TA CŨNG CHỈ VÌ TA

Đạo & đời

TA CŨNG CHỈ VÌ TA

Những hiện tượng xã hội xảy ra gần đây cho ta thấy, người đứng ở góc này, người đứng ở góc kia, chẳng mấy ai có chung một hướng nhìn, thế là người này thì chê bai, người kia lại khen ngợi.

Nổi bật nhất trong mấy ngày qua là chuyện tu hành của mấy người tự xưng là tu sĩ, là khất sĩ. Vậy là trên mạng có chuyện ào ào khen, ào ào chê. Riêng lão, họ làm cái gì cũng là vì họ. Họ muốn được an lạc cho bản thân họ, họ muốn kiếp sau (chả biết có hay không nữa?) được trở thành một con người như họ cầu xin. Nhiều người nói họ đóng góp vào những điều tốt đẹp cho xã hội, điều đó lão còn phải suy nghĩ thêm, riêng lão thì chưa được hưởng chút lơi lộc gì trực tiếp từ hành động của họ.

Thế rồi chuyện cúng dường? Ai cúng và cúng cho ai? Cuối cùng là đem lại lợi ích cho ai? Người được cúng, có trường hợp trích một phần để nâng cấp cơ sở tu hành, đôi nơi còn trích một phần để làm từ thiện (phần nhỏ thôi), còn lại thì người nhận cúng dường được hưởng mà họ chả mất mấy công sức như là mấy anh chị công nhân, nông dân, viên chức. Riêng lão cũng chẳng được chia phần nào (dù nhỏ). Còn người đem cúng dường cho nhà chùa, nhà thờ rồi cầu xin này nọ. Cầu xin cho bản thân và gia đình họ thôi. Như vậy ta vẫn chỉ vì ta mà thôi.

Rồi có bạn phê phán này nọ những hoạt động trên mạng xã hội. Ai thì lão không biết chứ lão có mặt trên cái không gian mạng này trước hết, cũng chỉ vì lão thôi. Ai đó có thể kiếm tiền bằng clip này clip nọ, còn lão, lão tham gia chỉ cốt làm cho sự thoái hóa của bộ não được chậm lại cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Miễn là những hoạt động trên không gian mạng đừng có xâm phạm đến lợi ích xã hội, đến những người tử tế, còn lại, ai làm gì thì cứ làm, tự do ngôn luận mà!

Xin được nhắc lại một lần nữa, rằng gia đình lão gồm toàn những kẻ vô thần. Khi thân mẫu còn tại thế, cụ bảo khi mẹ chết rồi, đến ngày giỗ thì chỉ cần đặt lên bàn thờ cho mẹ một ấm trà đặc, vậy là xong; chứ các con làm mâm cao cỗ đầy thì các con hưởng chứ mẹ có ăn được đâu. Đương nhiên con cháu không làm thế, nhưng tuyệt đối không đốt giấy tiền vàng mã.

Riêng lão, vào những ngày giỗ tết, lão chỉ đặt đồ cúng lên bàn thờ rồi mời những người “khuất mặt khuất mày” về chứng giám chứ chưa một lần cầu xin được phù hộ này nọ. Lão hiểu rằng, cuộc sống của mình là do mình tự tạo nên. Thấm nhuần câu của cụ Hồ, “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Tùy theo sức của mình”, vì vậy người trong gia đình lão cứ gọi là, “tay làm hàm nhai; tay quai miệng trễ”, chứ thánh thần thì ít mà người cầu xin, lời cầu xin thì nhiều; thánh thần biết cho ai và từ chối ai?

Bọn trẻ nhà lão cũng sống theo cách đó. Phải làm sao cho chúng học giỏi khi còn nhỏ, phải dựa vào sức của mình chứ đừng xin xỏ ai. Có xin được thì người ta cũng không thể cho mãi được vì cuộc đời rất dài mà, nếu bản thân không gắng sức.

Lão có bốn đứa cháu nội, đứa lớn nhất phải dành 6 năm, sau khi tốt nghiệp đại học để có được học vị tiến sĩ; đứa thứ hai đang ở vào năm thứ ba đại học; đứa thứ ba đang ở năm cuối cùa trung học phổ thông, đứa út đang ở năm thứ ba trung học cơ sở. Vậy đó, lão nói không cốt để khoe, song để lão nói rằng, niềm tin tôn giáo cũng chỉ giúp cho ta sống thiện lành (như mục đích của các tôn giáo), còn thành đạt hay không chẳng phải do cầu xin ai mà phải từ sự phấn đấu của mình.

Rất có thể nhiều người không đồng ý với lão, song xin hãy hiểu cho đây là cách nhìn cuộc sống của riêng lão, có khi chẳng giống ai. Giống hay không giống ai, điều đó không quan rọng đối với lão, bởi cuộc đời này của lão là của lão mà!

Hình trong bài: Đạo và đời.
Ngày 02/08/2024
Ngã Thị Dả

Add a Comment

Your email address will not be published.

To Top