TẢN MẠN CUỐI TUẦN

brutality-5

TẢN MẠN CUỐI TUẦN

CẢNH SÁT VIỆT NAM CÓ NHU NHƯỢC?

 Là một công dân, thì ai cũng như ai, chỉ khác cái nghề, cái nghiệp mà người đó đa mang. Một viên chức nhà nước, dù chức cao đến mấy thì trước hết, ông là một công dân; Một nhà giáo dù dậy học ở bậc tiểu học hay đại học, thì trước hết ông là một công dân; Một ông thầy tu đang hướng dẫn giáo dân, môn đệ của mình, dù là Phật giáo, Cơ đốc giáo hay Hồi giáo…, thì trước hết ông cũng là một công dân.

Vì thế, dù hoạt động trong môi trường nào thì mọi người luôn nhớ mình đang là một công dân, có trách nhiệm làm tròn nghĩa vụ một công dân, từ lời nói đến việc làm phải góp phần xây dựng đất nước, tuyệt đối không hành động để làm suy yếu đất nước.

Viên chức nhà nước mà tách mình ra khỏi vai trò công dân thì sinh ra quan liêu, tham nhũng. Người thầy giáo mà tách mình ra khỏi vai trò một công dân thì không thể làm tốt vai trò một nhà sư phạm. Thầy tu mà tách khỏi vai trò một công dân thì việc dẫn dắt các giáo dân, môn đệ đi lầm đường lạc lối.

Trong một nhà nước pháp quyền, thì tất cả công dân phải làm đúng nghĩa vụ công dân, phải tôn trọng luật pháp. Nhà nước nào có luật pháp đó, chẳng thể đem luật pháp của nước này mà áp dụng cho nước khác được.Viên chức công quyền, thầy giáo, thầy tu hay bất cứ ai cũng phải tôn trọng luật pháp của nước sở tại.

Là một công dân bình thường, nhưng khi đi ra đường, điều tối thiểu là phải tôn trọng Luật giao thông. Nghĩa vụ công dân của một viên chức trước hết là làm đầy đủ những gì mà nhân dân trông đợi ở anh/chị. Bản thân phải thực thì tốt pháp luật đồng thời hướng dẫn cho người dân tự giác thực hành pháp luật, chứ không dùng luật pháp để hù dọa hay gây khó dễ cho dân, còn bản thân mình hay gia đình mình thì được bao bọc, bao che cho cả những hành động phi pháp như kiểu ông quan một quận nọ hành xử với quán cà-phê “Xin chào”. Nghĩa vụ công dân của một thầy giáo là đem kiến thức truyền dậy cho những người cần học. Sống trong môi trường sư phạm đã là một công dân nhưng cần có những tiêu chuẩn cao hơn bình thường, đó là sự mô phạm. Nghĩa vụ của một thầy tu là dẫn dắt con chiên, tín dồ, môn đệ đi theo một con đường lương thiện như đức Phật, đức Chúa … đã dạy và việc đó chỉ diễn ra trong phạm vi một giáo xứ, nơi tu hành, chứ không thể dẫn dắt tín đồ, môn đệ đi ra ngoài đường để chửi bới, để can thiệp vào việc đời trong xã hội, làm rối trật tự xã hội.

Nếu như mọi người, ai nấy đều làm đúng chức phận của mình, thì công cụ bảo vệ luật pháp – như cảnh sát, tòa án vân vân đâu cần phải có những hành động không mấy đẹp mắt trong một xã hội văn minh như còng tay, bắt bớ, đưa ra xử trước tòa và thậm chí phải bắn bỏ.

Đừng trách cảnh sát sao lại có những hành động thô bạo đối với một công dân như nhiều người vẫn thường nói. Khi một công dân đã vi phạm pháp luật thì thời khắc đó anh đã là một người phạm pháp, anh không còn được coi là một công dân lương thiện. Cảnh sát buộc phải áp dụng những biện pháp để vô hiệu hóa hành động chống đối, như thế người cảnh sát mới thực hiện đúng chức phận của mình.

Nhìn những hình ảnh ở cuối bài này, theo tôi, cảnh sát Mỹ đã hành động đúng. Nếu như đó là hành động của cảnh sát Việt Nam thì các bạn đã phê phán là không có nhân tính, đúng không? Nhân viên công vụ của Mỹ đã làm đúng khi cần phải bảo vệ luật pháp. Tuy mặc áo thầy tu nhưng anh gây rối nơi công cộng thì tôi còng tay anh, không phải tôi còng tay một thầy tu mà là còng tay một công dân phạm pháp. Còng tay chỉ là một hành động làm vô hiệu hóa hoạt động phạm pháp của người đó mà thôi.

Tôi nói, chắc có nhiều người không đồng tình, song tôi vẫn nói vì đây là nhận thức, là quan điểm của riêng tôi. Đó là luật pháp của nước ta còn phảng phất màu sắc của chủ nghĩa dân túy, tôi không  tán thánh việc đem gộp tất cả những người lương thiện và những kẻ bất lương vào chung với nhau, gọi chung là “nhân dân”. Tính chất hữu khuynh làm cho luật pháp chậm thể hiện tính nghiêm minh phải có của nó. Thí dụ, một hiện tượng xảy ra (như dư luận đồn đoán các quan xã ăn chặn tiền, ông quan đầu tỉnh này có bồ nhí, quan bà sở nọ có những hành động vô văn hóa), thì cái quy trình hiện hành của nước ta là tổ chức kiểm tra, báo cáo, kết luận rồi mới xử lý, quy trình đó phải làm mất nhiều tháng. Như vậy vừa mất nhiều thời gian, công sức lại làm cho dân tưởng rằng vụ việc đã bị chìm xuồng. Tốt nhất là, một khi đã có hiện tượng, có dư luận thì hãy tạm thời ngưng chức các vị đó. Nếu điều tra xong mà không có sai phạm thì nhà nước sẽ minh oan và phục chức. Vì cái quy trình hiện hành phần nào mang màu sắc “dân túy” đó mà những người, những tổ chức thực thi bảo vệ luật pháp không dám làm mạnh tay (nếu muốn nhấn mạnh hơn thì có thể nói đó là thái độ nhu nhược), tức là phải vô hiệu hóa ngay những hành động vi phạm luật pháp như chống đối (khi vi phạm luật giao thông), làm rối loạn xã hội (cho giáo dân nằm ra đường cản trở giao thông) vân vân.

Nói là chính quyền do dân, vì dân, nhưng phải rạch ròi ra, khẩu hiệu đó không thể dành cho thiểu số những kẻ bất lương hoặc những kẻ phạm pháp. Tôi đồng ý với ý kiến của ông Hoàng Hữu Phước, đại biểu quốc hội khóa XIII, rằng “việc nêu những ý kiến phản biện, những ý kiến trái chiều đó là tự do ngôn luận, nhưng nếu đòi lật đổ chính quyền thì đó là phạm pháp”. Tôi xin nói thêm rằng, tự do ngôn luận cũng phải có nơi có chốn, chẳng hạn ở các hội thảo, các buổi tọa đàm kiểu như “Phản biện chính sách”, hoặc có thể gởi thư cho người đại diện của mình, là người đại biểu quốc hội nơi mình cư trú đó. Như vậy mới là người có hiểu biết, có cách hành xử văn minh.

Chính quyền nào có luật pháp đó. Chế độ nào cũng đều có luật pháp và công cụ để bảo vệ quyền lực của chế độ đó. Câu khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, hay đó, nhưng luật pháp của ta hiện nay chưa hoàn chỉnh, còn rườm rà, nhiều điều khó hiểu đối với những người dân bình thường, song đó cũng là khe hở cho sự vận dụng luật pháp thiếu tính pháp luật !

Tháng Ba 2017

Ph. T. Kh.

upr_protest

 

Add a Comment

Your email address will not be published.