
ĐƯỢC VÀ MẤT
Nếu cứ muốn mình chỉ có được mà không mất gì, là điều không tưởng. Được và mất là hai mặt của một vấn đề; trong cuộc sống cũng thế, được và mất luôn đi liền với nhau. Việc của mỗi người là hãy đặt vấn đề ấy, công chuyện ấy lên bàn cân coi được mất nặng nhẹ thế nào để quyết định.
Chuyện thời sự vừa qua là chuyện được/mất thuộc loại “đại sự” giữa người Nga và người Ukraine; giữa người Palestine và người Israel, cái sự được mất cứ diễn ra liên tục và xen kẽ nhau. Lúc này là kẻ được, lúc sau lại là kẻ mất, chờ cho đến khi mọi chuyện ngã ngũ, đặt lên bàn cân để coi coi chuyện được/mất thế nào. Ai được – được bao nhiêu? Ai mất – mất những gì. Cái kết quả được mất có đáng phải trả bằng bao nhiêu sinh linh hay không?
Rồi chuyện chính quyền Mỹ lúc nào cũng có mặt trong mọi cuộc xung đột trên thế giới. Mỹ là một chính quyền rất thực dụng, rất coi trọng vật chất nên Mỹ coi cái được lớn nhất của họ qua các cuộc xung đột là bán được nhiều công cụ chiến tranh, các nhà tài phiệt vũ khí như Lokheed Martin ngày càng giàu lên. Tài phiệt giàu lên tức là giới tinh hoa của Mỹ giàu lên. Vì thế mà chuyện được mất phải do các nhà tài phiệt tính toán, những người đứng đầu nước Mỹ chỉ tổ chức thực hiện thôi. Ngoài cái được đó ra, cái được khác của Mỹ là các cuộc đụng độ ấy sẽ làm cho các nước, mà Mỹ thấy cần phải bị kiềm chế (kể cả đối thủ lẫn đồng minh) để khỏi anh hưởng đến vị trí bá quyền của mình thì Mỹ sẽ bất chấp.
Nhưng qua các cuộc đụng độ đó, Mỹ cũng có thứ để mất. Đó là danh dự. Mà đối với Mỹ, danh dự không phải là tiền, không nhai được; là một quốc gia có nền văn hóa thực dụng nên Mỹ không quan tâm thế giới nói gì về mình . Viết đến đây lão lại liên tưởng đến một clip trên mạng, tả về một anh có tên là A Hy, thấy đâu có đánh chén là anh ta lân la đến, song lại chẳng bao giờ chịu móc hầu bao để góp vui. Anh A Hy chỉ quan tâm đến cái bao tử của mình, quan tâm đến thú vui ăn người, chứ nhất định không để người ăn. Mặc cho bản làng chê cười đến nỗi người ta phải tẩy chay mỗi khi anh ta xuất hiện. Thực dụng như Mỹ!
Lão có tính hay nói lông bông trước khi đi vào nội dung chính. Biết vậy mà lão không sửa được!
Quay lại chuyện được/mất ở quốc gia chúng ta. Đã có bài lão viết về cái sự được/mất trong công cuộc cải cách ruộng đất trong những năm 50 và cải tạo tư sản sau năm 1975 của thế kỷ trước. Nay không nhắc lại nữa.
Bây giờ lão nói về công cuộc xây dựng đất nước ta sau hòa bình hiện đang diễn ra. Trong đó đâu chỉ có được, cũng có mất đó chứ? Lão xin chứng minh ngay đây.
Từ ngày nhà nước ta dành một số tiền lớn để xây dựng nền kinh tế, mong đến năm 2045 Việt Nam sẽ là một nước phát triển, có thu nhập cao. Số tiền lớn đó đã và đang đem lại những kết quả tích cực, hàng loạt khu kinh tế, khu công nghiệp được dụng lên, hàng loạt nông thôn mới xuất hiện, xuất khẩu nhập khẩu mỗi năm mỗi tăng. Đó là cái được. Nhưng cũng đồng tiền ấy, có một số người khi nhìn vào thì bị lóa mắt, thế là sa ngã, thế là lòng tham trỗi dậy và bị đồng tiền đánh gục. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023 đã có 182 tổ chức đảng và hơn 7.000 đảng viên có chức quyền bị thi hành kỷ luật dưới nhiều hình thức, thấp thì cảnh cáo, nặng thì khai trừ, nặng nữa thì bị truy tố trước pháp luật. Đó là cái mất của bản thân người đó, nhưng cái mất lớn hơn là làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào đảng. Cái mất này lớn lắm, đau lắm.
Chúng ta xét đến sự nghiệp công nghiệp hóa đât nước. Có nhiều thành tựu không? Nhiều lắm. Ngày xưa ấy, cả miền bắc có một công trình công nghiệp nặng, sau đó là các nhà máy phân đạm, các nhà máy điện, còn lại hầu như chỉ là các nhà máy công nghiệp nhẹ. Ngày nay ta có các nhà máy đóng tàu cỡ vài ngàn tấn; hàng loạt cảng biển, sân bay được mở ra; đường sắt cao tốc đô thị; đường bộ cao tốc nối liền bắc – nam, nối các địa phương với nhau; sắp tới sẽ có trên 1.500 km đường sắt cao tốc chạy suốt từ đầu nước đến cuối nước…, kể sao cho hết các thành tựu. Đó là cái được, một cái được rất lớn.
Như trên lão đã nói, song hành với cái được luôn có cái mất. Một khi các khu công nghiệp được mở ra thì diện tích đất dành cho các lợi ích khác bị thu hẹp lại. Làm đường bộ, đường sắt cao tốc giúp lưu chuyển hàng hóa nhanh hơn, việc đi lại của người dân thuận tiện hơn, song lại có nhiều chuyện xảy ra, đụng chạm giữa người dân với nhà đầu tư do vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng, số tiền đền bù vân vân. Đó cũng là một mặt của cái mất.
Khắp nơi trên trái đất này các nhà máy công nghiệp được dựng lên, hầm mỏ được khai thác. Chúng ta được gì? Được một cuộc sống đầy đủ hơn, hiện đại hơn. Và chúng ta mất gì? Mất một môi trường lành mạnh để nhận lấy một môi trường ngày càng ô nhiễm nặng hơn, nhiệt độ không khí cao hơn, bão lũ xảy ra nhiều hơn, và gặp những căn bệnh khó chữa hơn.
Ngoài ra khi nền công nghiệp phát triển, lực lượng lao động nông nghiệp có biến động. Lớp thanh niên ly hương ra thành phố, vào các nhà máy… ngày một tăng, số còn lại ở quê thì người cao tuồi chiếm đa số. Ở nước Nhật, thậm chí có vài vùng nông thôn có cảnh nhà bỏ hoang, chính phủ sẵn sàng cấp không cho ai có nhu cầu. Đó là những cái mất do quá trình phát triển kinh tế tạo nên. Có lẽ không có nước nào tránh được.
Bhutan, có gần 800.000 dân, là một nước quân chủ lập hiến, công nghiệp không có gì đáng kể, thu nhập bình quân đầu người vào năm 2006 chỉ đạt 1.321 USD, đứng thứ 162 trên thế giới về phát triển kinh tế. Nhưng Bhutan được đánh giá là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, vì người dân ở đó được sống trong môi trường lành mạnh. Đó là cái được của người dân Bhutan, như quốc vương Bhutan đã nói, “Tổng hạnh phúc quốc gia còn quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc nội”. Viết đến đây chắc các bạn cũng nhận ra cái được/mất của người dân Bhutan rồi chứ?
Chuyện được mất, có lẽ nói mãi cũng không hết. Bên cạnh cái được luôn có cái mất đi. Phải thấy được cả hai mặt của nó để chúng ta đừng lạc quan quá, song cũng đừng bi quan quá./.
Hình trong bài: Đường sắt cao tốc.
Ngày 20 /11/2023
Ngã Thị Dã