MỖI CÂY MỖI HOA

Diệt ngoại xâm

MỖI CÂY MỖI HOA
Bài 2: Vườn hoa thời Việt Nam DCCH

Thời Việt Nam DCCH, dưới sự lãnh đạo của cụ Hồ Chí Minh, ngay khi giành được chính quyền, cách mạng đã đề ra ba nhiệm vụ trọng tâm trước mắt – diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Có thể nói, cách mạng đã gieo mầm ba loại hoa đó trong vườn hoa của mình.

Trước hết nói về loài hoa “diệt giặc đói”, bởi có thực mới vực được đạo mà! Làm sao để chống đói? Câu trả lời là tịch thu ruộng đất của địa chủ, chia cho dân nghèo. Thời đó, 90% dân nước ta là nông dân, mà phần lớn nông dân không có ruộng đất, nó tập trung vào các gia đình địa chủ. Nông dân có vui không? Vui quá đi ấy chứ! Ai thù ghét cách mạng? Những gia đình bị tịch thu ruộng đất, nhất là những nhà có người nhà bị giết trong đợt cải cách ruộng đất. Thế là, vào thời điểm này ở nước ta có hai loài hoa. Hoa cách mạng trồng giao cho dân nghèo chăm sóc (lão gọi là ‘hạt giống đỏ’); và hoa (hay nói đúng hơn là những hạt giống) của những đối tượng có thâm thù cách mạng (lão gọi là ‘hạt giống đen’). Những hạt giống đen này không thể nảy mầm được vì lúc đó khí thế cách mạng đang sôi sục, vì thế họ phải chờ thời. Thời cơ ấy đã đến khi thực dân Pháp quay trở lại Đông Dương.

Tiếp đến là loài hoa “diệt giặc dốt” mà cách mạng giao trồng. Trong vườn hoa này hầu như không có hạt giống đen, bởi các ông bà nông dân mù chữ thì làm sao mà “diệt giặc dốt”, thế là phải trông cậy vào những người có con chữ. Mà tầng lớp nào mới có thể làm thầy? Thưa rằng đó là những công chức của chế độ cũ, đó là những thanh niên con nhà giàu; lúc này hạt giống đen đã biến đổi gien do chúng được gieo trồng vào môi trường cách mạng.

Chẳng những, hạt giống mà lão gọi là đen đó biến đổi gien, cho ra những loài hoa đẹp, mà còn rất nhiều các nhà chí sĩ có tấm lòng yêu nước thương nòi mà hết lòng ủng hộ cách mạng. Đã có lần lão nhắc đến nhà thơ, nhà yêu nước Lê Đạt bị thực dân Pháp bắt giam ngoài Côn Đảo suốt 17 năm, cùng vớii nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Cụ Huỳnh đã hợp sức với cụ Hồ Chí Minh lãnh đạo chính phủ Việt Nam DCCH, nhất là khi cụ Huỳnh thay cụ Hồ điều hành chính phủ để cụ Hồ đi họp hội nghị Fontainebleau ở Pháp.

Còn biết bao chí sĩ đã hợp sức với chính quyền DCCH còn non trẻ, trong đó có cả quan lại trong triều nhà Nguyễn hay Việt Kiều như ông Trần Đại Nghĩa (Phạm Quang Lễ) hay như giáo sư bác sĩ Trần Hữu Tước, Tôn Thất Tùng.

Đến thời kỳ diệt giặc ngoại xâm, thôi lão chẳng có hơi sức đâu mà kể về những hạt giống đỏ nảy mầm, bởi nhiều quá những anh hùng. Những anh hùng như Phan Đình Giót, Nguyễn thị Chiên, Nguyễn Thị Định, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Trỗi…, chao ơi, nhiều lắm! Kể về ai và không kể về ai, thật là khó nghĩ lắm thay!

Có lẽ để kết thúc bài thứ hai, chúng ta hát lại bài “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân, trong đó có câu: “Mỗi một ngày qua quê ta trưởng thành, hạt giống cách mạng đã nảy mầm, nảy mầm xanh tươi”…

Hình trong bài: Diệt giặc ngoai xâm – Tự vệ Hà Nội với bom ba càng.
Ngày 02/08/2024
Ngã Thị Dã

Add a Comment

Your email address will not be published.