LÀ THI SĨ
Rất nhiều người trong chúng ta vẫn còn thuộc bài thơ “Là thi sĩ” của Xuân Diệu viết tặng nhà thơ Thế Lữ, trong đó có mấy câu mở đầu:
“Là thi sĩ, nghĩa là ru với gió
“Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
“Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây…
Nếu căn cứ vào cái “định nghĩa” này thì lão chia những người làm thơ ra làm hai dạng, một dạng là “thi sĩ”, dạng khác là “nhà thơ”. Biết nói vậy là không đúng, song lão nhận thức như thế thì nói thế.
Thi sĩ phải những người có một tâm hồn bay bổng, tức là phải “ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Những thứ mà thi sĩ nhìn thấy thì loại người như lão là không thấy được. Tỷ như câu,
“Cây già lá rơi lả tả
“Sông chiều một cánh buồm trôi
“Mây xám quấn buồm lên vách đá
(Thơ “Trường ca con cóc – khúc 103” của Nhất Phương)
Không biết có bao nhiêu người thấy hoặc tưởng tượng thấy cánh buồm của chiếc thuyền nọ bị “quấn lên vách đá”? Riêng lão thì không, vì muốn thấy nó thì, tâm hồn bạn phải đang lang thang trên bầu trời để “vơ vẩn cùng mây”. Chỉ ở trên cao xanh nhìn xuống bạn mới thấy cánh buồm bị “quấn lên vách đá”.
Rồi nữ thi sĩ Nguyễn Kim Hòa, dù đã vào cái tuổi thất thập rồi, mà tâm hồn hiện tại cũng chẳng chịu ở yên một chỗ, thuộc chốn Hà thành tráng lệ, làm sao cứ phải cho nó tắm gội trong dĩ vãng:
“Tâm hồn tắm gội trong xưa
“Buồn vui, cười khóc, bùi ngùi…
“Cho dù ngọt ngào cay đắng
“Nét thanh, nét lịch lưu hương…
(Trích trong bài thơ “Hà Thành” của Kim Hòa)
Bạn có thấm những câu thơ này không? Lão hiểu nhưng lão không thẻ tưởng tượng được, sao lại đem tâm hồn mình mà tắm gội trong quá khứ? Nếu là lão thì lão tắm gội tâm hồn lão qua những chiêm nghiệm hàng ngày.
Và đây nữa, một nữ thi sĩ còn trẻ măng, mà sao tâm hồn của thi sĩ cũng cứ bắt nó phải “ràng buộc bởi muôn dây”? Bởi nữ sĩ còn trẻ, mà còn trẻ thì vui đấy, buồn đấy,
“Bước ra khỏi vườn khuya
“Một lần chôn xác lá
“Mùa đông về vội vã
“Thả khói buồn lên mi…
(Trích bài thơ “Khúc tình quên” của Dạ Quỳnh Nguyễn)
Các bạn trẻ đã có khi nào buồn đến nỗi phải đi chôn một cái xác lá, rồi sau đó thì “thả khói buồn lên mi” chưa? Cô thi sĩ này có nhiều bài thơ rất trẻ, đến độ người ta đem phổ nhạc cho nó. Ước gì, ngày nay lão không phải ở vào cái tuổi suýt soát cửu thập, mà trở về những năm 60 của thế kỷ trước, chắc lúc đó lão sẽ hiểu được màu sắc của tâm hồn này.
Nói về thi sĩ, lão có ba người bạn trên facebook như vậy, song lão không thể không nhắc đến dạng thứ hai, đó là “nhà thơ”. Lão có một bạn đồng tuế, đồng nghiệp là anh Ngô Bá Trắc, anh là một nhà làm thơ Đường rất giỏi, mặc dù anh là một kỹ sư điện lại càng không phải dân sĩ phu Bắc Hà. Nhưng thơ anh vừa thực tế lại đúng niêm đúng luật.
“Lâu lâu ngắm ảnh cái thằng tôi
“Dày dạn phong sương quá nửa đời
“Kính viễn trách thầm: lo mắt mãi
“Nếp nhăn biểu cảm: nhắc đời thôi!
“Xa xăm nhân ảnh to rồi nhỏ
“Chao đảo đò tình buộc vẫn trôi!
“Thế sự thôi bàn, cười khóc mặc
“Tâm an trí tịnh một mình vui.
(Bài “Tấm ảnh thằng tôi” của Ngô Bá Trắc)
Vâng, lão cũng làm thơ. Nhưng lão không thể trở thành “thi sĩ”, và cũng còn kém “nhà thơ” không rõ là mấy bậc cơ. Cứ hình dung, một khi lão muốn làm một bài thơ về con kiến chẳng hạn, lúc đó lão nhìn xuống chân, trong khoảnh đất chứng một mét, rồi lão tả chúng đi ra đi vào, chúng cắp trứng chạy loạn mỗi khi có nước mưa tràn vào tổ…, đại loại như thế.
Bữa nào mà bay bổng lắm thì tâm hồn lão cũng chi bước ra đến cửa, rồi than sao trời nóng thế, kiểu như:
“Nóng chi nóng rứa bác trời ơi
“Ráng ngồi để viết, chỉ vài phơi (feuille – tiếng Pháp: tờ giấy)
“Bốn bề lửa đốt, thiêu chữ nghĩa
“Ba tấm thịnh tình, cũng bốc hơi
“Đã mang cái nghiệp, đây đành chịu
“Chuyện nắng chuyện mưa, đó việc trời.
“Tớ chờ cho đến ngày mưa xuống
“Xem kẻ anh hùng được mấy ngươi?
(Bài thơ “Nắng nóng”)
Các bạn thấy không? Nếu bạn để ý, những bài thơ của “thi sĩ” có một phong thái khác hẳn – bay bổng, mộng mơ; đến thơ của “nhà thơ” người ta lại coi trọng vần điệu và niêm luật. Cuối cùng là đến lão, không thể gọi lão là “thi sĩ” hay “nhà thơ” được, vì bài gọi là thơ của lão chỉ là một bài văn tả cảnh của một học sinh tiểu học.
Đành chịu chứ biết làm sao bây giờ? Lực bất tòng tâm mà!
Hình trong bài: Thi sĩ trẻ Dạ Quỳnh Nguyễn
Ngày 10/08/2024
Ngã Thị Dã