PHẢI LÀM SAO, CÁI SỰ ĐỜI?
Trong số chị em nhà lão, người cao tuổi nhất – 99, thứ hai – 96, thứ ba là lão – 88, cuối cùng là bà xã của lão – 82. Tất cả đều còn tại thế. Trước trạng thái này, bà con ta bình luận thế nào? Chắc chắn sẽ có một số người khen rằng, gia đình có phước quá! Lão mừng quá, ai cũng thọ!
Nhưng chỉ khi nào các bạn bước vào cái tuổi bát thập, cửu thập rồi bách niên, các bạn mới thấy, vui thì có vui nhưng sướng thì không sướng. Người thọ suýt soát bách niên phải di chuyển bằng xe lăn, bước một bước phải có người dìu; đức lang quân của chị cũng tuổi đó thì chỉ nhìn thấy mà không nghe thấy, bật TV từ sáng đến đêm chỉ coi được hình nhưng chẳng biết họ nói với nhau điều gì; người thọ cửu thập lục niên (96) thì chỉ nghe được mà không nhìn thấy nên phải cậy đến con cháu, sáng sáng chúng đọc tin tức cho mà nghe mà biết cái thế giới bên ngoài đang diễn ra sao.
Ấy là chưa kể, mỗi bữa chỉ có vài muỗng cơm mà phải ngồi cả tiếng vì răng cỏ chẳng còn, chưa ai móm chẳng qua vì toàn những hàm răng giả. Thế là nếu không phải là cháo, mọi thứ cũng phải nấu thật nhừ mới nuốt được.
Ngủ nghê thì có chăng hay chớ, một đêm ngủ một hai tiếng, đêm nào ngủ được dài hơn thế thì sáng ra đã khoe ầm lên. Mà trong giấc ngủ toàn mơ với mộng. Đã ở cái tuổi bách niên rồi mà nhiều đêm cứ gọi “mẹ ơi” toáng cả lên. Được cái chuyện đầu óc từ người cao tuổi nhất trở xuống, ai cũng còn minh mẫn lắm. Các bài thơ của cha viết từ khi ông cụ còn tại thế (trước năm 1938) ai cũng có thể đọc lại được mà không cần nhìn vào giấy, hơn nữa đôi mắt con tinh tường đâu mà đọc!
Còn vợ chồng lão, đến hôm nay chưa thấy có gì nghiêm trọng, nhưng cứ trông thấy các anh các chị của mình mà ước rằng mình sẽ không có những ngày như thế. Nếu ông trời thương, xin cho lão được ra đi khi lão còn minh mẫn, còn tự phục vụ cho mình được. Chứ cứ nghĩ đến cái tuổi nào đó, chỉ ngồi mà hưởng thì buồn lắm và thương con thương cháu lắm. Mà hưởng những thứ gì? Ăn ư? Không, cao lương mĩ vị cũng chẳng nuốt trôi! Du lịch ư? Chân cẳng suội lơ còn đi đâu được nữa! Tình thương của con cháu ư? Có đó, song tại sao mình lại bắt chúng phải thương? Chẳng qua chỉ vì chữ hiếu mà chúng phải ân cần, chăm sóc mình thôi, như vậy có phải mình đã làm khổ chúng?
Có người bảo, người già như một cây cổ thụ, che chở và tỏa bóng mát xuống cho con cháu. Không phải đâu, đó là nói trên lý thuyết. Lão đã có bài thơ, trong đó có hai câu do lão chiêm nghiệm được:
“Cây càng cao cành non càng xa gốc
“Ngày lại ngày chờ những đứa con về.
Ai bảo không phải thì lão cũng không cãi, song đối với lão thì lão thấy thực tế như vậy. Các cành non tức là những con những cháu còn trẻ tuổi, chúng còn phải lo học hành để thành đạt; chúng còn lo cày cuốc để có chút hương hỏa để lại cho con cháu của chúng sau này, chính vì thế mà chúng chẳng thể dành mọi thời gian để ở cạnh mình. Lâu lâu không được chúng đến thăm thì thở dài thở ngắn. Tội mình mà tội cả chúng!
Còn trên phương diện quốc gia, người già trở thành gánh nặng của xã hội, phần nào đó đã góp vào việc làm chậm quá trình phát triển xã hội. Chẳng thế mà, người ta cứ phàn nàn, rằng xã hội đang bị già hóa, thế là phải nhập khẩu lực lượng lao động trẻ từ nước khác vào làm để tăng của cải cho xã hội và trích một phần để nuôi người già. Lão suy nghĩ như thế nên không bao giờ lão tổ chức mừng thọ.
Cái ngày xưa – cái tật của người già cứ hay nghĩ về ngày xưa. Cái ngày xưa ấy, ngoài những ngày rơi vào thời vụ (chừng chín tháng trong một năm), còn lại là chơi bời hội hè. Những hội này hội nọ đang được duy trì đến ngày nay, cũng xuất phát từ ngày xưa ấy. Chỉ khác nhau ở chỗ, ngày xưa đi trẩy hội chẳng phải mất tiền cho ban tổ chức. Vui là chính. Còn ngày nay việc mở hội là để làm tiền. Tiền là chính. Tất nhiên xã hội có sự thay đổi (lão không nói tiến lên nhé) thì nó phải thế, ai cũng phải chấp nhận thôi./.
Hình trong bài: Chị tôi, suýt soát bách niên.
Ngày 04/08/2024
Ngã Thị Dã