THỊ TRƯỜNG

Thị trường cạnh tranh
THỊ TRƯỜNG
 
Tôi là “thị trường”, anh là “thị trường”, chúng ta là “thị trường”!
Cái thời còn nghèo, nghèo do phải tiến hành chiến tranh, nghèo do kinh tế kém phát triển, gọi gộp lại là vì nghèo nên xuất hiện nền kinh tế bao cấp.
 
Bây giờ có hỏi thì chẳng ai còn thích trở lại cái thời bao cấp ấy nữa. Tôi cũng thế. Cũng phải thôi, ai lại muốn mình phải sống trong cái thời khốn khó đó. Phân phối từ cái bàn chải đánh răng, đến cái khăn mặt, mét vải cân đường…
 
Ấy đó là ta nói những mặt “xấu” của thời bao cấp, nhưng cái gì cũng có hai mặt. Ngày nay ai cũng nói nó “xấu lắm, khổ lắm” song lại quên mất những cái mà bây giờ chúng ta mơ vẫn chưa thấy.
Đó là đi học từ vỡ lòng đến đại học, gia đình chẳng phải lo học phí cho con em mình; đó là một khi đã phải vào nằm chữa trị trong bệnh viện, đến khi hết bệnh thì về, chẳng phải lo đi thanh toán viện phí; đó là những danh hiệu mà nhà nước phong tặng cho ai đó đều là những người xứng đáng; đó là những bài thơ bài ca, cứ mỗi lần cất tiếng lên là rung động lòng người. Biết bao con người lao vào nơi chiến trận không màng đến sống chết cũng vì những lời thơ ca ấy. Đó là mọi người được sống trong một môi trường xã hội an toàn. Những thứ đó là tốt hay xấu?
 
Tuy giấc mơ hoàn hảo đó ta chưa đạt được, song hàng năm nhà nước đã trợ cấp cho ngành giáo dục và y tế hàng chục tỷ USD nên mặc dù, chưa được phục vụ miễn phí nhưng người dân chúng ta đã được hưởng mức dịch vụ giáo dục và y tế với chi phí thấp hơn bất cứ nước phát triển nào với chất lượng cũng chấp nhận được. Thôi thì chúng ta hãy tạm hài lòng với điều đó.
 
Tôi là một trong những người đã sống trọn trong thời bao cấp, bây giờ chuyển cuộc đời mình vào một thời kỳ mới – thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là con đường đi riêng của Việt Nam, hay hay dở sẽ được thực tiễn kiểm chứng. Nói nó hay thì chưa có đầy đủ thực tiễn để kiểm chứng, mà nói nó dở cũng thể hiện sự khiên cưỡng. Có điều, tôi lơ mơ cảm nhận, chất thị trường là của mỗi người dân chúng ta còn định hướng xã hội chủ nghĩa lại để nhà nước lo.
 
Có những doanh nghiệp đi mua các văn bản giả như sao kê tài khoản ngân hàng giả, văn bản bảo lãnh tín dụng giả, bảo lãnh thực hiện dự án giả… thì đó có phải là thị trường? những thứ đó làm méo mó thể chế kinh tế thị trường. Rồi một số doanh nghiệp hoặc cá nhân làm hàng giả, hàng nhái… đó có phải là kinh tế thị trường? Những việc như vậy thì phải có cơ chế “định hướng XHCN” ra tay xử lý.
 
Kinh tế thị trường thì phải chấp nhận cạnh tranh, có cạnh tranh thì kinh tế thị trường mới phát triển; cạnh tranh bằng nâng cao năng suất để có sản phẩm tốt hơn, rẻ hơn đưa ra thị trường chứ không phải bằng những thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh.
 
Những cá nhân, những doanh nghiệp thực hiện chiến lược cạnh tranh không lành mạnh đã làm méo mó thị trường, lợi dụng tính chất của thị trường để tạo ra những mặt trái không đáng có của thị trường, đó không phải là thị trường.
 
Thị trường không chỉ là nơi buôn bán những vật hữu hình mà còn cả là nơi người ta bán những sản phẩm vô hình như bài ca tiếng hát. Cái thị trường của những sản phẩm vô hình này cũng bị làm cho méo mó đi. Lợi dụng lớp người tiêu thụ là lớp trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm sống để lôi kéo vào việc tiêu thụ những sản phẩm kém chất lượng, kiểu ăn xổi, mỗi tác phẩm chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn rồi chết yểu, để lại những tai tiếng không nên có trong cuộc sống.
 
Nếu không có sự quản lý thì người ta vẫn lợi dụng hai chữ “thị trường”, phát huy những mặt trái của thị trường để kiếm lời. Chính vì lẽ đó nên phải có chức năng quản lý của nhà nước. Đó là vế thứ hai trong đường lối phát triển kinh tế của Việt Nam – định hướng XHCN. Đây chính là cái còi của người cảnh sát giao thông, sẽ tuýt lên đối với mỗi cá nhân, doanh nghiệp đi trệch khỏi làn đường đã quy định để làm cho thị trường bớt đi những sự méo mó, để đất nước phát triển lành mạnh hơn, để nhân dân có một cuộc sống an bình hơn.
 
Không có chuyện để thị trường phát triển tự do mà không có định hướng. Ta gọi đó là một thị trường hỗn loạn, cá lớn nuốt cá bé và nguy hiểm hơn cả là xã hội bị phân hóa giàu nghèo lớn, bị chia rẽ sâu sắc.
 
Đó là con đường đi riêng của Việt Nam./.
 
Hình trong bài: Thị trường cạnh tranh
Ngày 28/7/2021
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.