EB5

LÃO GÙ CỦA LÀNG LÀM NẾN

Làng của lão có nghề làm nến, dân miền nam gọi là đèn cầy. Nói chung là dùng để đốt lên cho có ánh sáng. Lão gù cũng là một người có mặt sớm trong làng làm nghề nến. Ngày mẹ lão đẻ ra, lão không gù một tẹo nào, song suốt thời gian theo làng làm nến, cái lưng của lão cứ cong dần, khi hắn không làm việc được nữa thì cái lưng của lão đã tạo nên một góc 120 độ so với thân của lão rồi.

Rồi lâu dần, người ta quên cả tên của lão, chỉ gọi là “lão gù”.

Chẳng biết, lão học ở đâu được mấy câu hát hay thơ gì đó, thỉnh thoảng hắn lại đọc:

“Đêm tối không có ông
“Tôi phải đi làm nến
“Thay ông tôi chiếu sáng
“Đêm đâu còn triền miên”…

Đôi lúc lão lại quên cái lưng gù của mình mà cất tiếng hát hay nói gì đó, rằng,

“Tôi chỉ muốn là một cây đèn cầy nho nhỏ.
“Cháy cho đến giọt sáp cuối cùng của nó.
“Góp cho đời này một chút ánh sáng. Vậy thôi!”.

Một ngày nọ, một toán cướp đông đảo đến cướp phá tất cả cơ sở làm nến của làng lão. Dân làng chìm trong đêm tối, gà vừa lên chuồng thì người cũng lên giường vì lấy ánh sáng đâu mà làm ăn gì nữa! Thế là ông xã trưởng bảo lão gù đi đến các nhà hảo tâm của các làng khác để coi họ có giúp gì nhằm khôi phục sản xuất được không? Trong suốt gần bốn chục niên trong nghề làm nến, lão chẳng quen ngửa tay đi xin. Song lão nghĩ, đi xin cho làng chứ cho mình đâu mà ngại. Thế là…

Sáng sáng, mặt trời chưa lên khỏi ngọn tre là hắn lại chống gậy đến các nhà hảo tâm mà giãi bày, mà kể khổ mong có người nhón tay làm phúc. Ai trông thấy lão cũng phải động lòng nên cuối cùng họ cũng mở hầu bao.

Trong số các nhà hảo tâm ấy, người cho tiền mua khuôn ép, người cho tiền mua tim vải, người cho sáp nấu chảy, và có người còn cho một số máy ép khuôn đã xài rồi, đem về sửa chữa qua loa rồi dùng lại. Có người lại bảo làng đưa một ít thợ sang chúng tao đào tạo miễn phí cho về mà làm. Cứ mỗi lần đến từng nhà hảo tâm, sau khi nhận được sự giúp đỡ là lão lại phải cúi gập người xuống để tạ ơn. Lâu dần, cái cột sống của lão không còn thẳng lại được như xưa, từ đó lão có biệt danh là “lão gù”.

Mặc dù lão bị gù nhưng lão vẫn vui lắm vì lão cũng có đóng góp một chút sức lực để khôi phục lại nghề làm nến của làng.

Sau khi nghề làm nến của làng được khôi phục, ông xã trưởng ngồi tính sổ mới giật mình, thì ra lão gù đi năn nỉ các nhà hảo tâm, đem về cho làng bình quân mỗi năm được ba trăm lạng bạc mà không phải trả vốn trả lãi gì (ngày nay thế giới tài chính gọi là ‘Non-Refundable Aid’, còn có vay có trả gọi là ‘Loan’). Thế là ông xã trưởng quyết cho làng đi lên bằng cách mở rộng sản xuất. Sau khi các nhà hảo tâm thấy dân làng đã có cuộc sống khấm khá hơn trước nên họ bảo thôi nhé, từ nay cái nguồn ‘non-refundable aid’ đã hết sứ mệnh, muốn đầu tư mở rộng sản xuất phải chuyển sang nguồn ‘loan’ thôi. Ông xã trưởng bảo “loan thì loan, loan phượng gì cũng tốt”.

Trời ơi, từ đó trở đi làng tôi như một khu công nghiệp thời nay vậy. Công trình nào công trình ấy cứ gọi là to vật vã, có công trình tiêu tốn đến cả mấy trăm triệu lượng bạc chứ đâu có ít. Ông xã trưởng bảo lão gù bây giờ chỉ có nhiệm vụ chuẩn bị trà nước tiếp khách thôi còn chuyện tiền nong đừng có “dây vào”. Thì thôi, lão đâu có muốn “dây”, song lão cũng nghe phong thanh thấy người ta đồn ông xã trưởng và đám hương chức cũng chấm mút gì đó. Lão nghĩ thế thôi, chứ ai làm gì kệ họ, mình gù nhưng lương tâm mình không gù là được.

Thế là… xã trưởng bảo, thôi, về nhà mà trông mấy con gà cho vợ. Thế là lão về, thế hệ xã trưởng này đến thế hệ xã trưởng khác chẳng còn ai nhớ chuyện ngày xưa. Mặc xác họ, lão nghĩ thế.

Nhưng vừa rồi lão chưng hửng khi nghe tin, ông xã trưởng đời thứ ba thứ tư gì đó, bảo con trai ông ta thôi ra khỏi cái đảng “Di Sản” của nó đi rồi ông ấy cho mấy trăm triệu lượng bạc mà sang cái nước gì đó, mà người ta cứ gọi xứ “cờ bông” để làm ăn sinh sống, theo chương trình E-Bê-Phíp (EB-5 – Employment-Based Fifth) gì gì đó. Thế là hắn bỏ không theo cái đảng “Di Sản” của hai bố con hắn nữa và đi làm thuê để có cái thẻ màu xanh màu đỏ gì đó. À không, thẻ xanh thôi, còn cái thẻ màu đỏ là thẻ của đảng viên đảng “Di Sản” đã bị hắn vứt đi rồi.

Lão gù biết ối chuyện, lão nhìn vào cái cây quen thuộc trước mặt, cây đó tồn tại ở làng làm nến đã lâu, lão biết cành nào đã bị sâu đục khoét, cành nào chưa bị. Lão bảo rằng, con người không phải là thánh, chẳng ai hoàn hảo. Chỉ khi nào diệt hết “tham, sân, si” thì họa may mới được phong thánh. Lão thấy người nọ tuy có địa vị cao sang, song cũng chỉ là con người, có mặt nọ mặt kia. Có người chỉ nhìn thấy mặt này cho là tốt thì tâng bốc lên, người khác nhìn thấy khiếm khuyết ở mặt kia thì lại bảo, chẳng phải tất cả đều như thế đâu. Cũng ối chuyện!

Lão gù cứ điềm tĩnh nhìn đời, nhìn người. Lão cũng biết rằng trên đời lúc nào chẳng có chuyện tốt chuyện xấu đan xen, đừng suy nghĩ một chiều, đừng đánh giá con người chỉ trên một phương diện!./.

Hình trong bài: Tổng quan chương trình EB-5.
Ngày 27/11/2022
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.