THÓI ĐỜI

Gorbachev
THÓI ĐỜI
 
Nếu bây giờ mà hỏi những cựu lưu học sinh Việt Nam đã từng học tại các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, ai cũng lưu giữ chí ít thì một vài kỷ niệm đẹp gì đó. Người học Moskva, người ở Kiev, người học ở Minsk, người học ở Yerevan… nói chung, gần như lưu học sinh của ta có mặt hầu hết các nước Cộng hòa ấy, tùy theo ngành nghề mà nhà nước gởi đi đào tạo.
 
Ngày đó vui là thế, vô tư là thế. Bất cứ ở đâu chính quyền và nhân dân ở đó đều gọi những người Việt Nam là các “đồng chí Việt Nam”. Hiểu nghĩa nôm na chữ “đồng chí” là những người cùng chí hướng.
 
Đó là thời Liên Xô – ngôi nhà chung của các nước xã hội chủ nghĩa còn thịnh. Người ta giúp nhau một cách vô tư, chẳng cần biết anh là người Nga, người Georgia, người Tarta vân vân… tất cả là niềm mơ ước, là mục tiêu đấu tranh của các dân tộc thuộc địa, các dân tộc bị áp bức.
 
Nhưng khi ngôi nhà chung đã suy – nguyên nhân vì đâu mà suy và ai là kẻ tội đồ thì chẳng cần nói, mọi người đều đã biết, thiết nghĩ không cần nhắc lại. Đến lúc này lại làm ta nhớ đến hai câu thơ trong bài thơ “Thói đời” của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
 
“Còn bạc, còn tiền còn đệ tử
“Hết cơm, hết rượu hết ông tôi
 
Kể từ cái năm 1991 đáng nguyền rủa ấy, những người trong ngôi nhà chung đã chia thành năm bè bảy mối. Một số kẻ quay sang bắt tay với kẻ thù chống lại người anh em của mình. Ngày xưa, khi các quốc gia còn gắn bó với nhau như một bó đũa, chủ nghĩa đế quốc muốn bẻ cũng không sao bẻ nổi. Nay những chiếc đũa tự tách mình ra nên chúng bẻ từng cái chẳng khó gì.
 
Ừ thôi, tách ra thì cứ tách nhưng xin đừng trở mặt mà chống lại nhau. Nay chủ nghĩa vô sản người ta đã lột bỏ, khoác lên mình thứ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Thế là tranh giành, thế là gây sự, thế là dùng võ lực để đối xử với nhau. Tiếc rằng, ý nguyện của cụ Hồ Chí Minh đã không được thế hệ sau của các nước đã có thời từng là xã hội chủ nghĩa thực hiện:
 
“Quan san muôn dặm một nhà
“Bốn phương vô sản đều là anh em
 
Nhân đây tôi cũng xin có đôi lời với những kẻ có tham vọng làm một cuộc “cách mạng màu” hay gì gì đó, nhớ rằng. Các người muốn là một chuyện, còn thực hiện được hay không là một chuyện khác. Liên Xô sụp đổ, là kết qủa hành động phản quốc của tên trotskyit Michail Gorbachev.
 
Vào đầu thập kỷ 1970, tại Italy đã diễn ra cuộc gặp mặt “những chính khách trẻ”, Gorbachev đã tham dự, và sau này khi chuẩn bị cuộc gặp Mỹ – Xô thì tổng thống Mỹ Bush khi đó đã khẳng định “lãnh tụ sau đây của các ngài (Liên Xô) sẽ là Gorbachev”. Đọc đến đoạn này, các bạn có sự liên tưởng nào không? Tôi thì có đó. Đó là, sau khi về hưu, cựu tổng thống Mỹ Obama đã lập ra cái gọi là “những thủ lĩnh trẻ châu Á” và cũng đã tổ chức gặp mặt đôi lần, có một vài thanh niên Việt tham dự. Đó là chiến lược lâu dài của Mỹ đối với nước ta, họ mong muốn Việt Nam sẽ sụp xuống cái hố mà Mỹ đào sẵn giống như năm 1991 ở Liên Xô vậy.
 
Ở Việt Nam ta cũng không thiếu những kẻ muốn trở thành Gorbachev, chí ít thì cũng học theo Gorbechev, và cũng hăng hái cổ vũ cho những tổ chức được gắn cái mác “xã hội dân sự”, nhưng Việt Nam không phải là Liên Xô và những nhà lãnh đạo hiện nay cũng không phải là Gorbachev.
 
Chúng ta là ai, chúng ta sẽ đi con đường nào và chúng ta sẽ như thế nào, xin mọi người hãy chiêm nghiệm để khỏi bị coi là những kẻ vong nô./.
 
Hình trong bài: Tên phản bội Gorbachev
Ngay 4/6/2021
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.