
HỌC ĂN, HỌC NÓI
Mỗi người đều có một cái miệng vừa để ăn lại vừa để nói. Những tưởng ăn và nói thì có gì mà phải học. Khó lắm đó, người ta chỉ nhìn một người nào đó ngồi ăn và cách ăn là biết ngay tính nết của người ấy ra sao; rồi cũng từ cái miệng khi phát ra tiếng nói, người ta có thể đoán ngay về cái sự hiểu biết, cái tính nết của người đó – trung thực hay dối trá, dịu dàng hay cộc cằn …. Đấy là nói về quan hệ xã hội, chứ đã đóng vai một chính khách, một người đại diện cho dân, thì mỗi lời nói ra là có thể làm cho công chức nhà nước phải giật mình mà suy nghĩ; một lời nói ra là giúp cho dân biết rõ phải trái; và mỗi lời nói ra là làm cho kẻ địch phải câm miệng, không thể lợi dụng mà chống phá.
Đấy là tôi nói, cái đạo lý nó phải thế. Chứ cứ là thường dân như tôi, có nói gì thì cũng chẳng tác động đến ai, họa chăng có mấy đưa cháu nó phải lĩnh hội.
Tôi đã viết một bài với tựa đề “Phải làm sao?” (sẽ đăng vào ngày mai), kể chuyện về một ông quan đến thăm đội bóng đá của xứ nọ. Rốt cuộc lời nói của ông không khác mấy với giọng hót của một con chim. Để trong lồng nó hót thế nào, khi thả nó ra thiên nhiên cũng vẫn giọng hót đó.
Đã có lần tôi nghe thấy một vị nọ nói rằng, trồng nhiều cây cao su, sẽ thải nhiều CO2 ra môi trường làm cho các cây khác không ra quả! Vậy có khi nào các cây đó nhả oxigen (O2) ra không khí không nhỉ?
Mấy ngày nắng nóng của năm 2023, người ta mới nghĩ về điện. Người bảo không nên mặc áo vest, người bảo chỉ nên đặt cho máy điều hòa không khí ở mức 26 độ (C) thôi vân vân, đó không nên là phát ngôn của các chính khách, vì nó chẳng giải quyết được cái gì. Có vị nói hơi có tính “vĩ mô” một chút thì lại không khác gì mấy anh ít học như tôi thường kêu toáng lên mỗi khi bị mất điện, nào là sao không khai thác hết công suất của các dự án điện mặt trời, điện gió mà phải đi mua điện của Trung quốc và Lào. Cách nói y như của bà nội trợ hỏi con sao không đến cửa hàng này mà lại đi mua ở cửa hàng đó? Một mặt hàng chỉ cần tức thời và ngay lập tức có thể không mua ở nơi này thì mua nơi khác.
Thưa rằng, quan hệ mua bán giữa hai nước là theo hợp đồng dài hạn và đã xác định công suất điện bán và mua vào từng thời điểm trong năm ạ. Còn những gì thuộc về điện mặt trời, điện gió và các thứ điện khác, xin mời ai đó, đọc các bài viết của mấy người trên facebook ấy. Qua các bài viết ấy, kẻ thường dân này học được khối điều hay.
Lưới điện liên kết như ở ta mới chỉ trong phạm vi một quốc gia, mục đích là nhằm điều tiết giữa nơi thừa và nơi thiếu, giữa nơi đắt và nơi rẻ. Ngoài ra, hiện tại thì mới có lưới điện liên kết giữa Việt Nam với Lào và một chút giữa biên giới hai nước Việt Trung thôi, chứ chưa có một mạng lưới liên kết hoành tráng như ở tây Âu và bắc Âu.
Nhân tiện, xin nói qua một chút về lưới điện của bắc Âu, đó là sự liên kết giữa Na-uy, Đan-mạch, Phần-lan và Thụy điển. Na-uy là một nước chỉ có thủy điện, Đan-mạch thì chỉ có nhiệt điện, như vậy họ khai thác được giá điện rẻ của Na-uy vào mùa mưa, và Na-uy sẽ không lo thiếu điện vào mùa khô. Biết đâu, đến một ngày nào đó lại hình thành một lưới điện liên kết Đông Dương, lại sẽ có khối chuyện để nói. Rồi cũng có nhiều người chẳng hiểu gì nhưng thích nói.
Chỉ một lời khuyên, theo như cha ông ta nói, “biết thì thưa thớt, không biết tựa cột mà nghe”. Đừng nghĩ, rằng nếu mình không nói thì sợ dân cho rằng mình không biết, song tệ hại ở chỗ nói không đúng thì lại lòi cái đuôi “quá giỏi” của mình ra./.
Hình trong bài: Lưới điện liên kết các nước Bắc Âu.
Ngày 06/06/2023
Ngã Thị Dã