BỊ PHẢN BỘI

Mỹ & TQ 1
BỊ PHẢN BỘI
 
Bị phản bội thì ai mà chẳng phẫn uất. Trong cuộc sống gia đình cũng vậy mà trong quan hệ giữa các quốc gia cũng vậy. Nỗi oán hận thì chẳng bao giờ nguôi, họa chăng là người ta cố nén nó xuống để đạt được mục đích gì đó lớn hơn mà thôi.
 
Nước Pháp và nước Đức đã từ lâu cảm thấy bị Mỹ phản bội khi mà trong nhiều chuyện đại sự, Mỹ muốn phớt lờ hai nước có vai trò quan trọng nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Từ ngày Mỹ chủ trương xoay trục sang châu Á Thái bình dương thì hình như hai nước này chỉ đóng vai trò “quan sát viên”.
 
Bây giờ ta cứ đi từ con số to đến số nhỏ. Đầu tiên là liên minh tình báo có cái tên “NGŨ nhãn – FVEY”, bao gồm 5 nước gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand, không có tên hai đại gia – Đức và Pháp. Đến “bộ TỨ kim cương”, lại vẫn là Mỹ đứng đầu, dưới trướng là Nhật, Úc, Ấn, lại không có tên hai đại gia! Hẹp hơn một chút, giờ là “bộ TAM”, có tên là AUKUS, lại là Mỹ dẫn dắt với hai đệ tử là Anh và Úc. Trong nhiều canh bạc trên thế giới thì hai đại gia cũng vẫn là kẻ ngồi chầu rìa. Chẳng thế mà khi rút chạy khỏi Afghanistan, Mỹ chỉ có 2.500 quân ở đó, trong khi EU có tới 7.000, ấy vậy mà Mỹ chẳng báo trước cho EU lấy một nhời!
 
Có lẽ những “bộ ngũ”, những “bộ tứ”, “bộ tam” này lập ra có khi lại để dằn mặt hai đại gia của EU – một người thì bảo cái NATO mà Mỹ dẫn dắt chẳng khác gì “người chết não”; một đại gia khác thì chỉ trong một nhiệm kỳ thủ tướng mà có tới hơn chục lần gặp rồi thủ thỉ với người đứng đầu nước Nga – một đối thủ nặng ký của Mỹ; đã thế còn thúc đẩy công trình Streamline II hoàn thành cho kịp trước khi vị thủ tướng hết nhiệm kỳ. Và còn nữa, hai đại gia còn nhăm nhe lập quân đội riêng, phi NATO. Thế là gây thất vọng cho Mỹ và cho anh “chuẩn chư hầu” là Ucraina. Anh hề Zelensky vội ra sân khấu kêu lên một tiếng ai oán, rằng “ta bị phản bội”. Ông phản bội nhân dân ông thì ông bị người ta phản bội cũng là quả báo mà thôi.
 
Gần 60 tỷ Mỹ kim (là giá trị hợp đồng Pháp – Úc vào năm 2016) cho 12 cái tàu ngầm, đã chuẩn bị ra khỏi két sắt của Australia chạy sang thủ đô ánh sáng Paris, thì cái “bộ tam” ra đời, người dẫn dắt cuộc chơi lệnh cho Australia rằng, phải hủy bản hợp đồng đó, và chuyển sang cho một thành viên trong “bộ tam”, đó là quốc gia của ông thủ tướng có cái “đầu bù tóc rối”. Đại gia Macron chưng hửng, mới ngửa mặt lên trời mà than rằng, “Mỹ đã phản bội chúng ta!”.
 
Bộ trưởng ngoại giao Pháp Jean Yves Le Drian cũng giơ cao tay và ngửa mặt lên trời, phát ra tiếng kêu ai oán: “Tôi thực sự tức giận và cay đắng trước quyết định này. Đó không phải là cách hành xử giữa các đồng minh!”.
 
Ơ hay! Các vị lãnh đạo các quốc gia theo chủ nghĩa tư bản thì chuyện phản bội nhau đâu có hiếm? Làm gì có tình có nghĩa. Tất cả là “vì ta” và “vì lợi nhuận của ta”. Các vị hiểu quá rõ điều đó, và điều đó đã là “kinh thánh” trong việc bảo vệ chủ nghĩa tư bản mà.
Người đứng đầu nước Nga nghe tin cái hợp đồng gần 60 tỷ Mỹ kim đã chuyển chỗ, ông ta chỉ nói một câu thôi, “thì cũng giống như hai cái tàu chiến Mistral chứ gì?”. Cái ông Putin phải cái tội hay khơi dậy nỗi đau của người khác.
 
Mà đâu chỉ có hai cái tàu Mistral, nước Pháp nuốt lời với nước Nga, mà nước Việt của chúng tôi cũng đã từng bị nước Pháp phản bội. Ký Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng Ba năm 1946, rồi chính Pháp lại phản bội lại chữ ký của mình, phản bội nhân dân ba nước Đông Dương.
 
Chuyện lằng nhằng, chén chú chén anh, nâng lên đặt xuống, những cái ôm thật chặt vào năm 1972 giữa những người lãnh đạo hai quốc gia to đầu – Trung quốc và Mỹ; những tưởng tình bạn bền vững lắm, “cùng tiến bước về nơi xa xăm…”, nào ngờ ngày nay khó mà phân biệt được ai đã phản bội ai, hay là “các ông đã phản bội nhau?”. Thật là,
 
“Tình cờ chẳng hẹn mà nên
“Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường…” (Kiều)
 
Nhân dân Việt Nam chúng tôi cũng đã có mấy lần bị bạn bè phản bội rồi nên hiểu rõ vị đắng cay của sự phản trắc. Thôi thì chỉ có như vậy, nhân dân chúng tôi mới hiểu tường tận đâu là bạn bè đích thực, đâu chỉ là đối tác làm ăn để mà có đối sách cho thích hợp./.
 
Hình trong bài: Những cái ôm thật chặt.
Ngày 20/9/2021
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.