Địa lan Đà Lạt “sốt” giá gần 2 triệu đồng/cành, vì sao?

Địa lan Đà Lạt “sốt” giá gần 2 triệu đồng/cành, vì sao?

Một số người buôn lan chuyên nghiệp cho biết: Thị trường hoa địa lan của Đà Lạt Tết năm nay “sốt” là vì khả năng cung ứng mặt hàng này cho thị trường chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu hàng năm.

Sốt giá

Địa lan năm nay có giá cao nhất lên tới 2 triệu đồng/cành. Khách hàng yêu cầu chủ vườn ghép nhiều gốc địa lan lại với nhau, trung bình mỗi chậu có giá từ 4-10 triệu đồng. Mức giá tùy thuộc vào độ “trĩu nặng” của cành, cành càng nhiều bông và nụ, mức giá càng cao, có khi lên tới trên 15 triệu đồng/chậu. Nếu khách thích chậu nhiều cành, chủ buôn sẵn sàng tỉa cành ghép chậu.

Các loại địa lan được thị trường ưa chuộng và lựa chọn sử dụng nhiều nhất trong dịp Tết Nguyên đán là địa lan hoa màu vàng, cánh dày thuộc dòng địa lan Vàng Hoàng Hậu, được nhập giống từ nước ngoài và được trồng thành công tại Việt Nam. Dòng địa lan nổi tiếng đắt đỏ này còn có nhiều tên gọi khác nhau như địa lan vàng SJC hay vàng New Zealand hiện được rao bán với mức giá 1,2 – 2 triệu đồng/cành.

Vì đâu?

Nhiều trang trại hoa địa lan trên địa bàn TP Đà Lạt cho biết, hoa địa lan giá cao như vậy là do năm nay thời tiết tại Đà Lạt nóng bất thường và việc nhuận hai tháng 9 (âm lịch) cũng là nguyên nhân khiến hoa địa lan không thể nở vào Tết.

Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ một nông trại địa lan rộng gần 3 ha ở Đa Phú, phường 7, TP. Đà Lạt rầu rĩ nói: “Năm nay nhìn hoa mà khóc!…”. Sở dĩ ông Thanh than vãn như vậy là bởi hiện nay gần như 100% diện tích địa lan các loại trong nông trại của gia đình ông đều nở trước Tết, ông đành phải cắt hoa cành đem bán với giá rẻ.

Nguyên nhân sâu xa hơn là trong nhiều năm qua các loại bệnh hại như: Bệnh thối giả hành (củ), Nấm Phytophthora sp, Fusarrium solani, Furarium oxysporum, vi khuẩn Erwinia sp với tốc độ lây lan nhanh mà ngành chức năng chưa tìm ra thuốc đặc trị nên làm thiệt hại gần 50% diện tích địa lan của thành phố này.

Anh Lê Văn Khánh, phường 3, Đà Lạt cho biết: “Năm nay, tôi có hơn 1.000 chậu thì bị chết hơn 60%, số còn lại chỉ cho hoa lác đác, và 300 ngàn cây mô cũng chết sạch luôn; công lao và vốn gần 400 triệu đồng bỏ ra bốn năm nay giờ bị dịch bệnh cướp sạch. Bệnh hại tàn phá dữ dội quá, không kịp trở tay. Mặc dầu cứ 3 đến 5 ngày là tôi bơm đủ loại thuốc nhưng cũng chỉ… bó tay. Mặc dù lá cây vẫn xanh nhưng bệnh này lại thối từ dưới rễ lên nên khi phát hiện ra thì đã muộn”.

Lê Kiên (Dân Việt)

Add a Comment

Your email address will not be published.