CÁI HAY CỦA CẢNH NGHÈO

Nghèo giàu

CÁI HAY CỦA CẢNH NGHÈO

Lão nói thế này thì chắc chắn sẽ nhận được khối gạch đá. Song xin các bạn cứ bình tâm mà suy xét. Đã nhiều lần lão viết rằng, cái gì cũng có hai mặt – tích cực và tiêu cực; tốt và xấu. Hôm nay lão viết về mặt tốt của cảnh nghèo, lão dùng từ “cái hay” chứ không dùng chữ “tốt”cho nó nhẹ bớt đi.

Chắc chắn, những ai sinh cùng thời với lão mà còn đang sống thì cũng đã trải qua những ngày tháng nghèo khổ. Cực lắm các bạn ạ, nhất là những gia đình nông dân có sức làm mà không có ruộng của riêng mình, phải nhận ruộng của gia đình địa chủ, sau khi thu hoạch xong thì đem nộp tô cho địa chủ.

Ngày đó nhiều người thuộc bài hát nói về cảnh khổ của người cày không có ruộng, trong đó có những câu:

“Tháng ba ngày tám rau cháo cầm hơi, nhớ mùa vừa qua, lúa ta về nhà ai? Ai bóc lột địa tô, ai ngồi mát ăn bát vàng?”…

Vậy đó, đó là mặt tiêu cực của cảnh nghèo. Đọc đến dây, chắc có bạn sẽ hỏi, vậy thì cảnh nghèo có điều gì tích cực? Có đó.

Sáng ngày 13/06 vừa qua, có một bạn trẻ đến thăm lão; bạn đó hỏi vì sao bác không có bệnh của tuổi già như đau khớp, đau lưng, đau đủ thứ? Lão bảo vì bác đã có một thời gian dài sống trong gia cảnh nghèo khó. Cái nghèo nó giúp người ta có cuộc sống “lành mạnh” hơn. Tỷ như, lao động chân tay nhiều hơn, đồ ăn thức uống “xanh” hơn bây giờ – không có thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi, không có thuốc trừ sâu và phân hóa học trong trồng cấy. Khi ăn thì toàn ăn đồ tươi, rau từ vườn nhà, cá từ ao nhà, gà vịt từ chuồng nhà; mỗi lần đi chợ thì chỉ mua mắm mua muối, mua đồng quà tấm bánh, mảnh vải may quần may áo…, vậy thôi.

Ăn đã không đủ no thì làm sao mà có những cuộc nhậu thâu đêm, đến nỗi rượu bia đã phá nát cả gan và bao tử như ngày nay. Nhờ vậy mà thời đó không có những thứ bệnh mà nhà giàu hiện nay đang mắc phải. Lão mới coi một clip, ở đó có 4 thanh niên tham gia cuộc thi ăn hết 21 cái “bim trâu” (ngầu pín, bộ phận sinh dục của trâu) nếu các chàng ăn hết sẽ được thưởng 5 triệu đồng (hình dưới)! Chao ôi, chỉ vì 5 triệu đồng mà nhẫn tâm phá hoại cơ thể mình!

Còn đi lại? Chỉ có đôi chân thôi. Cái thời chiến tranh chống Mỹ ném bom miền bắc, lão chỉ có một cái xe đạp – đi làm bằng xe đạp; đi thăm vợ con sơ tán ở nông thôn bằng xe đạp; có lần cơ quan cử vào Thanh Hóa, xe hơi không có, cũng lại là chiếc xe đạp với đôi chân đạp một cuốc từ Hà Nội vào Thanh Hóa, rồi lại đạp về. Một lần nghe tin nhà máy điện Lào Cai bị Mỹ ném bom, lão lại được phái đi, nhờ đi được 100 cây số bằng tàu hỏa từ Hà Nội lên Phú Thọ, nhưng từ đó trở lên đến Lào Cai, 196 cây số còn lại phải đi bộ vì chẳng có phương tiện cơ giới nào. Tuy nhiên nếu so với các chiến sĩ “xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ” thì đoạn đường của lão chẳng đáng kể gì, song lão nói về cái sự rèn luyện thân thể thời đó là vậy.

Thấy chưa? Thời đó không có cao lương mỹ vị để ăn như ngày nay, nhưng lại được ăn “sạch”, tức là “xanh” như hiện tại chúng ta đang phấn đấu để đạt được vậy. Ăn đã “xanh” rồi lại chăm vận động, thì làm sao bệnh tật có thể xâm nhập vào con người được? Năm lão 75 tuổi, tỷ lệ can-xi trong xương của lão vẫn còn 98% cơ (bệnh viện kiểm tra); và cho đến hôm nay, 87 tuổi rồi, lão vẫn thích nhai sụn.

Người nhà Phật thì bảo bệnh phát từ tâm, người ngành y lại bảo, bệnh đi vào từ miệng. Lão nghĩ cả hai đều đúng. Tâm con người ta hiện nay đôi khi cứ bấn loạn lên, nhất là những người so đo tính toán nhiều quá, đặc biệt là những người làm ăn không chân chính thì tâm luôn bất an. Còn cái sự ăn uống hiện nay thì hãi lắm, đi qua những quán nhậu mà nghe tiếng thét “dzô! dzô!”, thì đó là lúc lục phủ ngũ tạng của những người đó đang nhiễm bệnh, chưa kể là chúng lại đang phải làm việc quá tải, vượt công suất thiết kế liên tục thì bộ máy nào chịu nổi?

Đó mặt không tốt của sự giàu có, đối nghịch với cảnh nghèo của một thời đã qua là thế. Ai thích thế nào, xin cứ tùy hỉ. Riêng lão, lão thích cái nghèo hơn. Nghèo nhưng sạch, rách nhưng thơm!./.

Hình trong bài: Chơi dại, đưa bệnh vào từ miệng.
Ngày 16/06/2024
Ngã Thị Dã

Add a Comment

Your email address will not be published.