
CỨ PHẢI CHỬI MỚI LÀ KẺ THỨC THỜI
Tôi tham gia mạng xã hội, làm chủ một trang facebook và một trang web – đã trải qua không dưới 10 năm, tôi nghiệm ra một điều, nhiều người tham gia vào mạng này, cứ phải tìm cho ra một vụ việc gì đó, không cần biết là to hay nhỏ, quan trọng hay không quan trọng, cứ đưa lên rồi chửi cái đã, như vậy mới chứng tỏ mình là một kẻ thức thời, mới là người có trách nhiệm với đất nước. Ai không chê không chửi là những kẻ “dĩ hòa vi quý”, không có “lập trường rõ ràng”.
Tôi chỉ xin nêu một ví dụ thôi. Đó là sự việc Công ty xổ số kiến thiết Bình Dương khi in tờ vé số, đưa ra một thông tin nhầm lẫn, giữa chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 với trận Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội năm 1972. Sự nhầm lẫn như vậy là đáng trách, song nó không thể hiện sự chống đối hay phản động gì.
Nếu đã đáng trách, thì trách ai? Chỉ có một người – đó là người duyệt thiết kế. Mà người duyệt thiết kế là một trong những lãnh đạo của công ty (tôi nghĩ thế), vậy thì chúng ta chỉ cần góp ý cho công ty để họ sửa (nếu được), còn nếu không sửa thì có ai chê, ai cười, cũng chỉ chê hay cười dàn lãnh đạo ấy mà thôi. Song, người đời không thích thế, phải quy trách nhiệm cho các cơ quan của tỉnh, kể từ người lãnh đạo cao nhất đến ban Tuyên giáo tỉnh vân vân vì cái tội “xuyên tạc lịch sử”. Chao ơi, nếu cứ chiếu theo sự quy kết này thì đã đến lúc Nhà nước phải kỷ luật hết bộ máy quản lý của tỉnh Bình Dương thôi.
Đó chỉ là một ví dụ thôi, chứ hàng ngày cứ vào mạng xã hội là nghe toàn chuyện xấu, đất nước chẳng có gì tốt. Ai mà đưa lên mạng xã hội chuyện người tốt việc tốt, hình như bị cho là kẻ không thức thời, và vì thế mà lượng tương tác rất ít. Và những chuyện tốt chỉ xuất hiện trong một thời gian rất ngắn làm cho người ta quên đi, còn cùng một chuyện dở, chuyện xấu thì xuất hiện từ ngày này sang ngày khác, hết người này chia sẻ lại đến người khác đăng nhắc lại.
Thế là bộ mặt xã hội ta trở nên xấu xí. Mọi người hãy soi vào gương đi, coi mình đã có được một bộ mặt thật hoàn chỉnh chưa? Trừ những người phải đi thẩm mỹ viện để chỉnh sửa và những cháu bé còn đang bế ngửa thì, tôi có thể nói, rất ít ai có một bộ mặt thật hoàn chỉnh. Vậy đó, mình chưa hoàn chỉnh mà lại cứ đòi một xã hội phải thật hoàn chỉnh. Không biết trên thiên đường thế nào, chứ dưới trần gian này, chẳng có xã hội nào hoàn chỉnh cả. Cái đó tùy vào nhãn quan của mỗi người, ai thích điểm nào thì cứ nhấn mạnh điểm đó, dù là tiêu cực hay tích cực. Đã có lần tôi nói, việc khen chê coi vậy mà khó lắm đó.
Như những ngày dịch Covid-19, sự hy sinh của đội ngũ y bác sĩ và cán bộ y tế to lớn biết nhường nào. Nhờ có họ mà tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải công nhận thành tựu chống dịch của nước ta xứng đáng là một điển hình tốt. Nhưng khi xảy ra vụ “Kit Test” thì mọi thành tựu mà những người trong ngành y đạt được trước đó đều bị đạp đổ. Đến hôm 06/05 vừa qua tôi vẫn đọc được vài câu chê trách. Vậy thì công bằng ở đâu? Kể tội thì rất dễ và đồng thời cũng dễ lôi cuốn người nghe. Còn kể công cho một ai đó thì hình như nhiều người không thích nói và cũng không thích nghe.
Chính vì suy nghĩ như vậy nên trong các bài viết của tôi, thường lôi ra những mặt trái của xã hội tư bản để nói với mọi người rằng, không một xã hội nào là hoàn chỉnh, mà chỉ cần xét một khía cạnh là, chính quyền nơi đó phục vụ cho tầng lớp nào là chính, họ có thật sự do dân và vì dân không. Trên một chặng đường dài đi đến phát triển cao, những sai sót và vấp váp là không tránh khỏi. Ấy là chưa kể đến những kẻ thích bươi móc thiếu sót khuyết điểm để làm nhụt chí những người cầm cân nảy mực. Thế thôi!
Hình trong bài: Các bác sĩ chống dịch, chúng ta đã làm gì để úy lạo họ?
Ngày 02/06/2023
Ngã Thị Dã