
MỘT CHÚT
Một chút cá nhân chủ nghĩa, một chút công thần, một chút chủ quan, một chút duy ý chí, một chút độc tài…, tôi dám chắc trong mỗi người chúng ta, nếu không có “một chút” này thì cũng có “một chút” nọ.
Những người đứng đầu một tổ chức, nếu có cái “một chút” gì đó thì cũng chỉ ảnh hưởng trong một phạm vi hẹp, càng lên cao thì ảnh hưởng càng rộng và đôi khi trở thành có hại cho cả một sự nghiệp, không chỉ với bản thân người đó mà còn ảnh hưởng đến cả một đất nước một dân tộc.
Trở lại lịch sử Liên Xô, có những nhân vật nổi lên như Stalin, người ta bảo trong ông có “một chút” độc tài; tiếp đến là Khrushchev, người ta nói ông có “một chút” cá nhân và “một chút” duy ý chí…, vì vậy mà khi đã đứng đầu đảng Cộng sản Liên Xô ông đã quay ra chống lại Stalin, dưới “ngọn cờ” chống “sùng bái cá nhân”, và do duy ý chí nên thành tựu lãnh đạo của ông để lại không có gì nổi bật, nếu không muốn nói là có nhiều sai lầm.
Triều đại cuối cùng của đảng Cộng sản Liên Xô thuộc về Gorbachev, do có quá nhiều cái “một chút”, nào là “cá nhân chủ nghĩa” để cho phương tây lợi dụng được; nào là “duy ý chí” trong “công cuộc cải tổ”, dẫn đến sự phá sản của cả một hệ thống Xô Viết, để lại hậu quả xấu cho đến hôm nay.
Ở nước ta, một cuộc trường chinh kéo dài gần một thế kỷ. Nếu tính từ ngày có đảng Cộng sản đến nay thì cũng đã trải qua 93 năm rổi, chỉ còn 7 năm nữa là tròn một thế kỷ. Nếu cứ nói, tất cả những người lãnh đạo cuộc cách mạng của dân tộc đều là những người hoàn hảo, nói vậy tức là chúng ta cũng có trong người “một chút duy ý chí”. Từng giai đoạn cách mạng đều có những bước thăng, bước trầm, thậm chí là có những bước thất bại, song cuối cùng, thắng lợi đã đến với phe chính nghĩa.
Tỷ như công cuộc cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, có mắc sai lầm không? Có chứ, bên cạnh mặt được bao giờ cũng có mất. Cái mất ấy, đôi khi chỉ là “một chút duy ý chí” mà ra. Sau năm 1954, những người lính trở về, người người chào đón, người người hân hoan, vì thế cho nên trong số những người trở về ấy sao tránh khỏi “một chút công thần”. Rồi từ mặt trận tiêu diệt quân thù bên kia chiến tuyến, nhiều người sau đó được đưa vào làm trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Lớp người này tôi biết cũng kha khá, và họ đã bộc lộ ra “một chút duy ý chí”, cái “một chút” này gây ra hai hậu quả – một, cho bản thân người đó, và hai, cho lĩnh vực mà người ấy phụ trách.
Một khi xã hội tiến lên, khoa học kỹ thuật phát triển thì mấy cái “một chút” nói trên cũng giảm đi nhiều, và khi đó – nói theo kiểu triết học, thì cách nhìn, cách suy nghĩ, và hành động đã “biện chứng” hơn.
Chuyển sang giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường, thì những cái “một chút” phát triển mạnh, nhất là “cá nhân chủ nghĩa”, “cơ hội chủ nghĩa”. Có lẽ cụ Hồ ngay từ đầu cách mạng nhận thấy nguy cơ lớn, nên đã đề ra chủ trương lớn là “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Chủ nghĩa cá nhân thể hiện trong các việc chạy chức, chạy quyền, tìm kiếm cơ hội để làm lợi cho bản thân và gia đình.
Chứng minh cho điều tôi nói trên, hàng ngày, mỗi lần ông Trần Cẩm Tú ngồi ghế chủ trì cuộc họp Ban Kiểm tra hay gì đó, là y như rằng một loạt hình thức kỷ luật được đưa ra, từ phê bình cảnh cáo, đến khai trừ và nặng nữa thì chuyển hồ sơ sang công an và tòa án. Những người đó chính là tín đồ của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội.
Tôi cũng muốn nói những kẻ đạt đến đỉnh cao của chủ nghĩa cá nhân khác nữa, đó là những kẻ, khi còn đương chức thì “ngậm miệng ăn tiền”, trong thời gian còn tại chức được hưởng mọi quyền lợi cao hơn người bình thường, nhưng khi thời của mình đã hết thì quay ra cắn chủ. Để làm gì? Một số thì thể hiện “ta đây” để mọi người không quên ông ta, bà ta; một số khác thì tìm thấy cơ hội kiếm tiền do đám chống đối ngoài nước thuê để sủa, để cắn. Đây là những tín đồ mạt hạng của chủ nghĩa cá nhân. Lũ bày trò chống đối này khác chỉ là những kẻ bán danh dự của mình lấy mấy đồng đô-la thôi.
Trong nội bộ nhân dân ta cũng có một số người thường biểu hiện “một chút” mà là một chút “hồ đồ”. Theo dõi cuộc họp QH thứ V, QH khóa 15, mới thấy, một chút “hồ đồ”, chẳng phải chỉ có trong dân gian mà có cả trong một vài vị đại biểu của dân không hiểu chuyện cũng có “một chút” này. Những vị này khi thấy điều gì đó trong xã hội mà không hạp ý mình, không trùng với quan điểm của mình, trong khi cơ quan nhà nước chưa có kết luận đúng sai về chuyện đó, thì các vị đã nhảy dựng lên rồi tạo ra trào lưu phản đối này nọ. Cái cách đó chỉ tổ làm cho xã hội rối ren thêm, rồi bọn chống phá lợi dụng để lôi kéo những người thiếu hiểu biết./.
Hình trong bài: Những kẻ “cơ hội chủ nghĩa”.
Ngày 29/05/2023
Ngã Thị Dã