TẬP TẦM VÔNG

Thailand dance

TẬP TẦM VÔNG

Trước khi vào bài, xin hỏi các bạn trẻ bây giờ có ai biết bài đồng dao có tên như trên không nhỉ? Đây là một bài đồng dao rất phổ biến trong cả nước vào thời xa xưa, khi đó lão già này vẫn còn là một đứa con nít.

Tập tầm vông, tay không tay có.
Tập tầm vó đố tay nào có, tay nào không? Có có, không không.
Bài viết này tôi chỉ mượn tên của bài đồng dao để nói lên một vấn đề thời sự, song khi nói về bài hát, cái tuổi thơ lại ùa về nên không thể không hát tiếp bài hát. Rằng,

Chị có chồng, em có vợ
Chị ăn cá, em mút xương
Chị ở lò gốm, em ở bến sông
Chị ăn kẹo, em ăn bánh
Chị trồng hành, em trồng tỏi
Chị nuôi mẹ, em nuôi cha.

Người ta dùng cái trống cơm để đệm cho lời ca, cứ mỗi câu hát tiếng trống cơm lại kêu lên “phập phùng, phập phùng”. Gọi là trống cơm vì mặt trống hai bên người ta dán vào đó một cục cơm nếp, thực tình tôi cũng chưa biết vì sao lại phải làm thế. Hình như người ta bảo đó là “định âm” làm cho tiếng trống ấm hơn.

Trời, vào đề dài quá, đi lang thang chút nữa thì lạc.

Nào, chúng ta đi coi các cặp họ chơi như thế nào nhé.

Cặp chơi đầu tiên là Mỹ và khối EU, chúng ta chẳng cần phải nói nhiều, vì ai cũng biết, giới tinh hoa EU đã không đoán ra tay nào của Mỹ có và tay nào không, cuối cùng tiền đặt cửa chảy vào túi Mỹ hết.

Gần đây nhất là cuộc chơi giữa Mỹ và Ukraine thì người thắng đương nhiên là Mỹ rồi, vì mặc dù Ukraine nắm con bài tẩy trong tay song Mỹ đoán trúng phóc. Kỳ này thì Mỹ thắng vì đã làm cho dân số Ukraine giảm được ối và làm cho Ukraine mắc nợ một số tiền lớn.

Vừa rồi Mỹ vác cái trống cơm ra cho hai nguyên thủ Slovakia và Ukraine hát bài đồng dao “Tập tầm vông”. Người Mỹ vừa vỗ tay vào hai mặt trống, “phập phùng, phập phùng”, thì hai người chơi mới hát:
Chị ăn cá, em mút xương
Chị ăn bánh, em ăn kẹo

Hát xong thì người chị Slovak đưa cho người em Ukraine một vật gì đó. Khi người em mở ra thì đó là 13 cái máy bay MIG-29. Người em mừng khôn xiết, mới nghĩ, đúng là “hết cơn bĩ cực, đến thời thái lai”. Có 13 chiếc máy bay thì kỳ này đám Nga ngố chỉ có từ bị thương đến chết!

Nhưng khi về đến nhà, mở ra thì hỡi ôi! Chúng chỉ còn hoạt động được mấy chục giờ nữa thì phải đưa vào bảo tàng. Còn người chị, sau khi cha bảo phải giao máy bay cho em nó, vâng lời cha nên mới giao đó chứ. Sau khi cái kẹo trao đi, người chị được cha chuyển cho 960 triệu Mỹ tệ, chẳng biết là cho hay cho vay, song dù sao thì ngân quỹ quốc gia này cũng có thêm một mớ.

Lúc này người em mới cất giọng bi ai, hát theo tiếng trống cơm phập phùng, rằng “chị ăn cá, em mút xương”!

Bây giờ chúng ta ăn cơm mới nhưng lại nói chuyện cũ. Chuyện của người hàng xóm phương nam, nơi người dân thường biểu diễn những điệu múa cổ truyền như “Khon”, “Lakhon” và “Fawn Thai”. Những điệu múa của người Thái thật uyển chuyển, hai bàn tay của vũ công cứ ngửa ra như nói với mọi người, rằng “ta chẳng có gì trong tay đâu nhé”.

Và chính quyền của quốc gia này thì còn uyển chuyển hơn cả mấy vũ công nữa. Thực tình tôi không biết nên nói là uyển chuyển hay nói là “gió chiều nào che chiều ấy”?

Chả là, những thế hệ người đứng dầu quốc gia này lúc theo đồng minh chống phe trục (phát-xít), lúc lại theo “trục” chống “đồng minh”, đó là mới tính từ năm 1944 đến năm 1950. Ngay cái ông đứng đầu chính phủ thời ấy, có tên là Phibun gì đó, cũng cứ trông chiều gió mà quay như con chóng chóng. Những nhà cầm quyền kế tiếp lại tham gia vào băng hát đồng dao, lúc thì hát theo tiếng trống cơm của Mỹ; lúc khác lại thấy người Tàu đánh trống cơm coi bộ xum tụ hơn thì lại hát theo Tàu.

Ở trong một nước mà người này có xu hướng phò Mỹ, người khác lại có xu hướng phò Trung, nên đảo chính là chuyện không tránh khỏi. Tôi ví hai phe đó như hai chị em trong một gia đình. Người chị theo cha (Mẽo), người em theo mẹ (Tàu).

Chả thế mà năm 1950, người chị đã cử 3.650 binh sĩ sang giúp cha đánh Triều Tiên. Sau vụ này cha cho chị 10 triệu đô-la, cha còn chỉ thị cho Ngân hàng thế giới cho cho chị vay lãi suất nhẹ 25 triệu đô nữa. Xin nhớ tiền đô của những năm 1950 nhé.

Đến năm 1954, cha thành lập ở Đông Nam Á một tổ chức chống Cộng, có tên là SEATO, với chức năng như NATO hiện thời. Thế là chị đứng về phía cha, chị tích cực chống cộng. Bề ngoài là thế, song trong thâm tâm chị vẫn nghĩ đến mẹ, nên đã gởi hai đứa con, một đứa 8 một đứa 12 tuổi sang cho mẹ, coi như để làm con tin và nhờ Chu Thủ tướng thời ấy dạy dỗ và chăm sóc. Cô chị tính kỹ lắm vì e rằng một khi phong trào Cộng sản mà lan xuống thì đây sẽ là món quà kết giao được đưa từ trước.

Tuy nhiên chị vẫn theo cha để chống lại Cộng sản Việt Nam, ngoài việc cho cha mượn nhà mượn đất, chị còn gởi 40.000 quân sang tham chiến ở Việt Nam. Đám lính này chủ yếu là rúc vào bụi rậm để cầu nguyện nên số chết chỉ đếm được có 351 tên. Chẳng thế mà đám lính Mỹ truyền tai nhau, muốn sống thì cứ theo đám lính Thái. Để trả công, năm đó cha cho chị 1,1 tỷ đô.

Nhưng rồi mẹ Tàu, dù đã ly hôn với cha, song vẫn còn tức tối lắm. Mẹ liền tung tiền ra lôi kéo chị về phe mình. Mẹ liền cung cấp nào vũ khí cho chị với giá trị 1 tỷ đô vào giai đoạn 2014-2018. Chị liền để dành miếng đất có tên là Sattahip để mẹ lập căn cứ hải quân, làm nơi thu thập thông tin tình báo tại căn cứ hải quân của cha gần đó.

Cha Mỹ thấy vậy, liền xỉ vả người vợ đã ly hôn, rằng “bà cậy bà có nhiều tiền à? Hãy coi đây”. Thế là, ngay trong năm 2019, cha cấp cho chị 4 trực thăng, 37 xe bọc thép; ngoài ra còn không tính tiền 24 chiếc nữa. Sở dĩ như vậy, bởi vì cha còn một căn cứ không quân ở Utapao. Cũng năm đó, cha ký với chị một hợp đồng bán trực thăng, tên lửa với giá trị 400 triệu đô.

Mặc dù cha đã bán cho nhiều vũ khí, song mẹ vẫn có thể chen chân vào thị trường này, cũng lại vũ khi và tàu ngầm. Nhưng nghe nói cái tàu ngầm này có vấn đề. Có lẽ vì thế chị cứ dạng háng ra, đi theo kiểu hai hàng. Mẹ nghi đằng mẹ, cha nghi đằng cha, chẳng ai biết đâu mà lần. Hiện tại cuộc đấu quyền lực mới đã bắt đầu, chưa phân rõ vai – ai là chị ai là em. Song người dân Thái đã cất tiếng hát, “chị ở lò gốm, em ở bến sông”, “chị trồng hành, em trồng tỏi”.
Vui! Nói chung là vui! ./.

Hình trong bài: 1) Điệu múa cổ điển của người Thái;
Ngày 22/05/2023
Ngã Thị Dã

Add a Comment

Your email address will not be published.