TẢN MẠN CUỐI TUẦN.

IMG_20170530_115821

TẢN MẠN CUỐI TUẦN.

MỘT CHÚT BIỆN MINH CHO TRIỀU NGUYỄN GIA LONG

(Hình bên: Tên Chaigneau, lính Pháp trong quân phục thời Gia Long)

Thêm một thu hoạch của tôi về các thừa sai (người truyền giáo) của Pháp trong giai đoạn nhà Nguyễn mới lập vương triều ở xứ đàng trong.

Nếu không có những nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam có tâm huyết ở trong nước cũng như ở hải ngoại, có lẽ bản thân tôi cũng như nhiều người vẫn đổ hết tội cho triều đại Nguyễn Ánh Gia Long là đưa người Pháp vào đô hộ dân ta.

Điều đó là có. Các vương triều trước, bắt đầu từ chúa Nguyễn Phước Tần (1648-1687), nhiều quan quân nhà Nguyễn ở đàng trong đã bị Nguyễn Huệ bắt và giết, Nguyễn Ánh, dù còn rất trẻ, nhưng có tài thao lược đi phò tá cho Tân Chính Vương hoặc Định vương (cả hai ông chúa này đều bị Nguyễn Huệ bắt và giết), song cũng không chống lại được Nguyễn Huệ. Trong hoàn cảnh đó, Nguyễn Ánh đã phải dựa vào Pháp mà đầu mối là các thừa sai, đứng đầu là Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine) để củng cố ngai vàng.

Dựa vào bối cảnh đó, các sử gia thực dân Pháp đã thổi phồng vai trò của các sĩ quan, binh lính Pháp trong quân đội Nguyễn Ánh. Họ nói rằng, nhờ có họ mà Nguyễn Ánh mới dành lại được ngai vàng.

Thực tế không phải hoàn toàn như vậy. Mục đích cuối cùng của Giám mục Bá Đa Lộc (có thời giáo dân gọi là Cha Cả) là truyền bá đạo thiên chúa vào Việt Nam, bất chấp do triều đại phong kiến nào cai trị (Nguyễn Ánh – Gia Long hay Nguyễn Huệ – Quang Trung) . Với mục đích như vậy nên Giám mục Bá Đa Lộc, thực sự là một kẻ cơ hội, một kẻ “bắt cá hai tay”. Mỗi khi thế lực của Nguyễn Huệ mạnh, đánh quan quân của Nguyễn Ánh phải chạy sang Thái Lan (Xiêm) thì đức Giám mục cũng bỏ chạy để chờ thời, khi Nguyễn Ánh thắng thế thì lại trở về giúp Nguyễn Ánh. Ta hãy đọc một đoạn thư của Giám mục Bá Đa Lộc gởi M. Létondal, quản thủ (Procureur) tu viện thừa sai Macao ngày 14/9/1791, sau đây:

“… Tôi không cần nói, ông cũng có thể thấy trước, điều gì sẽ xảy ra nếu nhà vua lại phải bỏ xứ chạy lần nữa. Và quân Tây Sơn sẽ kịch liệt báo thù như thế nào lên đầu giáo dân và giáo sĩ, nếu tôi cứ ở lại đây đến phút chót? Ngược lại, nếu tôi bỏ đi trước khi sự biến xảy ra, tất cả người Pháp đều sẽ theo tôi, tôi thấy đó là phương tiện làm cho Tây Sơn nguôi giận, và buộc họ phải khen cách ứng xử của tôi. Tất cả lo lắng của tôi, đúng hơn, lo lắng lớn nhất của tôi luôn luôn là làm sao cho nhà vua chấp nhận cho tôi rút lui, ít nhất trong một thời gian. Tôi muốn đi Macao, Manille, ngay cả qua Xiêm, để đợi biến cố (ngã ngũ), rồi sẵn sàng trở về hội truyền giáo sau, hay là có thể giúp đỡ hội bằng bất cứ cách nào, nhưng tôi không thể nói thẳng với ông Hoàng, sợ làm phật lòng ông ấy, và như vậy sẽ gây mối hại lớn nhất cho hội truyền giáo, trong trường hợp ông ta thắng trận…”

Trước việc Giám mục Bá Đa Lộc đảm nhiệm việc dạy dỗ Hoàng tử Cảnh, sợ một khi Hoàng tử Cảnh lên ngôi, Bá Đa Lộc sẽ trở thành một thứ tể tướng cố đạo như dưới thời vua Louis XIII và Louis XIV ở Pháp và “cái hại của đạo giáo nói chung, trong đó có chuyện làm loạn đạo đức kỷ cương” (cấm thờ phụng tổ tiên) nên đầu năm 1795 (khoảng tháng 3-4), Trần Đại Luật, một quan văn trong triều Nguyễn đã cùng 19 vị quan khác dâng sớ xin vua Gia Long chém đầu Bá Đa Lộc. Song vua Gia Long không chấp thuận dù vua rất khen tờ sớ đó, nhưng sợ bị hằn thù nên đã nói riêng với Luật và úy lạo: “Ngươi có lời nói thẳng, trẫm không phải là không tin, nhưng nay đánh đông dẹp tây, về việc dùng người, rất là việc cần, kẻ dối trá và ngu cũng nên dùng, không nên tỏ cho người biết là hẹp hòi, tạm hãy để đó”.

Trong thư của Giám mục Bá Đa Lộc gởi cho một người có tên là Steiner, ngày 10/7/1778, có câu: “Cảm ơn ông đã gởi cho tôi 2 giáo sĩ. Có nhiều khả năng dòng họ nhà vua sẽ lên ngôi trở lại, tôi sẽ cần thêm nhiều (giáo sĩ) khác, bởi vì tôi rất thân với ông Hoàng sẽ lên trị vì và các ông quan lớn ở đây. Hãy cầu nguyện Chúa trời cho việc này; bởi đó có thể sẽ là rường mối cho việc thu phục Nam Hà (đàng trong) theo đạo Chúa”. Kế tiếp triều đại Gia Long là các triều đại Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức đều có những chính sách khắc nghiệt để hạn chế sự phát triển đối với đạo Thiên chúa ở Việt Nam.

Những sử gia thực dân không những chỉ đề cao “công lao to lớn” của Bá Đa Lộc và những thừa sai mà còn tưởng tượng ra việc triều đình Pháp đã cung cấp những công cụ chiến tranh như tầu chiến, súng ống và các sĩ quan Pháp trong quân đội của Nguyễn Ánh Gia Long. Các sử gia thực dân đã đưa ra những quân số lính Pháp trong triều đình Gia Long, lúc thì trên 200 người, lúc thì trên 300 người. Song thực tế chỉ có khoảng 40 người. Đó là những lính thủy Pháp đào ngũ ở Macao, ở Côn đảo rồi xin gia nhập quân triều đình Nam Hà. Trong số này có một sĩ quan Pháp tên là Jean-Marie Dayot khi còn trong vương triều Nguyễn đã biển thủ công quỹ và làm đắm tầu tại Diên Khánh, Khánh Hòa, nên đã bị Nguyễn Ánh xử chém đầu, nhưng hắn trốn thoát sang Philippines. Thế nhưng các sử gia thực dân lại phong cho Dayot là “linh hồn của thủy quân Nam Hà, là thủy sư cai quản cả đạo thủy quân”, mà thực chất Dayot mới chỉ là binh nhì khi đào ngũ. Cho đến cuối triều đại Gia Long, chỉ còn 3 lính Pháp trong vương triều (như bài trước đã nói).

Ngay cả đến việc xây thành Gia định và thành Diên Khánh (Khánh Hòa), các sử gia thực dân cũng nhận vơ vào cho các sĩ quan Pháp như Oliver và Le Brun, những kẻ này được các sử gia thực dân phong là kiến trúc sư không những chỉ đắp các thành nói trên mà còn vẽ bản đồ Sài gòn. Song thực tế, nhữ người Việt Nam trong triều Nguyễn đã làm các công việc đó, chính là Tôn Thất Hội cùng phụ tá Trần Văn Học đã đắp thành Gia định và thành Diên Khánh do Vũ Viết Bảo đắp.

Tiếc rằng một vài sử gia người Việt đã không xem xét kỹ các tư liệu lịch sử nên về hùa với sử gia thực dân như các ông Trương Vĩnh Ký, Tạ Chí Đại Trường, đã bốc thơm cho các sĩ quan Pháp mà bỏ qua tài năng và công lao người Việt.

(Theo sách “Vua Gia Long và người Pháp” do Thụy Khuê – nhà văn hóa Việt kiều Pháp khảo biên)./.

Ph. T. Kh.

IMG_20170601_142527

Ảnh trên: Sơ đồ thành Gia định dưới triều Gia Long

Add a Comment

Your email address will not be published.