MÌNH SƯỚNG MÀ KHÔNG BIẾT LÀ SƯỚNG

Làng Cự đà

MÌNH SƯỚNG MÀ KHÔNG BIẾT LÀ SƯỚNG

Người ta sống ở trên đời, do nhu cầu của mỗi người khác nhau, nên ai cũng cảm thấy cuộc đời mình có gì đó không được thỏa mãn. Thế là kêu khổ! Người giàu kêu khổ vì có trăm thứ âu lo, người nghèo thì than rằng, cùng một kiếp người, người ta sướng mà sao mình khổ thế?

Sướng hay khổ thì tùy vào cái nhu cầu sống của từng người. Chẳng khi nào mà hết khổ được. Nếu ta cứ sống theo triết lý nhà Phật, ấy vậy mà hay, tức là “biết đủ là đủ”.

Chắc bạn có đọc bài thơ tự vịnh của tôi đăng trên trang nhà, trong đó có hai câu kết,

“Cuộc đời như thế là vui lắm.

“Hưởng thú vô lo, hưởng thú nhàn”.

Ấy là vì tôi chẳng mong ước thứ gì ngoài những thứ mình hiện có. Thôi, nói chuyện đời thì chẳng bao giờ dứt ra được. Hôm nay tôi chỉ muốn nói một chuyện rất nhỏ nhưng lại to, vì đối với chúng ta chuyện ăn uống là chuyện vặt, nhưng đối với các nước phương tây có khi lại là chuyện lớn.

Đó là chuyện thực phẩm, thứ mà chúng ta ăn hàng ngày.

Chỉ đơn giản thế này thôi. Hàng ngày các bà nội trợ đi chợ, đi siêu thị, các bà thích thứ gì? Muốn mua con tôm con cá, thì những con vật đó phải còn đang bơi trong hồ, trong chậu; muốn mua miếng thịt bò thịt lợn thì phải là loại thịt “nóng” (thịt mới mổ xả ra); muốn mua mớ rau cái củ thì nó phải còn tươi, một chút lá héo bên ngoài cũng chê rồi.

Có lẽ vì thế mà những thứ được nhập khẩu, có giá thấp hơn giá cùng mặt hàng được nuôi trồng ở trong nước nên rẻ hơn rất nhiều những thứ “nội địa hóa”. Thịt bò thịt lợn Mỹ, Úc rẻ rề nhưng các bà nội trợ nhìn thấy, bĩu môi một cái, lắc đầu một cái, đánh mông một cái rồi quay sang quầy thịt nội địa như thịt của Sagri, lúc đó mới chọn chọn, cân cân.

Ngày nay, nước ta đã hội nhập với thế giới, hàng triệu người xưa nay chưa ra khỏi lũy tre làng thì nay đã từng vi vu trên các chuyến bay, đến thủ đô nước này một chuyến, thủ đô nước kia một chuyến; hưởng những cái lý thú ở khu lu lịch này ít ngày, khu di tích lịch sử kia dăm bữa. Hàng ngày các vị ấy ăn gì? Thịt bò bip-têch, cá hồi xông khói… còn rau tươi ư? Chỉ mấy lá lót dưới miếng bip-têch thôi, ít vậy chứ quý lắm đó, đắt lắm đó. Thế là các vị thèm một bữa rau tươi, dù chỉ là một đĩa rau muống luộc chấm nước mắm Phú Quốc hay chấm tương Cự Đà… Sau kỳ du ngoạn về đến nhà việc đầu tiên là nghĩ ngay đến bữa rau thay cho thịt cá cho cái miệng được thỏa cơn thèm.

Tôi có cô em họ sống ở Thiên đường có tên là Hoa kỳ, một lần về Việt Nam, khi lên đường về xứ cờ hoa, cô mua một lượng rau muống lớn, luộc lên rồi chia ra thành nhiều phần, mỗi phần dành cho một bữa ăn. Ngoài rau muống cô còn mua trứng cáy để nấu canh rau, thay cho bọt ngọt. Chị tôi hỏi cô, cô bảo thế mới sướng chị ạ. Vậy sao? Niềm sung sướng chỉ đơn giản vậy sao?

Sau khi nước nhà được thống nhất ít lâu, thì mấy anh Tây nghĩ ngay đến việc đem văn minh đến cho dân xứ “An Nam man rợ”, thế là mấy cái cửa hàng thức ăn nhanh như “Mạc-đô-nồn”, “Cây-ép-xi” xuất hiện, song sao mà dân An Nam hững hờ với cách sống văn minh phương tây thế? Thậm chí dân Philippines còn chê dân Việt không biết thưởng thức khi không ăn đồ của Mạ-đô-nồn! Dân An Nam không nói nhưng dân Tây sống ở An Nam thì bảo rằng, dân bản xứ người ta ăn thứ gì cũng phải là tươi, như tô phở tái nạm gầu mà dùng thịt bò đông lạnh, ai ăn? Miếng chả cá Lã Vọng mà dùng cá ướp lạnh, thịt nó bở như đất pha cát ấy, ai ăn? Người bản xứ cũng không thích ăn nhiều dầu mỡ, cứ nhìn lên bàn thờ vào ngày giỗ của một gia đình Việt thì hiểu ngay, người ta cúng gà luộc chứ ai dùng gà rán như của “Cây-ép-xi” để cúng người chết? Chai Coca Cola mà “Cây-ép-xi” bán kèm, làm sao sánh được nước của trái dừa tươi, nhất lại là trái dừa xiêm, vừa ngon, vừa bổ, vừa không có hóa chất độc hại?

Tôi hy vọng đến một ngày nào đó, khi kinh tế của đất nước phát triển, dân giàu hơn nữa song không mất đi những đĩa rau, tô canh nấu bằng rau tươi; những miếng thịt cá không phải là loại được cấp đông trong các kho lạnh đã trữ từ tháng này qua tháng khác.

Rõ ràng có những thứ làm cho tôi được sướng mà tôi không biết.

Hình trong bài: (1) Làng Cự Đà, thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội; (2) Làm tương Cự Đà.

Tương Cự đà

Ngày 16/8/2021

Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.