LẠI MỘT CÂU HỎI, TẠI SAO?
Cứ ngồi yên mà nghĩ, có ối chuyện xảy ra quanh mình, rồi đặt câu hỏi để tự mình tìm câu trả lới. Hôm nay lão nghĩ đến một câu hỏi, rằng tại sao các trường quốc tế, phần lớn lại được mở tại thành phố Hồ Chí Minh mà không phải ở Hà Nội, hay một tỉnh nào đó ở phía bắc nước ta?
Nghĩ rồi, là tìm ra câu trả lời. Đầu tiên phải khẳng định một điều, hiếu học đã là một truyền thống của dân tộc ta. Cứ coi các kỳ thi quốc tế, nào toán học, nào vật lý hóa học, nào tin học vân vân, phần đông những cháu ẵm giải thưởng lại xuất thân từ những vùng kinh tế không được dồi dào cho lắm.
Vậy thì tại sao nhỉ? Lão có hai câu trả lời. Một là những cháu sống ở thành phố Hồ Chí Minh có hoàn cảnh kinh tế khá giả nên có thể kham nổi khoản học phí mà các trường quốc tế định ra chăng? Chắc cũng không phải nhỉ? Bởi có những tỉnh, thành còn giàu có hơn, cụ thể là trong cả nước có 8 tỉnh thành không còn một hộ nghèo nào. Sát cạnh thành phố Hồ Chí Minh là tỉnh Bình Dương có tên trong danh sách 8 tỉnh đó, trong khi thành phố Hồ Chí Minh thì không.
Lão lại nghĩ, chả nơi nào mà văn hóa Mỹ nói riêng và văn hóa phương tây lại thấm vào sinh hoạt hàng ngày của người dân như Sài gòn do đã trải qua 20 năm dưới thời Mỹ cai trị, đó là yếu tố khách quan? Lão không có ý phân biệt vùng miền đâu, song đó là thực tế. Vậy muốn duy trì được thứ văn hóa ấy, cách tốt nhất là mở các trường để đào tạo một thế hệ mới, mong gặt hái được gì chăng?
Tại sao lão lại nghĩ thế? Bởi các trường quốc tế ấy có được thiết lập ở những vùng trước đây chịu ảnh hưởng của những phong trào cách mạng do Mặt trận DTGP miền Nam tiến hành đâu; cũng chả ai mở trường ở những địa phương có truyền thống cách mạng như tỉnh Bến Tre, hay trên đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Có bạn bảo đó là nhân tố của cách mạng màu do phương tây ươm mầm. Cũng có thể, cái gì cũng có thể xảy ra nếu ta coi thường nó.
Khi trường Fun-bờ-nhai mở ra ở thành phố HCM, “người ta” cử ngay một tay Bob đồ tể nào đó (vì hắn đã giết hại nhiều người Việt trong cuộc chiến xâm lược của hắn) làm chủ tịch, sau có lẽ có sự phản ứng nào đó từ phía ta nên lão Bob đi, một bà khác tới với mục đích “lập lờ đánh lận con đen”, làm cho sinh viên của trường khóc nức nở trước “sự hy sinh” của đám lính xâm lược! Ơi ông thầy giáo ơi!
Lão viết mấy dòng này, có vẻ hơi đa nghi lại còn lẩm cẩm nữa. Nhưng đó là suy nghĩ của riêng lão. Lão nghĩ khác, bạn nghĩ khác, người khác nghĩ khác. Có ai cấm đâu nhỉ ?./.
Hình trong bài: Trường đại học Fulbright ở Việt Nam.
Ngày 29/11/2024
Ngã Thị Dã