MÁU ANH HÙNG

HCM 16

MÁU ANH HÙNG

Năm 1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuy mới một tuổi, nhưng ngoài chuyện lo đời sống cho dân (diệt giặc đói), ngoài chuyện chuẩn bị đối phó với quân Pháp quay trở lại (diệt ngoại xâm), còn có các cuộc vận động khác, đó là diệt giặc dốt (xóa nạn mù chữ) và phong trào “khỏe vì nước”.

Để vận động mọi người dân chăm lo tập thể dục, nhạc sĩ Hùng Lân đã sáng tác bài hát “Khỏe vì nước”, trong đó có câu:

“Mang máu anh hùng ta đừng làm nhơ máu anh hùng
“Trai đất Việt phải nêu đèn sáng thế giới soi chung …”

Tôi không biết các nước khác thế nào, song ở nước ta, mỗi hoạt động mang lại lợi ích cho đất nước và người dân đều được gieo rắc lòng say mê và hưởng ứng bằng những bài ca như vậy.

Ở xã hội nào cũng có những người con làm rạng danh tiên tổ. Riêng nước ta thì “cứ ra ngõ là gặp anh hùng”, chính điều đó mà thế giới đã dành cho chúng ta nhiều mỹ từ, nào là một dân tộc khó bị đánh bại; nào là “người Việt Nam đến nước chúng tôi họ để lại cho chúng tôi cánh đồng lúa tốt, hệ thống thông tin liên lạc tuyệt vời”; và chẳng phải ngẫu nhiên mà hiện nay có 26 quốc gia trên thế giới có nơi lưu giữ những kỷ niệm của Hồ Chí Minh khi Người sống và làm việc ở đó, những bảo tàng, những con đường và những trường học mang tên Người; và cũng chẳng phải ưu ái gì Việt Nam mà trong cuốn tự điển bách khoa toàn thư “La Rousse” của Pháp lại có tên ba con người – Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và một vị tướng thời phong kiến nữa.

Là những người Việt Nam chân chính, chẳng ai lại không tự hào về những điều mà thế giới ca ngợi về dân tộc mình. Bởi thực ra, chẳng phải chỉ trong thời đại Hồ Chí Minh mới có những vị anh hùng hào kiệt và những người con đất Việt mang dòng máu anh hùng. Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê trải qua bao cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, thịnh suy có khi này khi khác, nhưng như Nguyễn Trãi đã tổng kết trong “Bình Ngô đại cáo”:

“Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
“Song hào kiệt thời nào cũng có

Cho đến thời “Vua Lê – chúa Trịnh”, Nguyễn Hoàng đã mở đầu công lao mở rộng bờ cõi về phía Nam, mà nhà quân sự Huỳnh Văn Nghệ đã viết:

“Ai về bắc, cho ta đi với
“Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
“Từ thuở mang gươm đi mở cõi
“Trời nam thương nhớ đất Thăng Long …”

Đến thời đại Hồ Chí Minh thì có khá nhiều địa danh ghi dấu ấn đậm chất anh hùng, nào một Điện Biên “chấn động địa cầu”, nào “xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ”, nào Hà Nội – thành phố Hòa Bình đã tạo ra một “trận Điên Biên Phủ trên không” vào năm 1972, tạo tiền đề cho ngày toàn thắng vào tháng Tư, 1975.

Viết đến đây, tôi lại nghĩ đến những kẻ phản bội, đó là những kẻ không còn mang trong mình dòng máu anh hùng của dân tộc Việt. Nếu kể tội chúng ra đây sẽ làm vấy bẩn chất anh hùng của một đoạn văn mô tả ở trên.

Vì vậy chúng ta hãy coi chúng chỉ như rác rưởi mà chúng ta phải dọn dẹp trên đường đi mà thôi./.

Hình trong bài: Thời đại Hồ Chí Minh.
Ngày 27/6/2022
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.