
CHUYỆN TRÒ VỚI BẠN TRẺ
Theo thông lệ, hai tuần một lần lão có việc di chuyển từ quận 7 đến quận 2 và ngược lại. Đương nhiên vì là người già nên lão phải dùng taxi để đi lại, chuyện đó không gì để nói, điều đáng nói là những lần trò chuyện với các anh lái xe trẻ, lão có một nhận xét ngắn gọn, rằng các bạn ấy có lẽ chỉ quan tâm đến doanh thu còn mọi chuyện đất nước, chuyện thế giới thì các bạn ấy chẳng quan tâm vì thế, đó là một lỗ hổng trong nhận thức xã hội của các bạn trẻ này.
Lỗ hổng đó, song đã có ai từng bước làm đầy lỗ hổng cho các bạn trẻ bằng những thông tin trung thực nhất? Hầu như không có. Chính vì thế mà những thế lực chống phá đang dùng mọi thủ đoạn bơm vào não lớp công nhân, để xuyên tạc tình hình xã hội nước ta. Qua những buổi trò truyện ấy, lão cố rót vào lỗ hổng của các bạn trẻ ấy một chút gì đó để phản bác lại những luận điệu sai trái của kẻ địch. Nhưng chỉ có ít người như lão thì cũng khác nào “một cánh én không thể làm nổi mùa xuân”.
Như buổi sáng ngày 30/07 chẳng hạn, anh bạn lái xe hỏi lão rằng tại sao người dân Mỹ được trực tiếp đi bầu tổng thống của họ, còn mình thì không? Và tại sao người ta nói, ở nước ta lại “đảng cử, dân bầu”? Hoặc tại sao những tổng thổng thống Mỹ đều là người giàu? Và còn mấy cái tại sao nữa. Tóm lại là nhiều người trẻ chưa phân biệt được đâu là dân chủ hình thức và đâu là dân chủ thực sự.
Đây không chỉ là lỗ hổng trong nhận thức xã hội của những người lao động, mà nó còn là một lỗ hổng khá lớn trong việc truyền bá kiến thức cho những người lao động. Tầng lớp lao động này, cả ngày ngồi sau tay lái, những người khác thì cả ngày đánh vật với những cỗ máy công nghiệp hay nông nghiệp vân vân. Nếu có một chút rảnh rỗi thì sẵn có điện thoại kết nối mạng, họ coi trò giải trí hoặc giả vào những trang chuyên cung cấp những tin giả, tin bịa đặt hoặc chống đối. Những trang mạng này hấp dẫn lắm, chứ không viết một cách lý thuyết khô khan như trên những trang báo chính thống.
Lão làm việc trong một ngành công nghiệp có hàng vạn công nhân viên, riêng cơ quan đầu não cũng đã có hàng trăm người, song từ ngày thống nhất đất nước đến ngày lão rời nơi đó, hầu như không còn được nghe nói chuyện thời sự và không được nghe những giải thích đúng sai trong các câu chuyện thời sự xảy ra trên đất nước ta cũng như trên thế giới. Như thế thì đừng trách người dân có những nhận thức không đúng hoặc thờ ơ với những gì đang diễn ra trên đất nước ta.
Người lao động nước ta hiện chiếm bao nhiêu phần trăm dân số? Bao nhiêu doanh nghiệp có tổ chức đảng, tổ chức đoàn thanh niên và tổ chức công đoàn? Có thể trong các doanh nghiệp nhà nước có những tổ chức như trên và ít hay nhiều, các tổ chức đó vẫn làm công việc giáo dục chính trị cho đoàn viên của mình. Còn doanh nghiệp ngoài quốc doanh? Lão không tin việc nâng cao nhận thức chính trị xã hội được coi trọng ở nơi đó, bởi vì sự quan tâm cao nhất của các ông chủ là lợi nhuận.
Bản thân lão cũng đã làm việc trong doanh nghiệp nhà nước qua nhiều năm, song đối với tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên ở đó, lão có cảm tưởng các tổ chức này được bao phủ bởi một chiếc bong bóng nhiều màu sắc. Phần đóng góp thiết thực thì hơi bị ít.
Cuộc cách mạng vô sản do đảng Cộng sản lãnh đạo thành công được, đã dựa vào ai? Vào giai cấp công nhân đó. Còn vì sao lại dựa vào giai cấp công nhân, thì xin nhường lời cho các nhà tuyên giáo.
Đôi khi thấy lão có ý kiến, người ta lại cười cho, người ta lại bảo lão già lẩm cẩm này chỉ “lo bò trắng răng”, lão coi đi, dân mình ngày nay yêu nước lắm. Lão cũng mong thế và hy vọng lão đã sai./.
Hình trong bài: Hoa lan Catleya của nhà lão.
Ngày 17/09/2023
Ngã Thị Dã