THIÊN HẠ NHÂN, THIÊN HẠ TÀI

Cờ đỏ 1

THIÊN HẠ NHÂN, THIÊN HẠ TÀI

Tôi xin lấy một câu của người xưa, được đăng trong bài thơ của nhà thơ Hải Lưu để làm tựa đề cho bài này. Quả thực, trong xã hội chẳng thiếu gì người thế này, người thế khác. Người xấu cũng nhiều, người tốt cũng lắm; người “vô sở học” cũng nhiều mà người học rộng tài cao cũng lắm. Vậy có gì mà phải lăn tăn, rằng “kỷ luật hết thì lấy ai làm việc?”.

Cũng như một cái cây, sâu ăn hết lá thì cây thở bằng gì; sâu đục khoét trong thân thì làm tắc nghẽn việc lưu thông dinh dưỡng. Vậy chẳng lẽ cứ dung dưỡng cho đám sâu bọ đó?

Ai cũng biết rằng, kể từ ngày Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay đã trải qua gần tám chục năm. Những vị khởi xướng và lãnh đạo cuộc cách mạng ấy đều đã quy tiên cả, vậy những thế hệ nào đã tạo dựng nên xã hội hôm nay? Như ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, “con chị nó đi, con dì nó lớn”. Cho nên chẳng lẽ người tài trong thiên hạ há chỉ có bấy nhiêu? “Thiên hạ nhân, thiên hạ tài” là thế.

Chuyện xưa kể rằng, tại làng của cụ Nguyễn Công Trứ có một ngôi chùa do một ông sư trụ trì, được người đương thời cho là người học rộng tài cao và rất háo thắng. Hôm đó, một nho sinh tên Củng đến vãng cảnh chùa, cũng là để coi vị sư này thế nào mà người đời đồn dữ thế?

Củng nho sinh đến vừa lúc, vị sư nọ đang ở trong bếp, nhìn ra thấy người lạ, chủ và khách đối đáp qua lại. Cuối cùng nhà sư không còn giữ được bình tĩnh, nói cho nho sinh biết ta là người thế nào, mới nói:

“Thuộc ba mươi sáu quyển kinh, chẳng thiên địa thánh thần, nhưng khác tục”.

Nho sinh đối lại:
“Hay tám vạn tư mặc kệ, không quân thần phụ tử, đếch ra người”.

Vậy là hai người hiểu nhau và cũng hiểu ra một lẽ thường tình rằng “núi này cao, sẽ có núi khác cao hơn”.

Câu chuyện “kỷ luật hết thì lấy ai làm việc” làm chúng ta nhớ lại bài “Bình Ngô đại cáo” của cụ Nguyễn Trãi:

“Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
“Song hào kiệt thời nào cũng có…”

Việc của những người đứng đầu quốc gia thì phải biết “chiêu hiền đãi sĩ”, chứ thực ra, với một đất nước có gần một trăm triệu dân, lại được tiếng là một quốc gia có nền văn hiến rực rỡ. Chẳng có mấy quốc gia mà số người biết chữ chiếm đến gần 100% dân số như ở ta; trong khi nước Mỹ, văn minh là thế, phát triển là thế, giàu mạnh là thế, lại có vài trăm năm sống trong hòa bình, mà vẫn còn 42% người dân trưởng thành không biết đọc biết viết.

Há chẳng phải còn điều gì đó lấn cấn trong khâu tuyển dụng và sử dụng con người ở nước ta? Để đến nỗi chỉ trong 5 năm đã có 16.000 công chức nhà nước xin thôi việc để đầu quân cho doanh nghiệp tư nhân.

Không lẽ, chúng ta để nhân tài rơi vào tình cảnh như cụ Nguyễn Trãi tâm sự với vua Lê Lợi:

“Tuấn kiệt như sao buổi sớm
“Nhân tài như lá mùa thu
“Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần
“Nơi duy ác hiếm người bàn bạc
“Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đắm muốn tiến về đông
“Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả
“Trông người, người càng vắng bóng, mịt mù như nhìn chốn bể khơi…

Thưa cụ Nguyễn, xin Người cứ an nghỉ! Hậu bối thời nay đã hiểu ra những điều cụ tâm sự. Chỉ cần nhìn vào những người giữ trọng trách đứng đầu một tỉnh, đứng đầu một thành hiện tại thì cụ có thể yên tâm, trẻ trung lắm, sáng láng lắm! Năm trăm đại biểu Quốc hội dân chúng tôi bầu lên, đã có hơn 200 bậc tiến sĩ, còn lại đều đã trải qua các trường đại học, duy nhất một người chưa có vinh hạnh “áo mũ xênh xang” thôi cụ ạ.

Vâng, với những gì mà chúng ta đã đạt được; những gì mà thế giới nói điều tốt đẹp về ta, tỷ như mới đây “Một tổ chức của Liên hợp quốc” đã xếp Việt Nam đứng thứ 77 (tăng 2 bậc) trong số 150 nước được coi là “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” đó cụ ạ.

Có lẽ lúc này, hậu bối chúng tôi lại ca:

“Vận nước đã đến rồi
“Bình minh chiếu khắp nơi
“Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời…”./.

Hình trong bài: Tuổi trẻ hôm nay.
Ngày 30/6/2022
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.