PHỤ THUỘC LẪN NHAU.
“Cái này xuất hiện bởi vì cái kia tồn tại”
Tôi hình dung cuộc sống này như một dòng chảy, nó chảy trong một không gian ken dày vật chất, trong dòng chảy đó có bạn có tôi, có các sinh linh khác với chúng ta, nào các sinh vật to và nhỏ – thậm chí nhỏ tới mức chỉ thấy chúng qua kính hiển vi, nào cây cỏ, nào ánh sáng, nào bóng đêm, nào khí trời, có thứ thấy được và có thứ không, thôi thì đủ cả.
Chúng ta đang đi trên cùng một con đường, mà ta thường gọi là đường đời. Chẳng ai biết con đường đó bắt nguồn từ đâu cũng như nó sẽ kết thúc ở điểm nào. Khi tôi được sinh ra để hòa cùng dòng chảy này, tôi đã thấy có những thứ ngày nay đang tồn tại, tôi chẳng biết chúng có tự bao giờ và từ đâu chúng tới. Trên con đường đời có dốc cao, có vực sâu, cũng có những quãng bằng phẳng, đầy hoa thơm cỏ lạ. Bạn và tôi, chúng ta cùng đi, kẻ trước người sau, có lúc phấn chấn, có lúc mệt nhoài và rồi cũng đến lúc chúng ta phải từ bỏ con đường đó, biến thân mình vào chốn hư vô nào đó.
Tất cả những gì hiện diện trên con đường đời đều phụ thuộc lẫn nhau. Bạn cũng như tôi, không thể tồn tại nếu chỉ là một mình, như một sinh linh nhỏ bé và cô đơn. Cứ hình dung mà xem, nếu không có không khí, không có ánh sáng cho ta thêm sức khỏe, không có bóng đêm giúp ta lấy lại sức lực, không cỏ, không cây, không có bạn đồng hành, không có những thứ bạn làm cho tôi và tôi làm cho bạn, tỷ như bạn dùng lúa gạo của tôi, tôi dùng thịt cá từ bạn, liệu bạn và tôi có thể tồn tại trên đường đời này không? Bạn cũng như tôi, sống trong xã hội này chúng ta đang bị phụ thuộc vào nhau và phụ thuộc vào những gì mà các thành tố xã hội đang diễn tiến. Đôi khi bạn và tôi cứ tưởng là những thứ xuất hiện quanh mình không có liên quan đến mình, nó tốt là do tôi và của tôi còn nó xấu là do bạn và của bạn. Bạn không thể nói: “tao không cần mày”. Có thể khi bực tức lên thì bạn nói thế, nhưng bạn không thể chối bỏ được sự thật này.
“Cái này xuất hiện bởi vì cái kia tồn tại”, đó là một câu nói trong buổi chuyện trò giữa nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận với nhà khoa học đồng thời là nhà sư Matthieu Ricard (*). Lịch sử loài người cũng như thực tiễn cuộc sống đã chứng minh tính đúng đắn của luận điểm đó. Nếu tình trạng áp bức không tồn tại thì các cuộc đấu tranh xóa áp bức cũng không xuất hiện; nếu không tồn tại chế độ nô lệ thì cũng không xuất hiện những cuộc đấu tranh giải phóng nô lệ; nếu không tồn tại các cuộc xâm lược thì cũng không xuất hiện những cuộc chiến tranh chống xâm lược; nếu không tồn tại những mầm mống phạm tội thì cũng không xuất hiện lực lượng cảnh sát …
Tôi chưa bao giờ thấy cuộc sống này ngưng nghỉ. Chúng ta cũng đã mệt nhoài với những bước chân, mệt nhoài mỗi khi ta phải vượt dốc leo đèo, mệt nhoài với những toan tính và mệt nhoài với những cuộc cãi vã vô bổ, làm hao mòn sức lực của ta. Tôi không thủ tiêu đấu tranh, tôi không phải là kẻ cầu an, song tôi hỏi bạn, chúng ta sẽ được gì, nếu cùng đi trên một con đường mà chúng ta cứ phải hiềm khích nhau?
May thay, trên đường đi của chúng ta còn có những con sông lớn, nhỏ. Khi qua sông, tất cả chúng ta cùng ngồi trên một con thuyền. Trên một con thuyền thì không có kẻ trước người sau, không có kẻ nhanh người chậm. Đó là lúc chúng ta tĩnh tâm lại để suy nghĩ xem, tất cả cùng đi trên một con thuyền, vậy có ai hơn ai? Hãy làm cho con thuyền chạy êm xuôi và nhanh tới bờ tới bến!
Bạn có đồng ý như vậy không?
Ghi chú: (*) Matthieu Ricard là tiến sĩ di truyền học tế bào, đồng thời là một nhà sư. Ông sinh năm 1946 tại Pháp.Còn Trịnh Xuân Thuận, một nhà vật lý thiên văn, sinh năm 1948 tại Hà Nội.
Tháng Sáu 2017
Ph. T. Kh.