Phần V: TRÊN VÀNH ĐAI BẮC CỰC
Thụy điển là một nước trung lập, trong thời gian chiến tranh Việt Nam đã ủng hộ mạnh mẽ nước ta, đi đầu là Thủ tướng Olof Palme (người đã bị ám sát vào năm 1969). Do là một nước trung lập nên không tuân theo lệnh bao vây cấm vận Việt Nam của Hoa kỳ, họ đã cử người sang nghiên cứu giúp chúng ta khôi phục lại ngành điện ở miền nam.
Còn nhớ, người đầu tiên được cử sang Việt Nam là anh Sten Furbo. Dự án có sự giúp đỡ đầu tiên của Chính phủ Thụy điển là khôi phục nhà máy điện Thủ đức do các công ty của Mỹ chế tạo. Sten yêu cầu tôi cung cấp các tài liệu có liên quan đến thiết bị của nhà máy điện Thủ đức, lúc đó việc cung cấp tài liệu cho người nước ngoài là khó khăn lắm. Mặc dù tôi đã nói rằng, toàn bộ các thông số kỹ thuật và bản thiết kế của nhà máy đang còn nằm ở nhà chế tạo bên Mỹ, nhưng những người có trách nhiệm đều không dám cấp. Vậy là tôi phải đi gặp ông Bộ trưởng trên đường từ Campuchia về nước và xin ông duyệt cho. Vậy là ổn. Với 30 triệu Cua-ron (tiền Thụy điển, tương đương 5 triệu USD), nhà máy điện Thủ đức đã đực khôi phục bằng công suất thiết kế.
Vạn sự khởi đầu nan, một khi đầu đã xuôi thì đuôi cũng lọt. Vậy là tiếp theo có 40 cán bộ chủ chốt của công ty được cử sang học về cách thức tổ chức đấu thầu quốc tế, do Ngân hàng thế giới tài trợ, các công ty Điện lực Thụy điển tổ chức và giảng dạy.
Trong một chuyến đi dã ngoại, những người tổ chức lớp học, mà người có nhiều đóng góp nhất là ông Mortensson, mặc dù tuổi đã cao song ông vẫn là một con người nhanh nhẹn, chu đáo. Mỗi lớp học có 20 người, ai cũng lo làm tròn bổn phận, giữ đúng nội quy, thực hiện nghiêm túc giờ giấc. Duy chỉ có một ông bạn là giám đốc một đơn vị trên Tây nguyên luôn bắt mọi người phải chờ đợi mỗi khi lên xe đi đến lớp học hoặc đi tham quan. Trước khi xe chạy, ông Mortensson luôn phải điểm danh và luôn thiếu một người duy nhất, đó là ông bạn trên Tây nguyên. Rút kinh nghiệm, sau này ông ta không điểm danh nữa mà chỉ cần hỏi ông bạn trên Tây nguyên đã có mặt chưa là xong, là không thiếu một ai!
Kể chuyện hơi dài dòng một chút, song đó là một kỷ niệm của cả đoàn. Hôm nay ông Mortensson đưa đoàn lên miền bắc. Càng lên cao dân cư càng thưa thớt. Thực ra dân số Thụy điển lúc đó chỉ vào khoảng 8 triệu người, chỉ bằng dân số thành phố Hồ Chí Minh, nên trên đường đi lâu lâu mới thấy một nóc nhà. Ấy vậy mà những ngôi nhà đó cũng được cung cấp điện, nước đàng hoàng. Nước người ta giầu nên sướng thế đó!
Đến trưa chúng tôi đã đến vành đai bắc cực. Các bạn hiểu cho là chúng tôi mới đến điểm giới hạn nam của bắc cực, chưa phải là vùng bắc cực với băng tuyết. Song dù sao đó cũng là một kỷ niệm. Khi bước xuống xe, chúng tôi gặp một cô gái Eskimo, với đầy đủ trang phục của dân tộc mình. Thủ tục đầu tiên là mọi người phải nhảy qua tấm da dê, được đặt trên vành đai (tưởng tượng) đó. Tiếp theo là màn chào hỏi với bánh mỳ, thịt dê và rượu của người Eskimo. Vậy là quá đủ phải không các bạn?
Sau hai tháng học, có thể nói chúng tôi là những người được khai mở để bước vào thực thi những công trình theo cơ chế kinh tế thị trường, đó là cách thức đấu thầu quốc tế cho những công trình điện sau này./.
Ph. T. Kh.
(Kỳ sau: KHÔNG BIẾT CÓ AI YÊU VIỆT NAM HƠN…)
Trên đỉnh núi Alpe (phía Thụy Sĩ)