THẢ MỒI BẮT BÓNG

dog-and-a-bone

TẢN MẠN CUỐI TUẦN

(Góc nhìn của một người ngoài đảng)

THẢ MỒI BẮT BÓNG

Chuyện kể về một con thú bắt được một con mồi, nó trèo lên chỗ cao để chuẩn bị thưởng thức món mồi ngon đó. Bỗng nhìn xuống mặt nước bên dưới, nó thấy một con thú khác có con mồi lớn hơn. Vậy là nó buông còn mồi ra và nhẩy xuống nước. Ngờ đâu, con thú và con mồi dưới nước chỉ là cái bóng của nó. Nước chảy đi, mang theo con mồi mà nó đã bắt được. Thế là hết, không còn gì. Dân gian từ đó có thêm một thành ngữ: “thả mồi bắt bóng” để nói về những kẻ không biết tận hưởng những gì đang có để chạy theo ảo ảnh, để rồi vỡ mộng.

Thế gian thực ra chẳng thiếu những người như vậy. Có nhiều người muốn rời bỏ đất nước của mình để đến một miền đất hứa nào đó, họ có biết đâu rằng, ở đâu cũng phải làm việc mới có ăn, những nước càng phát triển thì càng đòi hỏi người lao động phải có trình độ nghề nghiệp cao, cường độ làm việc càng cao, chứ đâu phải là nơi làm việc tà tà mà được sung sướng.

Có một số người đang bất mãn với xã hội ta hiện nay, muốn loại bỏ sự lãnh đạo của đảng CS, để làm gì và để xây dựng một chế độ thay thế nó như thế nào thì cũng chẳng ai nói cho rõ được. Người ta nói chung chung là phải có một xã hội dân chủ. Thế nào là dân chủ? Bất kỳ nước nào dù phát triển đến mấy thì dân chủ cũng phải trong khuôn khổ luật pháp của nước đó. Không thể có dân chủ hay nhân quyền cho những kẻ phạm pháp, những kẻ bất lương. Những ai muốn phân phát dân chủ hay nhân quyền cho những kẻ đó là một đòi hỏi vô lý và là sự xúc phạm đối với những người lương thiện.

Áp dụng một cách đầy đủ sự tự do dân chủ và triệt để tôn trọng nhân quyền còn tùy thuộc vào trình độ phát triển của xã hội đó, trình độ dân trí của nước đó. Nói về dân trí, không chỉ là của những người dân bình thường mà còn là của những người đang thực thi pháp luật. Những công chức không tận tụy với trách nhiệm, không coi trọng dân thì đó là những người có dân trí thấp. Người dân mà không tôn trọng luật pháp, không làm đầy đủ nghĩa vụ của một công dân thì đó cũng là những người có dân trí thấp. Dân trí đã thấp thì tính tự giác cũng thấp, vậy nên đôi khi phải xử dụng biện pháp cưỡng bức. Đến lúc đó thì có người lại gào lên là thiếu dân chủ, là vi phạm nhân quyền.

Xã hội nào cũng vậy, đem ra mà mổ xẻ thì không một xã hội nào được cho là toàn bích. Nói như vậy không có nghĩa là bao che cho những cái xấu của xã hội mà chúng ta đang sống trong đó. Song cũng không phải vì ghét bỏ nó hay có một âm mưu gì đó mà chỉ nói toàn những cái xấu, cái chưa được của nó một cách cố chấp. Bản thân tôi từ nhỏ đến lớn chỉ sống trên đất nước Việt Nam này, cuộc đời nghèo khổ đã trải, đối phó với chiến tranh đã từng, trong những thời gian ấy, tất cả những người mẹ đều thốt lên một câu “ước gì đất nước thanh bình thì có đói khổ một chút cũng sướng”. Như vậy, đất nước thanh bình đã là một mong ước của bao người. Ngày nay đất nước đã thanh bình, số người có cuộc sống đói khổ vẫn còn nhưng không nhiều, thậm chí có nhiều người đã giàu lên.

Nhiều người tại Mỹ (và cả ở Việt Nam nữa) chỉ muốn chính phủ Mỹ chỉ trích chính phủ Việt Nam, xin hãy nghe bài phát biểu của bộ trưởng Ngoại giao M. Pompeo tại cuộc gặp các doanh nghiệp Việt Mỹ tại Hà Nội cách đây ít ngày:

“…Kết hợp với sự cần cù của nhân dân Việt Nam và sự lãnh đạo sáng suốt đã giúp Việt Nam có một câu chuyện thành công đáng kinh ngạc. Việt Nam có nền kinh tế phát triển nhanh nhất đông nam Á…” (trích nguyên văn).

Tuy nhiên, những thành tựu đó không khỏa lấp được hết những bức xúc trong xã hội, phần thì do nhiều người dân không tôn trọng luật pháp, phần thì do nhiều đảng viên CS đã xa rời lý tưởng của mình, thiếu tu dưỡng nên phát sinh tệ nạn tham nhũng, tệ quan liêu xa dân, quên mất rằng công cuộc cách mạng mà đảng CS lãnh đạo nếu không có sự ủng hộ của đại đa số nhân dân thì đã không thể thành công.

Bản chất, mục tiêu của đảng CS không thay đổi. Khi mới dành chính quyền thì lo diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm cho đến khi giành được độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, và họ đã làm được; ngày nay thì mục tiêu là dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh. Thử hỏi, nếu những mục tiêu đó mà đạt được thì chúng ta còn đòi hỏi gì hơn nữa? Nhất là, đảng CS lại không có lợi ích riêng mà chỉ có một lợi ích duy nhất là lợi ích của dân tộc. Các chế độ mà nhiều người thường mơ tới, được gọi là xã hội dân chủ, thì những tập đoàn tư bản lũng đoạn có thể dựng lên một tổng thống và cũng sẵn sàng loại bỏ một tổng thống.

Điều mà chúng ta trăn trở hiện nay, như trên tôi nói, không thuộc bản chất của đảng CS, bản chất từ ngày nó ra đời, đến nay vẫn thế, nhưng chính những đảng viên của đảng đã làm cho khoảng cách giữa lý tưởng và những diễn biến thực tế cứ xa nhau dần. Đó chính là điều mà đảng CS cần phải suy nghĩ và hành động. Ngày xưa dân yêu đảng, tin đảng vì những gì đảng làm luôn tiệm cận với lý tưởng, đó là bởi mỗi đảng viên không làm gì để xa rời lý tưởng của mình, chịu hy sinh cả tính mạng để bảo vệ cho được lý tưởng đó.

Vậy thì không phải là xóa bỏ vai trò của đảng CS trong công cuộc xây dựng xã hội hiện nay, mà việc cần làm chính là mỗi người, nhất là những đảng viên của đảng phải làm cho thực tiễn cuộc sống tốt đẹp hơn nữa, gần với lý tưởng hơn nữa. Công cuộc chống tham nhũng, chấn chỉnh đảng mà đảng CS đang tiến hành, cũng là một giải pháp quan trọng để lấy lại sự tôn trọng của nhân dân đối với đảng.

Miền nam Việt Nam trước năm 1975 cũng đã từng được gọi là một vùng đất tự do và dân chủ, song thử hỏi các đảng phái chính trị thời đó được lập nên vì cái gì và có phải vì nhân dân hay chỉ là vì quyền lợi của các phe phái? Giả thiết rằng, những người của các đảng phái đó, nếu quay về được đất nước này để lãnh đạo đất nước thì họ sẽ làm gì, xã hội của chúng ta sẽ ra sao? Quán chiếu những gì mà họ đã làm trong quá khứ, liệu có thể cho chúng ta chút niềm tin nào không?

Thôi, đừng có thả mồi bắt bóng nữa!

Tháng Bảy, 2018

Ph. T. Kh.

Hình trong bài – nguồn: internet

Dog n shadow

One comment

Add a Comment

Your email address will not be published.