SỰ KHÁC BIỆT

Police chace
SỰ KHÁC BIỆT
 
Cứ rảnh rỗi là tôi lại mở mấy video clip của Mỹ quay cảnh cảnh sát Mỹ truy bắt tội phạm coi để giải trí. Tất nhiên, Mỹ là quốc gia giàu có nên tội phạm cũng chạy trốn bằng xe hơi và cảnh sát đương nhiên cũng phải đuổi bằng xe hơi chứ.
 
Xe của tội phạm chạy trước (khoanh đỏ), các xe cảnh sát theo sau. Xe tội phạm đi chậm thì xe cảnh sát cũng giảm tốc độ theo, khi tên tội phạm phóng nhanh thì xe cảnh sát mới tăng ga. Vui lắm nhé, cứ như họ đi diễu hành ấy, có khi kéo dài cả tiếng đồng hồ trên đường cao tốc.
 
Chưa hết đâu, bên trên còn có chiếc trực thăng cũng của cảnh sát bay theo xe tên tội phạm. Nước Mỹ giàu có khác! Chỉ khi nào xe của tên tội phạm bị sự cố, như va chạm với xe khác hay lạc tay lái hay bể lốp, lúc đó nó mới chịu dừng lại, thì lập tức hàng chục xe cảnh sát xuất hiện, cũng dừng lại theo.
 
Căn cứ con số hiển thị trên màn hình, tốc độ xe của tội phạm có khi tới trên 100 miles/giờ. Tốc độ đó không phải chỉ dành cho nam tài xế, đã có hai vụ tôi thấy nữ tài xế cũng chạy với tốc độ đó. Thế mới là Mỹ! Mấy tay khoái tốc độ cùa Việt Nam sao không sang Mỹ mà đua cho sướng?
 
Đây là lúc cuộc chiến bắt đầu. Cảnh sát với vũ khí trong tay, núp sau các cánh cửa xe công vụ mở sẵn, chờ cho tội phạm ra khỏi xe và nằm xuống đường thì lúc đó cảnh sát mới tiếp cận. Nó đã nằm sấp xuống đường, hai tay đặt lên gáy thì già như tôi cũng có thể bập cái còng số 8 vào tay tên tội phạm, đằng này có không dưới năm anh cảnh sát, kẻ đè đầu, người giữ chân mới trao được cho hắn cái còng, vậy thì kém quá!
 
Coi mấy hình ảnh đó mới thấy sự khác biệt giữa những sự việc như nhau nhưng xảy ra ở hai nước khác nhau – Việt Nam và Mỹ, được thể hiện ở mấy điểm sau đây:
 
Thứ nhất, nước Mỹ giàu, có đủ phương tiện nên không cần giải quyết vấn đề cho nhanh, hình như họ chẳng quan tâm gì đến chuyện tốn kém. Và chẳng đi đâu mà phải vội. Nó chạy ta đuổi, nó dừng ta nghỉ. Khi nào nó rời xe rồi nằm sấp xuống, lúc đó ta bắt cũng chưa muộn.
 
Thứ hai, có lẽ vì việc sở hữu súng là phổ biến ở Mỹ nên, một khi tên tội phạm chưa đưa hai tay lên khỏi đầu và nằm xuống đường thì không một cảnh sát nào dám tiếp cận. Anh cảnh sát nào cũng sợ tên tội phạm bắn trúng mình, nên có 5 anh thì cả năm, có 10 anh thì cả mười, hai tay nắm chắc khẩu súng ngắn, mặt đằng đằng sát khí.
 
Thứ ba, việc truy bắt tội phạm là việc của cảnh sát, người dân không bày tỏ thái độ đồng tình hay hỗ trợ. Khi xe của tên tội phạm chạy trên xa lộ, rõ ràng có một hàng dài xe cảnh sát hú còi đuổi theo, song các xe tham gia giao thông trên đường không những không tham gia truy cản như ở Việt Nam, thậm chí còn tránh cho xe tội phạm vượt lên nữa.
 
Thứ tư, điều này thì hoàn toàn trái ngược với Việt Nam ta là người dân không quan tâm đến việc truy bắt tội phạm của cảnh sát. Thậm chí, có lần tên tội phạm bỏ xe chạy vào một cơ sở gì gì đó, hắn còn bắt tay thân thiện với những người có mặt và chờ cảnh sát đến bắt. Tuyệt đối không có chuyện bu vào coi như ở Việt Nam. Chuyện kể rằng, có một anh nông dân ở miền tây, nghe tin cảnh sát đang bao vây tên “Tuấn khỉ”, thế là bỏ công bỏ việc lên coi để về kể lại cho bà con trong ấp nghe chơi. Ai dè, lên đến nơi thì cảnh sát đã hạ thủ tên Tuấn, anh tiếc hùi hụi, đâm ra ghen tị với bà con địa phương được coi đấu súng.
 
Chỉ có thế thôi đã thấy Mỹ khác Việt Nam như thế nào rồi./.
 
Hình trong bài: Đoàn xe cảnh sát đuổi bắt một xe tội phạm. (P)
Ngày 15/9/2021
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.