NGƯỜI VIỆT GIÀU, NGƯỜI VIỆT NGHÈO

Sách 1945.jpg

Bài III: NGƯỜI VIỆT GIÀU, NGƯỜI VIỆT NGHÈO

Tôi kể bạn nghe về chuyện giàu nghèo trong họ nhà tôi. Họ Phạm của tôi có nhiều chi phái. Chi phái tôi thuộc phái trưởng, gồm bốn anh em ông nội tôi.

Ông tú cả, có một chút chức tước gì đó – có của ăn của để.
Ông cử hai – đó là ông nội tôi, chỉ dạy học – từ chỗ đủ ăn trở nên nghèo.
Ông cử ba, có chức tước do quan Pháp ban cho – là nhà giàu.
Ông tú tư, làm nghề chữa bệnh – đủ ăn.

Từ những gia đình trong họ Phạm nhà tôi, tôi có thể rút ra một kết luận, rằng chỉ những gia đình nào có liên hệ với chính phủ bảo hộ để có một chức sắc (dù là nhỏ) do Pháp trao cho đều có thể trở nên giàu có. Ngoài ra là dân nghèo.

Gia đình ông bà ngoại của tôi cũng là một địa chủ lớn, vì còn quá nhỏ nên tôi không biết bên ngoại làm thế nào mà trở thành địa chủ được. Khi lớn lên tôi cũng chỉ biết cậu tôi là một viên thẩm phán dưới thời Pháp, chứ còn gì nữa thì tôi chịu.

Dân số trong làng tôi có khoảng một nghìn xuất đinh (khoảng 500 hộ). Số nhà giàu chỉ có khoảng một chục, như vậy, nhà giàu chiếm khoảng một phần năm mươi. Trẻ con nhà giàu là những đứa có ăn có học, những đứa trẻ nhà nghèo thì lại nối tiếp cái kiếp “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, hoặc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Chỉ mấy con số đó, cho thấy người nghèo của nước ta thời đó chiếm đa số, và theo một tài liệu thì chín mươi phần trăm là không biết chữ.

Trong cuốn sách “Nạn đói 1945” do hai nhà nghiên cứu Văn Tạo và Furota Motoo chủ biên, đã thống kê chi tiết hai triệu nạn nhân của trận đói năm đó. Song, tìm mãi mà không thấy tên gia đình cô ruột tôi – nhà có 6 người, thì 3 người bị chết vì đói (chiếm 50%). Như vậy, nếu thống kê đầy đủ, có lẽ số người chết còn nhiều hơn nữa.

Chỉ trong ba tháng của năm 1945 (đỉnh điểm là tháng Ba), đã có hai triệu người dân ta bị chết vì đói. Trong khi số liệt sĩ của chúng ta qua 9 năm chống Pháp và 20 năm chống Mỹ và chiến tranh với Trung quốc, cũng chỉ có 1.150.000 anh hùng bỏ xác nơi chiến trường. So sánh như vậy để thấy tội ác mà đám quân phiệt Nhật gây ra cho chúng ta đau đớn biết chừng nào.

Khi tiến hành cuộc cách mạng tháng Tám 1945, đảng Cộng sản dựa vào tầng lớp nào? Đương nhiên là lớp dân nghèo, lớp dân chiếm chín mươi phần trăm ấy. Đó là lớp dân nghèo khổ nhất và cũng vì thế mà họ triệt để cách mạng nhất, mong có cuộc đổi đời. Và thực sự họ đã được đổi đời!

Khi người này được thì người khác lại mất. Những người nghèo khổ được chia ruộng đất (thực hiện người cày có ruộng), thì những gia đình địa chủ lại mất ruộng, mất nhà mất đất. Bảo rằng, những nhà giàu này phải ủng hộ cách mạng, cũng như thừa nhận sự lãnh đạo của đảng Cộng sản thì thật khó. Chẳng qua là phải bước nào thì chịu bước đó thôi. Chuyên chính vô sản mà!

Cho đến nay tôi cũng không hiểu tại sao, gia đình ông cử ba nhà tôi, một gia đình giàu nhất làng, lại có cả đồn điền trên tỉnh Phúc Yên (nay là Vĩnh Phúc), khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, vậy mà cả nhà kéo nhau lên Việt Bắc đi theo cách mạng và đi làm cách mạng, đành bỏ lại tất cả ruộng vườn nhà cửa cho “ông bà nông dân” xử lý. Có lẽ cũng vì thế mà suốt thời gian tiến hành cải cách ruộng đất, không có chuyện đấu tố trong họ nhà tôi.

Nhưng nhà lãnh đạo cách mạng không thể là những người không có tri thức. Những nhà trí thức đó bất luận xuất thân từ thành phần nào trong xã hội (địa chủ, trí thức) song đều đã thực hiện “vô sản hóa” từ trong tư tưởng và tính triệt để cách mạng, bằng cách đi xuống hầm mỏ, nhà máy để thâm nhập đời sống và phong cách làm việc của giai cấp công nhân như các vị Trần Phú, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, sau này có thêm các vị như Nguyễn Xiển, Trần Đại Nghĩa…

Hình trong bài: Sách “Nạn đói năm 1945”.
Ngày: 18/11/2022
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.