“TRỐN VIỆC QUAN ĐI Ở CHÙA”

TMT 4

“TRỐN VIỆC QUAN ĐI Ở CHÙA”

Trong từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, có một số cách giải thích cho câu thành ngữ “trốn việc quan đi ở chùa”. Có người bảo đó là sự chê trách người “lười, từ bỏ nhiệm vụ của mình” (giáo sư Nguyễn Lân); người khác thì giải thích, “tìm cách tránh làm phận sự” (Lê Văn Đức); người khác nữa (từ điển Nguyễn Đức Dương) thì giải thích rằng, “khuyên mọi người chớ có né tránh những công việc bổn phận của chính mình để được an nhàn”; trong cuốn từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của nhóm Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào, thì giải thích rằng, đó là tìm cách trốn tránh thoái thác trách nhiệm của mình.

Tóm lại, các học giả Việt Nam, đều có một ý chung là, những người “đi ở chùa” là những người trốn tránh nghĩa vụ với xã hội, muốn an nhàn cho bản thân mình.

Lão thì lão cho rằng, những người “trốn việc quan đi ở chùa” (nghĩa đen) là những người đề cao chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ, hay có thể nói những người này đề cao chủ nghĩa vị kỷ. Nhà tu hành của bất cứ tôn giáo nào, thì trước hết, người đó nghĩ về bản thân mình. Trong trang tin về Phật giáo, thì mục đích của việc tu hành là “để đoạn trừ phiền não, thoát khỏi sinh tử, khai mở trí tuệ và chứng ngộ chân lý”. Vậy ở điểm này, có chi tiết nào nói đến đem lại lợi ích cho cộng đồng, nơi nhà tu hành đang sinh sống?

Và đây, tu hành là thực hành lòng từ bi, yêu thương và giúp đỡ mọi người xung quanh. Từ bi không chỉ giúp người khác mà còn giúp chính bản thân ta thanh thản và hạnh phúc. Phải công nhận, nếu tất cả mọi người thực hành lòng từ bi thì xã hội sẽ không có tội phạm. Song làm thế nào để lan tỏa lòng từ bi đến với mọi người? Điều này để mọi người xem xét, riêng lão thì chưa một lần được các nhà tu hành cảm hóa để trở thành người từ bi, hỷ xả, mà lão chỉ sống theo tính cách riêng của mình mà sách vở định nghĩa đó là “bản ngã”.

Trở lại vấn đề “trách nhiệm công dân với xã hội”, lão có cảm giác, đồng thời có phần nào đúng là nhiều nhà tu hành không đóng góp vào sự phát triển của xã hội, ngược lại còn cần sự chu cấp của xã hội để tồn tại, như chuyện “cúng dường”, cở sở thờ tự càng lớn thì càng cần nhiều sự “cúng dường” của bá tánh. Giả thiết rằng, một trăm triệu dân ta đều trở thành nhà tu hành, vậy xã hội làm sao phát triển?

Ngày lão còn sống ở làng, lý trưởng cấp cho nhà chùa mấy sào ruộng để tự cày cấy mà sống để hành tu. Thời đó chả làm chi có “cúng dường” vì có mấy ai dư tiền mà cúng? Ngày nay, khoa học phát triển, ấy vậy mà cái sự mê tín dị đoan thì chẳng biết có giảm không, song nhiều tín đồ đã rủng rỉnh đồng tiền lại muốn có nhiều hơn, thế là phải đi cầu, đã đi cầu thì phải “cúng dường”, thế là những người tu hành chả phải làm cũng có ăn. Và có lẽ (có lẽ thôi nhé) cũng thấy kiếm tiền dễ nên ngày càng có nhiều chùa to, chùa đẹp mới được xây thêm hoặc mở rộng để lôi kéo được nhiều tín đồ đến và thu tiền “cúng dường”?

Không làm mà đòi có ăn, đó là những kẻ ăn bám.

Trở lại câu chuyện “trốn việc quan đi ở chùa”, chứ cái anh Lê Anh Tú xuất gia để hành thiền, hỏi đã giúp gì cho sự phát triển của xã hội? Không hề nhé! Đã thế còn làm phiền đến cơ quan công quyền và nhiều người khác, làm phiền cho nước mình chưa đủ, bây giờ lại mang cái phiền ấy sang nước khác.

Nhân đây lão kể một câu chuyện thực tế. Đó là một gia đình mà lão quen biết. Gia đình đó có hai vợ chồng cùng với hai đứa con – gái 18 tuổi, trai 14 tuổi. Hai trẻ đều cần có sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ của chúng. Nhưng rồi, vì lý do gì đó, người mẹ đi vào chùa ở, bỏ mặc chồng con xoay sở với nhau trong một nền kinh tế thị trường đầy sự cạnh tranh và biến động. Sáng sáng người chồng đưa con đến hai trường cách nhau dăm cây số, chiều lại đón hai đứa về nhà. Một mình nuôi hai con ăn và học, còn người mẹ thì lên chùa để luyện cách “từ bi hỷ xả”, để “khai mở trí tuệ và chứng ngộ chân lý!”.

Từ câu chuyện này, lão nghĩ rằng, nhà tu hành, trước hết phải là người biết yêu thương bản thân mình, nhưng cũng phải biết yêu thương gia đình mình sau đó là xã hội. Một khi sự yêu thương chăm sóc còn không được giành cho gia đình mình thì còn giành được cho ai? Lòng từ bi ấy, sự hỷ xả ấy giành cho ai, sự cứu rỗi ấy giành cho ai? Phải chăng, tất cả chỉ giành cho chính mình?

Cho nên traong ca dao dân gian của ta đã có lời khuyên:

Thứ nhất là tu tại gia
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa./.

Hình trong bài: Tu hành.
Ngày 16/02/2025
Ngã Thị Dã

Add a Comment

Your email address will not be published.