BỨC BÌNH PHONG

Mỹ homeless 3

BỨC BÌNH PHONG

Nhiều nhà giàu sang thường sắm cho mình bức bình phong để chắn gió. Nói là để chắn gió chứ thực ra nó còn có một vài chức năng khác, tỷ như muốn nói chuyện riêng tư thì kéo bức bình phong lại. Nơi xưng tội ở các nhà thờ Thiên chúa giáo cũng có thể nói đức cha và kẻ xưng tội đều cách nhau bằng một bức bình phong.

Nói rông dài như vậy, coi như món khai vị để chuyển câu chuyện vào chủ đề chính ngay đây.

Vào cuối tháng Chín vừa qua, có hai sự kiện liên quan đến cụ Tổng thống thứ 46 của Huê Kỳ – một là, khi ngài rời bục nói chuyện thì cụ không biết đi ra bằng lối nào. Cụ cứ quay tới quay lui mà không tìm được đường ra. Mà mấy đứa trợ lý nó ác, cứ mặc kệ cho cụ tới lui cũng không thèm lên dẫn cụ đi. Cảnh thứ hai, là cụ ghi sổ tang trong lễ đưa ma cụ nữ hoàng Anh quốc. Lại đám trợ lý, chuyển “phao” cho cụ mà không dặn cụ thận trọng kẻo đám truyền thông nó ghi hình lúc cụ đang chép “phao”.

Qua hai hình ảnh trên, các dân cư mạng được phen cười, được phen chê. Tôi nói với dân cư mạng là đừng cười, đừng chê. Chẳng qua là đến cái tuổi của cụ ấy thì chẳng nói mạnh được. Chứ thực sự ra, chẳng có vị tổng thống nào xứ Huê Kỳ mà tự mình muốn nói gì, làm gì mà được đâu. Người ta đẩy các vị ấy ra phía trước như một bức bình phong vậy. Sau bức bình phong ấy là cả một thế lực, lúc thì đưa ra những chỉ đạo cho hành động, lúc lại như nhắc tuồng.

Những vị tổng thống chưa tới thất thập niên, bát thập niên có nhận được chỉ đạo hành động thì còn thể hiện sự năng nổ, ra vẻ chủ động; còn những vị đã đến tuổi gần đất xa trời thì quên quên nhớ nhớ, chẳng biết cái thế lực đằng sau nó bảo gì nữa cơ. Ai đã bước vào tuổi già như tôi bây giờ mới thấy cái khổ của tuổi già.

Bảo sao già rồi mà không nghỉ cho khỏe, tham quyền cố vị cho lắm ! Không phải đâu, nói thế thì oan cho cụ ấy lắm. Ai sẽ ra ứng cử chức tổng thống không phải người đó tự quyết định mà được đâu, do “ai đó” chỉ định vậy. Không biết các bạn còn nhớ, ít ra tôi đã có hai bài viết về thế lực ngồi sau các bức bình phong mà chỉ huy rồi. Ngồi sau bức bình phong ấy là người của thế lực có cùng tộc người với gia tộc Rothschild, tài phiệt của nước Mỹ, nhất cử nhất động cứ gọi là phải thực hiện theo sự chỉ đạo của thế lực đó. Nói rằng, xứ Huê Kỳ là một xứ tự do và dân chủ là nói để cho ai muốn tin thì tin thôi.

Đã có người nói rằng chính quyền Mỹ cũng giống như cái đồng hồ quả lắc, cái quả lắc đó lúc đánh qua bên Dân chủ, lúc đánh qua bên Cộng hòa, cuối cùng cũng chỉ là đẩy mấy cái kim đồng hồ cho nó chạy thôi. Mục đích của các chính quyền Mỹ, dù Dân chủ hay Cộng hòa thì cũng là đem lại lợi nhuận của các tập đoàn tài phiệt, bằng cách gây ra các cuộc xung đột trên thế giới mong tước đoạt tài nguyên của nước khác và bán được nhiều vũ khí để đem về làm giàu cho mình.

Nước lên thì thuyền lên. Các tập đoàn tài phiệt mà giàu có thì dân Mỹ – những người làm thuê cũng có phần, dù là một phần rất nhỏ so với những gì mà ông chủ có được. Vì thế, nhiều người nhìn vào cuộc sống Mỹ để mà mơ ước. Song mấy ai hiểu cho hết cái sự đời!./.

Hình trong bài: Tự do cư trú
Ngày 24/11/2022
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.