AI LÀ NHÀ NƯỚC?
Ai là nhà nước và nhà nước là ai? Câu hỏi dễ, ai cũng có thể trả lời được, trong khi đó một số công chức lại không trả lời được. Cứ như sự hiểu biết hạn hẹp của lão, thì những ai đã có tên trong bảng lương thuộc ngân sách nhà nước thì người đó là người nhà nước, đại diện cho nhà nước trong lĩnh vực mà nhà nước giao cho anh ta phụ trách, thay mặt nhà nước mà nhận yêu cầu từ dân và giải thích cho dân biết, dân hiểu và dân thụ hưởng.
Chao ơi, chỉ một câu ngắn như vậy mà có đến năm lần nhắc đến chữ “nhà nước”. Vậy nhà nước là ta và ta cũng là nhà nước (ta ở đây là công chức).
Ấy thế mà, trong một câu chuyện được phát trên đài truyền hình VTV tối ngày 23/02 có đề cập đến hai ông “nhà nước” mà cứ coi như mình không phải “người nhà nước”.
Câu chuyện thứ nhất, là chuyện phá rừng Tây Giang ở tỉnh Quảng Nam. Khi phóng viên nhà báo dẫn một ông “người nhà nước” vào cánh rừng đó, và cho ông ta biết, ai đó đã đốn mất một số cây, với chừng 100 mét khối gỗ. Phóng viên hỏi “người nhà nước”, “anh có biết không?”; “người nhà nước” trả lời: “không, tôi nghe tiếng xe đi vào thì tưởng là dân vào làm nương”. Thế là rừng bị phá mấy mấy chục hec-ta, và số gỗ bị ăn trộm đã được mang đi trót lọt.
Câu chuyện thứ hai, đó là những người chăn nuôi lợn đang rất bức xúc về lợn nhập lậu. Có gia đình đã phải ngừng chăn nuôi. Khi phóng viên hỏi một ông “người nhà nước” giữ vai cục trưởng một cục của Bộ “Nông dân”, vị cục trưởng này trả lời ngắn gọn rằng, “đề nghị nhà nước có chính sách để bảo vệ người chăn nuôi…”. Hay nhỉ? Chả cần là cục trưởng như lão thì câu nói đó lão cũng nghĩ ra được. “Đề nghị nhà nước…”, thì ra vị cục trưởng này lại quên mình chính là “người nhà nước”, do nhà nước đặt vào ngồi ở cái ghế đó để thay mặt nhà nước mà đi giải quyết những chuyện bức xúc của dân.
Rồi một vị có chức sắc ở một cơ quan nhà nước thì nói rằng, “nhiều chính sách còn làm khó doanh nghiệp”. Ơ hay nhỉ! Nhiều là bao nhiêu? Và ông đã đề xuất được những gì để doanh nghiệp không bị làm khó? Câu nói của ông có thể nhà doanh nghiệp hoan nghênh, nhưng người dân như tôi thì hoang mang!
Rồi, người nhà nước nếu chưa hiểu lịch sử một cách cặn kẽ thì đừng nói những điều có mùi “dân túy”; kiểu như, “làm sao để quy hoạch giúp TP. HCM trở lại vị trí hòn ngọc viễn đông”. Trước đây cũng đã có một vị khi mới nhậm chức đứng đầu thành phố nói câu đó. Nói thế những người dân có hiểu biết người ta cười cho!
Vậy đó, những “người nhà nước” ạ. Nhà nước là ông và ông cũng chính là nhà nước. Xưa có câu, “quan thì xa, bản nha thì gần”, chính “bản nha” là người gần dân, hiểu dân nhất mà không có bất cứ đề xuất gì với nhà nước để giúp dân thì đừng nhận mình là người nhà nước, và cũng nên tự gạch tên mình trong bảng lương của nhà nước, được không nhỉ?./.
Hình trong bài: Một trong số những cây gỗ bị đốn ở Quảng Nam (H. trên); “Hòn ngọc viễn đông” trước năm 1975 (H. dưới).
Ngày 08/08/2024
Ngã Thị Dã