CHỢT NGHĨ VỀ CHỮ “GIÁO DỤC”

giáo dục 2

CHỢT NGHĨ VỀ CHỮ “GIÁO DỤC”
(Viết nhân ngày nhà giáo).

Nhiều hiện tượng “không lành mạnh” xảy ra trên đất nước ta, khi nói về nguyên nhân để xảy ra hiện tượng đó, thì phần lớn được kết một câu, “tại giáo dục”.

Một học sinh đánh bạn; một học sinh khác thì có những lời lẽ vô lễ với thầy cô; một đám choai choai tổ chức đua xe gây rối an ninh trật tự; mấy kẻ nhậu say xong quay ra giết nhau, giết cả người thân; một lô một lốc vào nhà hàng khách sạn để phê ma túy, sẵn sàng gây gổ bất chấp luật pháp vân vân, nhiều lắm, kể sao cho xiết? Vì sao nên nỗi? Lại nghe một câu kết – tại giáo dục!

Xin hỏi, ai là những người hàng ngày thực hiện công tác giáo dục? Tất cả chúng ta đều có đóng góp vào công tác giáo dục. Nói thế không có nghĩa là tôi có ý cào bằng đâu.

Gia đình, mà người chịu trách nhiệm trước hết trong công tác giáo dục lớp trẻ là cha mẹ. Không phải ngẫu nhiên mà câu ca dao khuyên người ta: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Một đứa trẻ đến tuổi cắp sách đến trường, thì mỗi ngày có 16 tiếng đồng được cha mẹ dạy dỗ. Chỉ có 8 giờ đến để tiếp thu sự giáo dục của nhà trưởng.

Một tuần lễ, chỉ có 5 ngày ở trường, những ngày còn lại và cả mấy tháng nghỉ hè là ở với cha mẹ và tiếp xúc với xã hội (chữ “chợ” trong câu ca dao trên cũng có ý là môi trường xã hội).

“Chùa” chính là nhà trường, là các đoàn thể xã hội.

Bất cứ con người ta xuất thân từ thành phần xã hội nào cũng trưởng thành trong ba môi trường đó – gia đình, xã hội và nhà trường. Cho nên, theo tôi nghĩ, những đứa trẻ hư hỏng trước hết có sự khiếm khuyết trong việc dạy dỗ con cái của gia đình; cũng là gia đình không chăm sóc để chúng tiếp xúc với những kẻ xấu ngoài xã hội, chúng sẽ bị tiêm nhiễm và bắt chước.

Cuối cùng là mội trường trường học (tức là “tu chùa” đó). Trường học có hai chức năng – trao dồi tri thức và dạy làm người. Đúng là môi trường giáo dục của nhà trường đang có vấn đề như người ta kêu ca oán thán trên mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông. Song cụ thể thế nào thì tôi không nắm được nên không dám nêu ra đây.

Nhưng, tôi nghe có người đề nghị, bỏ đi câu “Tiên học lễ, hậu học văn” ở các trường học, theo tôi như vậy là hỏng. Xã hội ta thoát thân từ một xã hội phong kiến. Không phải bất cứ thứ gì của chế độ phong kiến là xấu, là cần loại bỏ. Nhiều thứ đã trở thành truyền thống của dân tộc, và nhờ vậy mà người ta mới nhận ra đâu ra dân tộc Việt Nam khi muốn phân biệt với các dân tộc khác. Thí dụ, như truyền thống “Tôn sư trọng đạo” có xấu không? Như “Tiên học lễ hậu học văn” có xấu không? Như “Trai thời trung hiếu làm đầu. Gái thời tiết hạnh là câu trau mình” có gì sai không? Hay như “Thương người như thể thương thân” có gì sai không?

Tôi nghe nói, trong một cuộc thi gì đó, một nữ thí sinh được Ban giám khảo đề nghị nhắc lại 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi, thì thí sinh đó không biết để trả lời. Những bậc làm cha làm mẹ, những nhà quản lý xã hội, những nhà làm giao dục có suy nghĩ gì về hiện tượng này?

Năm điều Bác Hồ dạy không hề “đao to búa lớn”, lời lẽ “cao siêu” của chủ nghĩa này, chủ nghĩa nọ, mà chỉ đơn giản là “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào…”, ai mà không có tổ quốc, ai mà không sống cùng đồng bào mình?

Cuối cùng, theo tôi, một khi đứa trẻ có những hành động bất đạo thì gia đình phải là người có trách nhiệm trước hết, sau đó mới đến xã hội và nhà trường. Bởi nghĩ rất đơn giản là, cùng một môi trường xã hội, cùng một hệ thống giáo dục tại sao lại có những cháu đoạt những danh hiệu cao quý về nhiều lãnh vực, đem vinh quang về cho đất nước? Cũng trong một môi trường đó lại có người trở thành anh hùng và lại cũng có người trở thành tội đồ? Gia đình vẫn là cái gốc, vậy thôi!.

Nói thế không có nghĩa là Bộ Giáo dục và nhà nước có thể coi nhẹ trách nhiệm của mình. Phải chăng mục đích của nhiều nhà trường hiện nay, để tăng nguồn thu là chính, còn việc dạy làm người, dạy nên người là phụ, như xã hội đang phàn nàn? Nếu đúng như vậy thì từ ông Thủ tướng đến ông Bộ trưởng giáo dục đến cơ quan tuyên giáo gì đó đều phải xem lại. Đừng quên câu “Trăm năm trồng người” của cụ Hồ. Quên là hỏng một đời người, hỏng một xã hội đó các vị ạ!

Quên, còn một câu hỏi nữa gởi Bộ Giáo dục, rằng các vị có quản lý các trường tư thục, nhất là các trường có vốn đầu tư nước ngoài không vậy? Nghe nói nhà đầu tư chỉ coi phụ huynh học sinh là con bò sữa để vắt thôi!./.

Hình trong bài: Một phụ huynh học sinh trình bày với CA về mất tiền học phí tại trường quốc Montessori.
Ngày 20/11/022
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.