HAI THỜI KỲ ĐẢO NGƯỢC

Xưa và nay

HAI THỜI KỲ ĐẢO NGƯỢC

May mắn thay, lão đã được sống trải qua hai thời kỳ đối chọi nhau. Bỏ sang một bên chuyện chiến tranh, nghèo đói rồi đến hòa bình, no đủ. Chuyện này thì chẳng riêng gì lão mà mọi người đều biết, đều viết, đều nói rồi. Trong bài này lão nói đến cuộc đối chọi khác, đó là cái sự mặc của người phụ nữ.

Cũng nên rào đón một chút. Bài viết này, lão không khen cũng không chê phụ nữ thời xưa và phụ nữ thời nay, không nói thời nào đẹp hơn thời nào, lão chỉ nói về hiện tượng chứ không nói về bản chất của sự việc.

Cái ngày xưa ấy, trừ một số tiểu thư đài các, còn đại đa số phụ nữ đều nghèo bỏ mẹ nên quần áo chỉ một màu nâu sồng. Một cái váy hoặc một cái quần bằng vải thâm (đen), mỗi bước đi lại phát ra âm thanh “sột soạt”, một cái áo cánh nâu, một cái yếm che ngực, một cái thắt lưng “ruột tượng”. May mắn ra thì mỗi người có được một bộ cánh bằng vải “trúc bâu” để “diện” khi có công có việc.

Đặc điểm trang phục ngày xưa là KÍN. Kín từ đầu xuống chân, thậm chí khi đi cấy hay lội nước thì nước đến đâu mới “xắn váy quai cồng” đến đó. Vì thế mà da thịt người con gái chẳng bị rám nắng, các chàng trai muốn nhìn da thịt của họ cũng khó.

Ngược lại với trang phục ngày xưa, đặc điểm trang phục của con gái ngày nay là HỞ. Hở càng “bạo” thì càng thể hiện mình là người của văn minh. Ngày nay các chàng trai, muốn ngắm da thịt của người con gái, xin mời, cứ thoải mái. Ngay lão đây, mỗi buổi chiều, lão xuống ngồi cạnh vỏi phun nước của chung cư để hóng gió, các cháu gái cứ mạnh mẽ bước qua mặt (chứ không tha thướt như con gái thời xưa), lão thấy cả ngực, cả rốn, cả đùi của các cô, song không dám nhìn lâu vì sợ bị chửi là “lão già mất nết”, thế là lão liếc một cái rồi vội quay đi nhìn chỗ khác. Đôi khi cũng khó, vì phía trước, bên trái bên phải đều có cảnh biểu diễn thời trang như thế, vậy còn biết nhìn đi đâu?

Lão có cái tật cả nghĩ. Nghĩ rằng, ngày xưa các bà mẹ thấy con mình khóc thì cho là nó bị đau bụng, thế là mở nắp hộp dầu “Cù là” (nay là dầu cao Sao vàng), xoa vào rốn cho bé, thế là nó khỏi, nó hết khóc. Ngày nay lão thấy người ta cứ để hở rốn rồi ra gió, chắc tốn dầu cao “Sao vàng” lắm nhỉ? Biết đâu đây chẳng phải là chiêu quảng cáo cho hãng dầu cao “Sao vàng”. Đấy cứ như hai anh hài sĩ nọ, bị đau khớp tay, chỉ một lọ dầu nóng “Thái dương” xoa vô là khỏi liền, lại múa lại hát.

Lão nghĩ rằng, cái sự hở da hở thịt của các chị em bây giờ, biết đâu là họ đang diễn quảng cáo cho kem làm trắng da của một hãng mỹ phẩm nào đó. Ở nơi khác thế nào thì không biết, chứ ở cái đất Nam bộ này quanh năm nóng, quanh năm nắng, nắng cháy da cháy thịt như thế mà hầu như da người con gái nào cũng trắng nõn trắng nà. Có hôm, bất chợt nhìn vào da thịt bà xã của lão, lão thấy nó nâu nâu, mặc dù bà ấy là gái quan họ suốt ngày ở trong nhà. Bà ấy bảo: “Nay da em nâu, tươi màu suy nghĩ …” (Nguyễn Văn Tý). Đã có lần tính bảo bà ấy đi tắm trắng một bữa, song sợ bị bả mắng lão là “đua đòi” nên mặc kệ bà ấy.

Lão lại nghĩ. Ừ nhỉ, sao thời “kinh tế bao cấp” nhà nước ta lại không vận động chị em mặc theo kiểu ngày nay, lại chả tiết kiệm được ối vải. Lúc đó mỗi người chỉ được mua 5 mét/năm. Ai cũng lo thiếu, không đủ mặc. Nếu cứ cả như cái cách ăn mặc ngày nay thì có mà dư vải để chi viện cho tiền tuyến ấy chứ, nhà nước chẳng việc gì phải vận động mọi người tiết kiệm.

Lão lại nghĩ cái chuyện bình đẳng giới bây giờ cũng ngược! Hôm lão có việc đến UBND phường Bến Nghé thuộc quận 1, lão mặc cái quần soọc, cái áo thun, bị bảo vệ của phường mời ra vì ăn mặc không đứng đắn mà đi vào chốn công đường. Song lão chả thấy ai nói gì khi một cô gái mặc cái quần “gin”, gấu quần te tua rồi đàng hoàng đến mọi nơi – công đường cũng như tư đường. Đó, bây giờ là thời “trọng nữ khinh nam rồi”! Lại ngược!

Lão lại lẩm cẩm nghĩ rằng, chị em phụ nữ ngày xưa muốn mặc cái ao hoa, thì phải mua vải hoa mà cắt may. Chả bù cho ngày nay, người con gái cứ là in hoa vào ngay da thịt mình, vừa đẹp lại vừa tiết kiệm tiền mua vải hoa. Trên thân thể người con gái, chỗ nào cũng có thể in đủ loại hình trên đó,

Nào hoa, nào bướm, nào rồng bay,
Thích gì tôi khắc cho cô đủ
Nào đã thua ai đã kém ai
(Nhại bài thơ “Lòng mẹ” của Nguyễn Bính)

Hôm đã lâu, vô tình vào một cái clip có tên là “Tattoo”, lão chợt thấy cái đám làm nghề xăm, chỗ nào chúng cũng xăm, hở kín gì cũng xăm tuốt. Thấy mà ghê! May quá, trong gia đình lão không có đứa nào bị chúng “hành hạ, tra khảo” như thế.

Ối ông trời ơi! Ông cho lão sống qua hai thời kỳ như vậy là quá đủ rồi. Nếu có thời kỳ thứ ba thì đừng bắt tội lão nữa. Bởi lão sợ rằng đến thời kỳ thứ ba mà mọi người lại trở lại giai đoạn lịch sử con người ăn lông ở lỗ, con người chỉ che chổ kín bằng mỗi cái là nho thì biết làm sao đây?

Hình trong bài: Xưa và nay.
Ngày 12/11/2023
Ngã Thị Dã

Add a Comment

Your email address will not be published.