CÁI CHUYỆN ĐỘC QUYỀN

Thủy điện Lai Châu 2

LẠI CÁI CHUYỆN ĐỘC QUYỀN

Cứ mỗi lần có ai đó kêu ca về chuyện ngành này, ngành nọ cung cấp dịch vụ gì đó cho dân chưa tốt (tôi không dùng từ “phục vụ” để tránh nhầm lẫn với thời bao cấp), thế là lại có ý kiến cho rằng, “tại độc quyền”.

Nói về tình hình xã hội cũng vậy, hễ có chuyện gì không hay xảy ra là y như rằng, một số kẻ mồm thối, lại nói rằng tại “độc đảng” nên dẫn đến “độc tài”!

Tôi nói chuyện “độc quyền” trước, có dịp tôi sẽ nói về “độc tài”. Xin khẳng định một điều, tất cả những gì được gọi là “doanh nghiệp công ích” hiện tại đều không còn độc quyền. Bệnh viện – một ngành công ích, ngày nay đã xuất hiện khá nhiều bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân, nhà thuốc tư nhân. Giáo dục – bên cạnh các trường công lập là các trường tư thục mà người chủ là người Việt và cả người nước ngoài, từ nhà giữ trẻ đến trường đại học. Giao thông vận tải – to vật vã như máy bay cũng có mấy hãng bay tư nhân; đến nhà xe cũng xe tư nhân đếm không xuể; cầu đường do tư nhân đầu tư rồi thu phí.

Phần điện lực, tôi viết thành một mục riêng, vì ai đã ở thành phố (ngay cả ở nông thôn) cũng phải dùng điện. Chuyện sát sườn mà! Có người kêu trên mạng là tiền điện tháng này tăng nhiều so với tháng trước. Gia đình tôi cũng thế, song tôi hiểu là tháng này dùng máy điều hòa nhiệt độ nhiều hơn nên phải trả nhiều tiền hơn, tôi không kêu ca gì.

Nhưng có ý kiến cho rằng, người đi ghi công tơ điện gian dối, ghi tăng số điện đã xài của gia đình. Từ đó, người ta kết luận một câu rằng, “đó là mánh khóe gian dối của cơ chế độc quyền”! Xin thưa rằng, nhà nước hiện tại chỉ còn độc quyền mỗi khâu truyền tải điện (cấp điện áp 220 kV và 500 kV) thôi ạ. Khâu phát điện, khâu bán điện cũng có sự tham gia của tư nhân rồi. Đặc biệt là các nhà máy phát điện, điện là sản phẩm của tư nhân làm ra, thuận mua vừa bán chứ chẳng ai bù lỗ cho họ cả. Như các dự án điện mặt trời EVN phải mua trên 8 USCents/kWh đó ạ. Trong khi giá thành của nhà máy điện Thủ Đức (chạy bằng dầu FO) là 7 USCents, và giá thành thủy điện do EVN quản lý có chỗ chỉ 3 USCents/kWh.

Nói nôm na, kinh tế thị trường cũng giống như cái chợ, ở đó có gian dối, có nói thách, có chèo kéo, có cạnh tranh. “Tỉnh ăn, nhầm thua, vô ý mất tiền”, ngoài chợ thì chẳng có ai kiểm soát, nền kinh tế xã hội thì còn có kiểm soát song nhà nước không can thiệp vào việc sản xuất, kinh doanh của họ (người chủ).

Bà con ta cứ chuẩn bị tinh thần đi, sắp tới sẽ còn nhiều nhà máy điện tư nhân nữa, có những loại nhà máy chạy bằng LNG (khí hóa lỏng) sẽ phải nhập khẩu, vận chuyển bằng tàu thủy, thì chưa biết thế nào (vì nước ta chưa sản xuất được LNG). Nói thế không có nghĩa là không cho tư nhân đầu tư nữa, vì đó là kinh tế thị trường; vì đó là nhu cầu điện cho công cuộc phát triển càng ngày càng tăng; vì nhiều thứ có liên quan đến sản xuất điện chúng ta chưa tự túc được; vì vị trí có thể làm được thủy điện đã khai thác hết rồi; và còn nhiều cái “vì” nữa.

Ngày nay không còn ai leo lên cột cao, nơi đặt công-tơ điện (điện kế) để đọc số điện đã dùng của một hộ nào đó, ngành điện đã ứng dụng công nghệ cao vào khâu này rồi. Cho nên vị nào đó ở ngành điện mà nói rằng, do trời nắng nóng nên nhân viên ghi điện đọc sai, có lẽ phải xem lại. Còn ai đó bảo nhân viên đó gian dối cũng không đúng vì dẫu có sai sót thì bản thân nhân viên ghi điện cũng chẳng được lợi lộc gì. Nhiệm vụ của họ (nếu có như thời trước) thì họ chỉ ghi con số, còn việc tính ra số điện năng tiêu thụ là do máy tính (qua nhân viên nhập liệu), in ra hóa đơn cũng máy tính, trả tiền điện ngày nay chủ yếu là chuyển khoản qua ngân hàng. Vì thế mà tôi nói nhân viên ghi chỉ số điện kế chẳng được lợi gì mà phải ăn gian. Tội họ lắm!

Bao cấp có mặt hay mặt dở của bao cấp; thị trường cũng có mặt hay mặt dở của thị trường. Chấp nhận cơ chế nào thì ta phải chấp nhận cả hai mặt hay dở của cơ chế đó. Hai vợ chồng tôi ngồi nói chuyện với nhau, bà xã tôi cứ ca ngợi mãi, rằng thời đó (bao cấp) vào bệnh viện “C” (Hà Nội) sinh ba lần mà chẳng phải đóng một đồng viện phí nào! Đó là cái hay của thời bao cấp, còn mặt dở thì bà ấy không nói.

Chủ nghĩa tư bản phát triển dựa trên cơ chế thị trường, người ta chỉ nói mặt hay của nó, rồi mơ rồi mộng, chứ chẳng ai nói mặt dở của nó. Nước ta do đảng Cộng sản lãnh đạo cũng đã nhận ra hai mặt của cơ chế thị trường, vì thế mới phát triển kinh tế “theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN”. Cái định đề này nghe thì đơn giản, song chính là khai thác mặt hay của kinh tế thị trường song phải hạn chế mặt dở của nó, hạn chế mặt dở bằng mệnh đề tiếp theo, “định hướng XHCN”. Nó là như vậy./.

Hình trong bài: Nhà máy thủy điện Lai Châu.
Ngày 1/7/2022
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.