THIẾU VÀ THỪA

Học ngoại ngữ

THIẾU VÀ THỪA

Một nước ở châu Phi, lão không nhớ chính xác là Mali hay Niger gì đó, đã quyết định loại tiếng Pháp ra khỏi ngôn ngữ chính thức của nước họ. Thì ra, quốc gia này là thuộc địa của thực dân Pháp mới. Cái đám thực dân này không chỉ cướp bóc tài nguyên, bần cùng hóa dân thuộc địa mà còn định xóa sạch văn hóa của dân tộc đó.

Cũng như nước ta, trải qua 80 năm nô lệ, dù là thực dân cũ hay mới cũng nhằm mục đích cướp bóc tài nguyên, bần cùng hóa người dân và xóa bỏ văn hóa dân tộc và thay vào đó là một thứ văn hóa lai căng. Giữa thực dân mới và cũ chỉ khác nhau ở chỗ, bọn “cũ” thì trực tiếp lập bộ máy cai trị, còn bọn “mới” thì cho nước đó được độc lập (trên danh nghĩa) dựng lên một chính phủ bù nhìn để sai khiến. Đám tay sai này được hưởng bổng lộc rất cao nên chúng cúc cung phục vụ mẫu quốc, chúng còn chẳng màng tới đời sống cực khổ của người dân. Chính vì thế, mặc dù là những nước giàu tài nguyên quý hiếm song vẫn nghèo.

Nếu như không có cách mạng tháng Tám 1945, có lẽ nhiều người trong chúng ta đã quên tiếng mẹ đẻ. Chẳng thế mà, những công chức ăn lương Pháp thì nói thạo tiếng Pháp đã đành, ngay đến mấy cô “me Tây” chẳng được học hành gì nhưng cũng bập bẹ vài câu tiếng “bồi” để lấy lòng ông chủ Tây. Có câu chuyện cười dân gian, kể về một cô “me Tây” trách móc người chồng tây của mình, khi chàng không hề quan tâm đến ngày giỗ cha mẹ vợ, đã thế còn thượng cằng chân, hạ cẳng tay với người tình An-nam nữa. Câu đó thế này,

“Đờ-puy (depuis) moa (moi) lấy me-xừ (monsieur), nay me-xừ đấm, mai me-xừ đá; giỗ mẹ moa me-xừ pa vén (pas vient), giỗ cha moa me-xừ vén pa (vient pas). Nay bà già nhà moa mệt moa xin me-xừ toa (trois) cái biệt (piastre) moa mua cái kẹt (caisse-quan tài) moa tẹt (terre-chôn cất) bà già”. Ấy, cũng nhờ tổ tiên chúng ta giữ gìn được tiếng nói nên cho đến ngày nay chúng ta có những cuốn tiểu thuyết, những tờ báo, những sách giáo khoa… tiếng Việt, còn nếu cứ như một vài nước ở châu Phi thì chưa biết thế nào.

Đã có một bài lão viết về chủ đề văn hóa, nay mới được đọc nhiều hơn các thông tin về cuộc nổi dậy ở Mali, ở Niger, lại chợt nghĩ đến văn hóa nước nhà. Có một anh tiến sĩ từng du học ở nước ngoài, đã nói rằng, tiếng Anh đang dần dần đẩy tiếng Việt ra khỏi cuộc sống; đồng thời tạo ra một sự lãng phí lớn, nếu như chúng ta buộc các cháu phải học tiếng Anh từ khi còn học mẫu giáo. Lãng phí thế nào, thì anh bạn nêu lên một con số, “Riêng trong năm 2023, theo bộ GD&ĐT, cả nước có 46.670 thí sinh đăng ký sử dụng chứng chỉ tiếng Anh để được miễn thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, với lệ phí là 5 triệu đồng, như vậy tổng số tiền đăng ký đó đã là 233 tỷ đồng. Nhưng số tiền chi cho việc luyện thì tiếng Anh thì gấp 5 lần phí đăng ký, tức là tốn thêm chừng 1.400 tỷ đồng nữa”.

Ai cũng nói rằng, thời đại hội nhập quốc tế thì việc phổ cập tiếng Anh là cần thiết. Song lão nghĩ, những đối tượng nào nên “phổ cập tiếng Anh” và phổ cập bắt đầu từ cấp học nào? Đứa cháu nội của lão còn đang học tiểu học đã phải luyện tiếng Anh rồi. Chưa biết học hết lớp 12, cái nghề mà nó sẽ làm có cần tiếng Anh không nữa? Việc này thuộc trách nhiệm của các thầy trong ngành giáo dục, lão không thể “đánh trống qua cửa nhà sấm” được.

Hàng ngày lão đọc tin tức trên mạng xã hội, lão có cảm tưởng rằng, dạo này người ta chêm vào những từ tiếng Anh vào bài viết một cách vô ý thức, làm như tiếng Việt không đủ chữ cho họ dùng vậy. Thí dụ, những từ như flex, idol, kol… đâu phải không có tiếng Việt tương ứng. Nếu đó chỉ là những câu chuyện tếu táo thì không sao, đằng này nó xuất hiện cả trên các báo điện tử chính thống, thì không biết nên nói thế nào? Lão công nhận rằng, nhiều từ thuộc lĩnh vực khoa học không có tiếng Việt thay thế, thì buộc ta phải sử dụng. Nếu tình trạng này kéo dài, đến một thời điểm nào đó, tiếng Anh sẽ đẩy tiếng Việt ra ngoài lề xã hội thật chứ chả bỡn. Người xưa có câu, “tiếng Việt còn, thì nước ta còn”, vậy phải chăng những người đẩy tiếng Việt ra khỏi cuộc sống này đang làm cho nước ta biến mất dần?

Đó là ý nghĩ của một ông già, biết đâu ý nghĩ đó chẳng thể phù hợp với thời đại?

Hình trong bài: Một lớp học ngoại ngữ cho trẻ con.
Ngày 14/09/2023
Ngã Thị Dã

Add a Comment

Your email address will not be published.