NHANH VÀ CHẬM

Ngựa già

NHANH VÀ CHẬM

Độ dài ngắn về thời gian của ngày tháng năm, chẳng chênh lệch lớn lắm. Mỗi ngày có 24 giờ; mỗi năm có 365 ngày (nếu có năm nhuận cũng chỉ hơn kém nhau một ngày); rồi ngày mùa đông có ngắn, đêm mùa đông có dài thì bù qua sớt lại, cũng chỉ có 24 giờ đồng hồ. Ấy thế mà, mọi người sống trên cùng một quả địa cầu, có người kêu “thời gian đi nhanh quá”, lại có người kêu “thời gian như ngừng trôi”.

Lão hiểu một cách đơn giản và nói một cách nôm na, rằng thì là, tại cái não của mình cả thôi.

Lão nhớ, hồi còn trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cuộc thì vẻn vẹn 9 năm, cuộc khác cũng trên dưới 20 năm. Ấy thế mà, ai cũng cảm thấy thời gian sao mà dài thế, thời gian sao mà đi chậm thế. Đến ngay nhà thơ Tố Hữu cũng phải thốt lên:
“Ồ, đã chín năm rồi đấy nhỉ?
“Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ”…

Ngày ấy, người già thường cầu cho “chiến tranh kết thúc, hòa bình được lập lại thì ăn cháo cũng sướng”. Đó là vì trước cái chết và sự sống. Người lạc quan cũng như người bi quan cũng đều cảm thấy thời gian trôi chậm quá! Nhưng rồi, kháng chiến chống Pháp kết thúc, kháng chiến chống Mỹ cũng xong, gần 50 năm sống trong điều kiện hòa bình thì nhiều người lại than, “sao mà thời gian trôi nhanh thế!”, quay đi quay lại đã nửa thế kỷ trôi qua rồi. Đó là tiếng than của những người sống lạc quan.

Còn những người già như lão, ngày hôm nay cũng không khác hôm qua, tháng này cũng giống như tháng trước. Điều đó chỉ có nghĩa là cuộc sống cũa lão “suốt ngày dài lại đêm thâu” vẫn chỉ là, ngủ dậy ăn, ăn xong thì nằm, ngủ được thì ngủ, không ngủ được thì nghĩ chuyện xưa chuyện nay. Chuyện nào cũng chán. Cuộc sống cứ diễn ra như vậy, chỉ có cơ thể là có thay đổi, thay đổi mỗi ngày một chút. Mới hôm nào cầm bình nước bằng một tay thì nay phải dùng hai tay.

Ừ thôi, đó là quy luật của tạo hóa. Ai mà cưỡng lại được, phải chấp nhận thôi. Ta bây giờ cũng như con ngựa già đã qua cái thời “tung hoành vó” trở về gặm cỏ bên thành cổ.

Trong “Nam trung tạp lục” của Đại thi hào Nguyễn Du có bài thơ “Con ngựa già” viết bằng chữ Hán, anh trai bà xã của lão đã dịch ra nghĩa tiếng Việt như sau:

Con ngựa già nhà ai thải bỏ dưới chân thành?
Lông xác xơ, da khô, gầy quá quắt
Nơi lũy đá, thu lạnh, chút ít cỏ cằn cỗi
Chốn sa trường trời chiều, mây kéo dầy đặc
Bụng đói, cũng không học thói cầu cạnh người
Già rồi vẫn giữ lòng mong đền ơn nước
Chịu được gió sương, giữ tròn bản tính
Chở để rọ bịt mồm, yên cương, phạm vào thân một lần nữa.
(Nguyễn Du)

Dựa vào bài thơ chữ Hán ấy, lão viết bài thơ tự trào, coi mình như một con ngựa già đã hết thời, chỉ còn thong thả gặm đám cỏ bên thành cổ:

Bên thành lão ngựa đứng thảnh thơi
Thân xác trơ gầy gặm cỏ hôi
Sa trường một thuở tung hoành vó
Chiến tích ngàn năm sáng láng đời.
Cơ hàn không bận lòng quân tử
Trung hiếu giữ tròn nghĩa vua tôi.
Dẫu chết không làm hoen khí tiết.
Rọ mõm, yên cương đoạn tuyệt thôi./.

Hình trong bài: Con ngựa bên thành cổ.
Ngày 11/08/2024
Ngã Thị Dã

Add a Comment

Your email address will not be published.