CƠM MỚI, CHUYỆN CŨ

Điện 500 kv
CƠM MỚI, CHUYỆN
 
Thực ra câu chuyện mà tôi dựa vào để nói là chuyện cũ, cách đây gần ba mươi năm rồi, khi đó còn đang là thời kỳ của “bao cấp”, chưa đổi mới được nhiều. Song tuy là chuyện cũ, nhưng lại là mới. Vì hội nghị BCH Trung ương lần thứ IV khóa 13 vừa mới kết thúc, có một nghị quyết hay, hoặc khá hay, hoặc rất hay… để đánh giá thành tựu của mỗi cấp độ sẽ được thực tiễn chứng minh, hôm nay cũng mới chỉ là nghị quyết.
 
Nếu như không có một chương trình trên VTV1 vào một tối ngày đầu tháng 10 này, người thuyết trình cứ nói mãi cái từ “xé rào” rồi lại có những hình ảnh làm cho tôi bị nhột, như tôi đã phải viết thư cho con gái tôi trong bài “Cái năm 1991 ấy”, đăng ngày hôm qua.
 
“Xé rào”! Anh bạn thuyết trình viên còn trẻ, chắc chưa biết những năm “xé rào” ấy đâu nhỉ? Tại nơi tôi sinh sống, do “xé rào” mà có ba, bốn doanh nghiệp chết lên chết xuống. Đây, một anh nhà in, đây một anh thực phẩm, đây một bà lúa gạo. Thời đó, chẳng hiểu sao nhiều người bảo các doanh nghiệp đó là những xác chết để đó mà không chôn được.
 
Vâng, một công trình đường dây cao thế mà VTV1 có nhắc đến. Vâng, nhờ “xé rào” mà công trình đó được xây dựng, được hoàn thành đúng vào dịp đất nước chuẩn bị có một sự kiện trọng đại. Vâng, thì khởi công, người ta “vừa thiết kế vừa thi công”; vâng, thì một lũ dựa vào việc xé rào nghĩ cách kiếm chác từ khối lượng sắt thép khổng lồ đó.
 
Người ta lập luận rằng, phải làm công trình đó để đưa điện từ bắc vào nam và ngược lại, nếu nơi nào thiếu điện. Nhưng mọi người đều hiểu, chỉ có mấy người cố tình không hiểu rằng, khi đó cả hai miền đều thiếu điện, vậy lấy gì mà chuyển cho nhau? Ta cứ tưởng tượng, hai bình thông nhau, song mức nước ở cả hai bình đều thấp hơn miệng ống thông, thì bình nào sẽ chuyển nước cho bình nào?
 
Đa số ý kiến cho rằng, cái ta thiếu bây giờ là gạo chứ không phải cái nồi. Quan điểm đó được nhiều người nhất trí. Họ đề nghị nên dành tiền để xây dựng thêm nguồn điện nhằm cung ứng đủ điện cho từng miền đã, giải quyết tình trạng nay cắt điện, mai hạn chế, rồi định mức, rồi hai ba giá.
 
Nhưng quyền lực của đa số ấy cộng lại vẫn nhẹ tênh so với quyền lực của một người!
 
Nhưng, trong một cuộc họp về đêm mà tôi có vinh dự được dự, một ngài có quyền cao nhất lúc ấy, đứng dậy dõng dạc tuyên bố, rằng một khi cái công trình này hoàn thành, ông ấy sẽ cho dựng hai bức tượng, một bức tuyên dương những người ủng hộ, một bức dành cho những người phản đối, song bức tượng thứ hai này phải dựng ngược, tức chôn đầu xuống đất. Ngay lúc đó, một nhà khoa học từ Hà Nội vào nói rằng, chúng tôi chưa có ý kiến nào gọi là phản đối song phải để cho chúng tôi phản biện. “Cả vú lấp miệng em!”.
 
Sau đó thì không có bức tượng nào được dựng lên, thay vào đó người ta làm cái “Kỷ niệm chương”, cái ông đang thụ án trong tù cũng được ông lớn vào gắn cho một cái. Có lẽ vì mấy ông này có tiếng nói ủng hộ “xé rào” nhiều nhất chăng?
 
Kết cục, một “công trình thế kỷ” như người ta gọi đã hiện hữu. Và cũng hiện hữu là một vị bộ trưởng và một vị thứ trưởng vướng vào vòng lao lý, vì cách làm “không đúng quy trình” như ta thường hay nói ngày nay, và vì tư túi, do không có rào cản nào cả. Các rào cản đã được xé toang rồi.
 
Thời tôi còn làm việc có ối chuyện để kể, mọi chuyện đã trở thành quá khứ nên cũng chẳng nên bươi móc ra làm gì nữa. Chứ cứ làm quyết liệt như đảng và chính quyền hiện nay đang làm thì có mà phải lập thêm mấy cấp tòa án nữa ấy chứ.
 
Đó là chuyện của ba mươi năm về trước. Nếu không có buổi truyền hình của VTV1 hôm đầu tháng thì tôi cũng chẳng có bài viết này. Ngày nay khác xưa nhiều lắm rồi. Nghị quyết 4 của TƯ khóa 13 ra đời, tình hình chắc đã sáng sẽ càng sáng hơn.
 
Trở lại Nghị quyết của Trung ương vừa qua, rõ ràng là khuyến khích những người có sáng kiến, những người dám chịu trách nhiệm, và đem lại lợi ích cho đất nước chứ không phải cho cá nhân, gia đình và bạn bè của mình. Tóm lại là làm gì cũng phải nghĩ đến hiệu quả và không tư túi. Vậy thôi chứ đừng “xé toang hàng rào ra” như đã từng!
 
Hình trong bài: Đường dây truyền tải điện.
Ngày 12/10/2021
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.