưa ra những dẫn chứng rất hùng hồn về tình trạng đó. Nhưng cũng đừng thấy thế mà cho rằng xã hội ta, chế độ của ta tồn tại quá nhiều tiêu cực.
 
Muốn không còn tiêu cực thì nhà nước và luật pháp ban hành ra bao nhiêu cũng chưa đủ. Quan trọng là ý thức của mỗi chúng ta.
Những người tử tế nhiều lúc chẳng quan tâm đến những quy định của luật pháp vì họ chỉ làm những chuyện tử tế. Ngược lại, những kẻ thường vi phạm luật pháp lại biết rất rõ về luật pháp. Như những kẻ tổ chức và kêu gọi lật đổ chính quyền nhân dân, những kẻ buôn lậu, làm hàng giả vân vân, chúng biết pháp luật không cho phép nên mới phải lén lén lút lút để tránh bị phát hiện.
 
Ở nước Mỹ, những kẻ phạm tội phải chịu những hình phạt mà sau khi thi hành xong án phạt, phần lớn kẻ đó sẽ không dám tái phạm. Ở nước ta có lẽ án phạt chưa đủ sức răn đe nên nhiều kẻ ra tù rồi lại vào tù. Không thể lấy cái nghèo ra để bào chữa có sự vi phạm pháp luật và cũng không thể lấy lý do còn nghèo ra để giảm nhẹ hình phạt. Làm như vậy có khi lại đụng chạm vào lòng tự trọng của những người tử tế. Chúng ta đã thấy không thiếu gì những người tử tế là những người nghèo trong xã hội./.
 
Hình trong bài: Đã vi phạm luật giao thông còn “sửng cồ” với cảnh sát.
Ngày 8/4/2021
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.