TẢN MẠN CUỐI TUẦN.
VÔ THƯỜNG
(Điều tôi thu hoạch được)
Tôi đặt cái đều đề là “vô thường” để nói lên rằng, tôi chưa thực hiểu rõ cái nghĩa của chữ đó là gì? Vậy thôi.
Thuật ngữ “vô thường” được thấy nhiều trong các sách nhà Phật. Vô thường được hiểu là mọi sự vật trong vũ trụ này, kể cả con người đều luôn luôn biến đổi, luôn luôn vận động.
Chúa trời dạy rằng, mọi thứ đều do chúa sinh ra và đều là vĩnh cửu, là bất biến. Ngày nay khoa học đã chứng minh rằng, mọi hiện tượng mà ta thấy đều thay đổi và chúng phụ thuộc lẫn nhau. Nếu không có cái này thì cũng không có cái kia. Lấy cái cầu vồng mà chúng ta thường thấy làm ví dụ, cầu vồng được hình thành từ hai yếu tố, mưa và các tia nắng mặt trời. Nếu một trong hai yếu tố này không còn thì cầu vồng cũng sẽ không còn. Mỗi con người (bản ngã) cũng không ngừng biến đổi theo quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”. Đó chính là VÔ THƯỜNG.
Bây giờ ta xét đến các cơ cấu xã hội, hình thái xã hội là nguồn gốc hình thành các chế độ chính trị, sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật đã hình thành các phương thức sản xuất khác nhau.
Từ chế độ chiếm hữu nô lệ chuyển qua chế độ phong kiến, khi chế độ phong kiến sụp đổ thì hình thành chế độ tư bản. Khi tư bản tích lũy dồi dào thì hình thành các đế quốc, chiếm hữu thuộc địa. Đến một thời gian, chế độ thuộc địa tan vỡ từng mảng do phong trào giải phóng thuộc địa lan rộng. Chủ nghĩa tư bản ngày nay không còn giống chủ nghĩa tư bản khi nó mới hình thành ở châu Âu. Tất cả đã thay đổi. Chủ nghĩa tư bản cổ điển là bóc lột giá trị thặng dư, quan hệ xã hội là quan hệ giữa kẻ bóc lột và người bị bóc lột. Chính đó là cơ sở cho các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa hình thành. Nhưng vào cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản đã tự thay đổi để tồn tại. Đó là việc xóa dần ranh giới giữa chủ và thợ, giữa người làm thuê và giới chủ, giữa kẻ bóc lột và người bị bóc lột, bằng cách để cho những người lao động tham gia quản lý doanh nghiệp thông qua việc trở thành cổ đông của doanh nghiệp (thực chất là trở thành người chủ một phần doanh nghiệp, tùy theo số lượng cổ phần mà anh ta hoặc chị ta nắm giữ). Ngay khi chủ nghĩa tư bản bắt đầu có sự lột xác, thì Karl Marx đã hiểu ngay rằng, đây là mầm mống của chủ nghĩa xã hội và là khởi đầu của chủ nghĩa cộng sản (nếu hiểu cho đúng thì chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản là không xấu, mục tiêu cuối cùng của nó là xóa bỏ chế độ bóc lột giữa người với người, giữa quốc gia với quốc gia).
Chủ nghĩa thực dân cũ đã cáo chung, ngày nay sự chiếm lĩnh thuộc địa không còn nữa, nhưng sự chiếm hữu tài nguyên thì vẫn thế. Bộ mặt của những nhà thực dân đã thay đổi, ưa nhìn hơn dưới danh nghĩa giúp đỡ những chính phủ bản xứ (thực ra là xây dựng những chính phủ thân hữu). Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân đổi mới là thế, nhưng chế độ xã hội chủ nghĩa của một số nước vào cuối thế kỷ 20 đã không lột xác, một thái độ bảo thủ tạo nên sự trì trệ về mọi mặt, và điều tất yếu sẽ đến là sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa tại nhiều nước ở đông Âu.
Ngày nay, tất cả các nước dù dưới chế độ chính trị nào thì đang có một điểm chung. Đó là thực hành một nền kinh tế thị trường – tùy mỗi nước mà nội hàm của nền kinh tế thị trường ấy bao gồm những gì và nó phục vụ chủ yếu cho tầng lớp xã hội nào. Khi lấy nền kinh tế thị trường làm căn bản thì đây thực sự là sự lột xác của các nước theo chủ nghĩa xã hội, như Việt Nam hiện đang đi trên con đường đó.
Trước đây, nhiều nước luôn đặt lợi ích của “phe” mình lên trên hết. Nhưng ngày nay điều đó đã thay đổi. Các nước đều đưa ra cương lĩnh “quyền lợi dân tộc là trên hết”. Điều này đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rõ hơn bằng khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”. Rõ ràng là chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi, thay đổi rất nhanh và liên tục để tồn tại. Đây chính là giai đoạn mà những nhà cầm quyền của mỗi nước đều hiểu rằng “THAY ĐỔI HAY LÀ CHẾT!”
Cho nên, khi xét đến sự vận hành của một xã hội, thì ta cần xét đến hình thái xã hội ấy đang phục vụ cho ai? Ngày nay ai cũng nhận thấy, vận hành nền kinh tế cũng như quản lý xã hội giữa các nước gần như giống nhau. Cùng nhau ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật của nhân loại vào phát triển kinh tế, vào bảo đảm an ninh, quốc phòng, vào giáo dục và thậm chí luật pháp của mỗi nước cũng phải lựa theo (chứ không dựa vào) luật pháp quốc tế và phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Dù dưới thể chế chính trị nào thì mục tiêu vẫn phải là “vì dân” và tổ chức kinh tế cũng lấy kinh tế thị trường làm nền tảng. Thế thì, về một phương diện nào đó (chứ không phải mọi phương diện), các nước trên trái đất này đang chuyển theo một mô hình “thế giới đại đồng” mà Karl Marx đã dự đoán đó hay sao? Thomas L. Friedman gọi là thế giới phẳng – một thế giới mà các nước đều phụ thuộc lẫn nhau, không một nước nào đứng tách biệt hoàn toàn khỏi nước khác.
Thế giới là vô thường, vũ trụ là vô thường, cuộc sống của mỗi người là vô thường. Lịch sử nước ta đã chứng kiến sự thay đổi to lớn, từ một nước có hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến, cách mạng tháng Tám 1945 đã thay thế chế độ phong kiến bằng chế độ dân chủ cộng hòa, sau đó chế độ dân chủ cộng hòa thai nghén một cách khó nhọc và có phần đau đớn mới chuyển qua chế độ XHCN lấy kinh tế thị trường làm căn bản. Chế độ xã hội hiện nay cũng phải thay đổi và nó đang thay đổi để cho phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Vấn đề là bản chất xã hội chứ không phải cái tên gọi. Cái tên “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hay một cái tên “ABC” nào đó mà không làm cho “Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” thì cũng bằng không. Đó là những vấn đề cốt lõi, dù cho cái tên của đảng cầm quyền là gì. Câu châm ngôn ta thường thấy: “chiếc áo không làm nên thầy tu”, có nghĩa là chúng ta cần nhìn vào bản chất xã hội, không nên nhìn vào cái áo mà nó khoác trên mình.
Không được đứng yên một chỗ, không tự mình thay đổi thì khó mà tồn tại lâu dài được. Mọi sự đều là vô thường. Tôi hiểu nôm na là như thế./.
Tháng Sáu, 2017
Ph. T. Kh.