LÃO CHẲNG GIỐNG AI

LÃO CHẲNG GIỐNG AI

Chẳng ai hiểu lão bằng lão; tiếp theo là những người trong gia đình và họ hàng của lão, họ hiểu lão cũng chỉ hơn những người tiếp xúc với lão trên mạng xã hội một chút xíu.

Cũng đã có lần lão nói, dòng họ nhà lão là dòng dõi khoa bảng. Thời phong kiến đã từng có những cuộc đón rước bốn anh em của ông nội lão từ tỉnh về làng, theo kiểu võng anh đi trước, võng nàng theo sau, sau khi các cụ ấy được triều đình Nguyễn sắc phong gì đó. Khi cách mạng tháng Tám nổ ra, thì người trong họ của lão đã “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, thế là có khối người trở thành “quan cách mạng”.

Riêng lão, chẳng có gì, ngoài cái chứng chỉ là công nhân điện, điều đó xác nhận cho vị trí thấp nhất của lão trong gia đình và trong dòng tộc. Lão biết thân biết phận như vậy nên suốt từ khi còn trẻ đến khi về già lão chưa dám đòi hỏi bất cứ chuyện gì. Thời còn trẻ, gia đình cho gì lão nhận nấy, ai bảo làm việc gì, lão làm việc đó, duy nhất có việc tham gia chống Pháp thì không ai bảo nhưng lão vẫn tham gia.

Nói nào ngay, hồi còn là một chàng thanh niên đang làm trong nhà máy điện, lão cũng sạch nước cản lắm, nên cũng chiếm được cảm tình của mấy cô gái, khi lão đặt vấn đề, “chúng mình yêu nhau nhé” thì các cô từ chối, hỏi ra mới biết, chỉ vì mình là công nhân, tương lai chắc chẳng sáng sủa gì. Phải là bác sĩ, nhà văn cơ! Rốt cục đúng là như thế. Đời mà!

Nghe nói trong từ đường họ Phạm nhà lão, có một tấm bia hay cái tấm bảng gì đó ghi danh những người thành đạt trong họ, đương nhiên là không có tên của lão. Lão biết thân phận mình nên lão cũng không bày tỏ “chính kiến”. Ai muốn làm gì thì làm.

Khi bước vào trường đời, cũng vẫn cái tính bất cần đời ấy, nên ai bảo làm gì, lão làm thế; ai bảo đi đâu, lão đi đến đó. Trong đầu lão không có khái niệm hai chữ “nguyện vọng”. Mà thực ra thì chưa có ai hỏi về nguyện vọng của lão, dù chỉ một lần trong đời.

Tuy là một công nhân nhưng lão cũng không quá kém cỏi trong việc viết lách và tổng hợp công việc, vì thế mà có thời lão được giao làm thư ký cho mấy ông nhớn. Rồi người này đặt lão lên chiếc ghế “trưởng phòng”, người khác lại hất lão xuống đất và thế là lão bị “loại biên”. Loại rồi thì lão về, có gì mà phải lăn tăn. Tháng tháng nhận trợ cấp xã hội, tuy chẳng nhiều nhưng vui phết! Từ đó lão chẳng còn chút vai vế nào trong xã hội, điều đó làm xấu mặt dòng họ của lão và có lẽ họ coi như lão đã chết rồi, nên ít có dịp lão được diện kiến người trong họ khi bọn họ có dịp vào Sài gòn làm chuyện gì đó. Lão thường ca câu:

“Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại
“Cuộc tình nào đã ra khơi ta còn mãi nơi đây
“Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ
“Ôi, những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa…
(Trịnh Công Sơn)

Mà có sao đâu. Cuộc đời lão là của lão mà, lão sống cho lão chứ lão chả sống thay ai!

Nếu có ai hỏi lão, rằng lão sống có hạnh phúc không? Lão không có câu trả lời, vì thế nào là hạnh phúc, ngay cả như thế lão cũng không biết. Lão không đòi hỏi các con các cháu của lão phải thế này, phải thế nọ. Lão coi chúng cũng chỉ như cái cây, nếu phát triển tốt, tán xòe rộng thì cũng góp phần làm mát cho đời. Cuộc sống riêng của lão cũng thế, chưa một lần nghĩ phải được thế này thế nọ.

Đến giờ phút viết bài này, lão không thể xác định được lão là ai, lão là người tốt hay người xấu, đáng sống hay không đáng sống? Cuộc đời này có thực sự hấp dẫn lão không, lão cũng không nhận ra. Đám rước đi qua, đám ma đi tới, lão vẫn chỉ là cái cây ven đường ngày ngày chứng kiến cuộc sống lướt qua bên dưới. Lão chẳng trách đời, cũng chẳng trách ai bởi vì bản thân lão có ra gì đâu!

Hình trong bài: Lão đấy. Lão ngồi quan sát cuộc sống lướt qua phía ngoài cửa sổ.
Ngày 05/07/2024
Ngã Thị Dã

Add a Comment

Your email address will not be published.