
SẼ CÓ MỘT NGÀY
Tôi đã từng có bài viết về các thế hệ những con người cách mạng Việt Nam, trải qua mỗi thời kỳ lịch sử lại sản sinh ra một thế hệ vừa là sản phẩm của lịch sử, lại vừa là những người xây dựng nên lịch sử.
Tôi viết bài này, với một mục đích, tự mình xây dựng cho mình một niềm tin, rằng con đường đi của dân tộc hiện nay, cuối cùng sẽ tới đích; mặc dù, trên con đường ấy chẳng thiếu gì trở ngại, những trở ngại do hoàn cảnh ngoại lai đưa tới, song cũng có những trở ngại do chính những con người cách mạng tạo nên. Tôi muốn nói vế thứ hai này.
Cụ Hồ Chí Minh thực hành một cuộc bôn ba hải ngoại, với một ý chí duy nhất là tìm đường cứu nước, cứu dân tộc thoát khỏi kiếp nô lệ mà thực dân Pháp đã dựng lên ở xứ Đông Dương hàng trăm năm trước. Đã có quá nhiều tài liệu, sách vở nói về những câu chuyện này, đã là người Việt Nam thì không ai không biết.
Song điều tôi muốn nói về những đồng chí của cụ Hồ – những người Cộng sản và không Cộng sản. Họ có một đặc điểm chung là rất yêu nước, dám từ bỏ một cuộc sống giàu sang của một trí thức (trong và ngoài nước) để đi tới chỗ “nằm gai nếm mật”, ở chốn “rừng thiêng nước độc” để chiến đấu cho lý tưởng của mình. Ở vào giai đoạn lịch sử này, chúng ta không hề thấy xuất hiện bất kỳ một kẻ phản bội nào, và cũng chẳng thấy có cái “bệnh thời thượng” như hiện nay là tham ô, tham nhũng.
Đó là một giai đoạn lịch sử tiếp theo được lập nên bởi những con người như vậy.
Rồi kháng chiến chống quân xâm lược lần thứ nhất bùng nổ. Lớp lớp thanh niên “xép bút nghiên lên đường tranh đấu”. Trong một hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, vô cùng gian khổ, hy sinh để rồi đã xuất hiện những anh hùng để cuối cùng, chúng ta có,
“Chín năm làm một Điện Biên.
“Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”
Trong suốt chín năm kháng chiến trường kỳ, mọi người từ trẻ đến già đều lo đánh giặc, mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân bị chủ nghĩa anh hùng quét sạch. Suốt 9 năm ấy, duy nhất chỉ có một vụ án kinh tế và đã được xử lý một cách nghiêm minh nhất.
Danh hiệu Điện Biên không chỉ là một địa danh mang tính lịch sử mà nó còn là một biểu tượng anh hùng đã động viên cho phong trào giải phóng dân tộc ở các thuộc địa của Pháp, của Anh, nổi lên đập tan nhiều mảng của chủ nghĩa thực dân cũ. Chẳng thế mà, trước đó cái tên nước Việt Nam không hể hiện trên bản đồ thế giới, từ đó nhân dân các nước đã biết đến một Việt Nam, biết đến Hồ Chí Minh và biết đến Võ Nguyên Giáp.
Đến giai đoạn lịch sử thứ ba lại một lần nữa buộc chúng ta phải cầm súng đánh đuổi đội quân xâm lược, đội quân ấy mạnh gấp nhiều lần đội quân trong cuộc “Chín năm”.
“Dù rằng đời ta thích hoa hồng
“Kẻ thù buộc ta ôm cây súng”…
Trong cuộc trường chinh lần thứ hai, chủ nghĩa yêu nước vẫn là dòng chủ đạo, được thể hiện từ những người ở hậu phương, đến những chiến sĩ ngoài mặt trận. Những chiến sĩ đứng ở chiến tuyến ngoài mặt trận cùng đồng đội, mặc dù cũng là đứng trước sự sống và cái chết, song sự lựa chọn đơn giản hơn những người đã chọn cái chết ngay trước khi ra trận, điển hình như anh thợ điện Nguyễn Văn Trỗi tại Sài Gòn.
Tuy nhiên lác đác đâu đó vẫn xuất hiện một số kẻ hèn nhát trong đội ngũ những anh hùng. Những kẻ này tự biến chúng thành kẻ phản bội – phản bội tổ quốc, phản bội đồng chí của mình. Sau khi “toàn thắng đã về ta” thì những kẻ này chỉ như những bọt xà phòng, tan đi dưới ánh sáng mặt trời.
Trong cuộc trường chinh thứ ba, vừa lâu dài lại vừa nhiều thử thách. Trong hai cuộc trường chinh trước đây, từ nguồn lực cho đến tình cảm và ý chí tập trung cho việc đánh đuổi ngoại xâm, thi bước vào cuộc trường chinh thứ ba này có nhiều thử thách nhiều cạm bẫy. Đó là phát triển một nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN.
Cái mệnh đề “nền kinh tế thị trường” mở ra rất nhiều cơ hội, thử thách và cạm bẫy. Hôm nay tôi là một công chức cần mẫn, một người cộng sản chân chính, ngày mai có một cơ hội kiếm tiền đến, nếu chủ nghĩa cá nhân lần này lấn át chủ nghĩa anh hùng cách mạng thì người đó sẽ bị sa ngã. Chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên một khi có những viên chức cao cấp cũng phải tra tay vào cái còng số 8 và đứng trước vành móng ngựa.
Ngoài những nguyên nhân tự thân những người bị sa ngã, còn có một nguyên nhân khách quan, đó là đất nước chúng ta đi lên từ một nền nông nghiệp, tiểu nông, điều đó chi phối rất nhiều đến lối suy nghĩ và hành động của mỗi người. Không cần nói ra thì mọi người đều biết, những đặc tính của giới tiểu nông, tiểu thương là như thế nào rồi. Vì thế, một khi nền kinh tế của nước ta chưa trở thành một nền kinh tế công, nông nghiệp hiện đại thì chưa thể khắc phục hết những đặc tính nông dân đó. Và công cuộc “đốt lò” vẫn còn phải thực hiện dài dài.
Nếu đúng như Nghị quyết của Trung ương đảng Cộng sản, chỉ ra rằng, đến năm 2045, Việt Nam sẽ là một nước phát triển, có thu nhập cao, thì từ nay đến đó sẽ hình thành một lớp người khác – lớp người biết “làm ăn lớn” phù hợp với một đất nước công nghiệp phát triển. Đến lúc đó, một điều rất đơn giản mà hiện nay chính quyền các thành phố phải đau đầu như là nạn lấn chiếm vỉa hè, sẽ không còn nữa. Tôi nói thí dụ như vậy.
Năm nay là năm 2023, hai mươi hai năm, cộng với giai đoạn hòa bình đến nay cũng đã suýt soát nửa thế kỷ rồi đấy nhỉ? Và tính đến năm 2024, thì cuộc trường chinh lần này có thể tính gần một thế kỷ (70 năm), đến lúc đó chúng ta sẽ thấy một nước Việt Nam khác, một đội ngũ công chức khác. Tôi tin ngày đó sẽ đến./.
Hình trong bài: Lên đường đi cứu nước.
Ngày 17/05/2023
Ngã Thị Dã