SUY NGHĨ VỂ DÒNG NGƯỜI HỒI HƯƠNG

về quê
SUY NGHĨ VỂ DÒNG NGƯỜI HỒI HƯƠNG
 
Chưa bao giờ mà nạn dịch Covid 19 lại làm cho cả thế giới đảo điên như cái năm 2020, 2021 này. Chẳng nói mạnh được đâu, nhưng cái lũ đầu trâu mặt ngựa cứ xoáy vào việc chống dịch của nước mình mà chê ỏng chê eo, kích động dân chúng để làm rối loạn cả cái xã hội vốn đã không được yên bình hàng trăm năm nay rồi.
 
Ông trời có mắt. Những kẻ gieo ác sẽ gặt được quả ác. Hãy cứ đợi đấy!
 
Cái dịch chết tiệt này đã trải qua bốn đợt rồi chứ có phải mới gì đâu, ba đợt trước ở nước ta chỉ có 35 người tử vong, sang đợt này nó trở nặng do biến chủng Delta, từ đầu đợt bốn đến ngày đầu tuần tháng 10 mà đã có gần hai chục nghìn người tử vong! Đau xót thật chứ chẳng đùa được đâu.
 
Thế là, chẳng hiểu tại sao, đợt 4 của dịch diễn ra từ tháng Tư lận, hình như mãi đến cuối tháng Chín, đầu tháng Mười người người mới giật mình, rồi ùn ùn bồng bế nhau về quê, nhất là tại các địa phương có ổ dịch lớn như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… Nhưng ở đó, người ta công bố đã kiểm soát được dịch rồi mà, và các doanh nghiệp chuẩn bị hoạt động trở lại, bù đắp cho những tháng ngày sản xuất bị đình trệ.
 
Vậy tại sao dòng người hồi hương lại diễn ra vào thời điểm đó? Có bàn tay nào kích động không? Không phải chỉ có đợt này, trước đây cũng đã xảy ra rồi. Hình như cơ quan an ninh mới xử có hai kẻ xúi dục bà con bỏ thành phố mà ra về. Chúng chơi kiểu này thiệt là ác. Tất cả mọi người mọi ngành đều khổ.
 
Trước hết, những người lao động khổ. Bồng bế nhau trên một cái xe gắn máy đi hàng ngàn cây số để về quê, có người còn đi bộ nữa, có người đói, có người khát. Đáng thương đấy nhưng cũng đáng trách đấy! Có thể khẳng định một điều, các địa phương, đặc biệt là những nơi có nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động, không hề xua đuổi những người dân tạm trú về quê, thậm chí ngày 7/10 vừa qua đại diện TP Hồ Chí Minh còn thiết tha đề nghị bà con ta hãy ở lại.
Mà đâu phải chính quyền các cấp bỏ mặc bà con mình đâu. Hàng ngàn tỷ từ ngân sách của một nước có thu nhập trung bình không thể nói là nhỏ, ấy vậy mà đã chi ra rồi, đã đến tay những người có cuộc sống khó khăn rồi. Lo cuộc sống cho dân, lo khống chế dịch bệnh để khôi phục lại sản xuất, để bà con có công ăn việc làm. Vậy thì chính quyền các cấp cũng lao tâm khổ tứ lắm, chứ sướng cái nỗi gì?
 
Tiếp theo là các địa phương có người trở về, khổ. Rất khổ, vì phải tiếp nhận bao nhiêu con người, bố trí chỗ ăn ở, phương tiện đi lại, rồi xét nghiệm, rồi cách ly, rồi chữa trị. Tổng kết đợt “hồi hương” vừa qua chỉ hai địa phương nọ cũng tiếp nhận được trên 300 ca F0. Tổng kết sơ bộ, cứ 1.000 người trở về thì có 1-2 F0. Thế là ngân sách địa phương lại phải chi ra ối tiền!
 
Rồi còn ai khổ nữa? Các lực lượng công an, quân đội, bảo vệ, các nhân viên y tế, những người tình nguyện, thức trắng đêm đôi khi dầm mưa dãi nắng để giữ trật tự, để hướng dẫn, để cách ly, để chữa trị. Trời ơi sao họ khổ thế!
 
Các mạnh thường quân thấy bà con mình dùng xe đạp để về quê, thế là bấm bụng trích tiền nhà ra mua mấy chục xe gắn máy để bà con mình đi nhanh hơn. Phải móc hầu bao ra họ đâu có sướng gì?
 
Tiếp đến là các chủ nhà trọ. Chính quyền địa phương đã vận động hàng trăm chủ nhà trọ nơi miễn, nơi giảm tiển thuê nhà, có người chủ tốt bụng có hỗ trợ lương thực thực phẩm cho người thuê nhà. Ấy thế mà, họ – những người thuê nhà ấy cứ lẳng lặng bỏ ra đi, không một lời tạm biệt, không một lời hứa hẹn. Các chủ nhà trọ bị hụt hẫng. Tôi chắc rằng trong tâm khảm, họ giận lắm, và những người một khi đã trở lại thì khó mà được sự đồng ý của chủ nhà. Có người đã phải khóc vì mất tiền. Khổ không? Khổ quá đi ấy chứ!
 
Còn các doanh nghiệp. Riêng thành phố Hồ Chí Minh có 22 quận huyện thì đã có 20 nơi kiểm soát được dịch. Đúng vào lúc chuẩn bị phục hồi sản xuất thì thiếu hụt nhân công. Khổ không? Quá khổ! Đương nhiên họ sẽ phải xoay sở, và trong lòng họ chắc gì đã sẵn sàng tiếp nhận lại những người bỗng dưng bỏ đi rồi bỗ dưng quay lại?
 
Cuối cùng còn ai khổ nữa? Đến đây thì cái vòng khổ ải ấy lại trở về điểm xuất phát, đó là rơi vào đầu những người đã tạo nên cuộc hành trình gian khổ, những người vừa rời thành phố, bỏ cả công ăn việc làm, bỏ nơi tá túc để về. Về quê làm gì? Phần lớn đã không có cơ sở sản xuất gì ở quê, vậy về lâu dài lấy gì mà sống? Quay trở lại thành phố, quay lại với doanh nghiệp, chắc gì đã có chỗ trọ, chắc gì chỗ làm xưa còn trống, chẳng lẽ chủ doanh nghiệp phải chờ phải đợi? Chủ nhà trọ nhìn thấy “bộ mặt thân quen” chắc gì họ đã muốn cưu mang. Nhà trọ của họ có ế đâu, doanh nghiệp hoạt động trở lại thì lại có khách thuê mới.
 
Đọc đến đây các bạn có thể rút ra được kết luận về chuyện nhân quả rồi. Đương nhiên thủ phạm chính là con virus, song con vi rus ấy đâu chỉ có xâm nhập vào mấy trăm ngàn con người hồi hương đó. Chỉ riêng thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn mười triệu người định cư để cho con virus xâm nhập cơ mà?
 
Hình trong bài: Về quê
Ngày 14/10/2021
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.