CÂU CHUYỆN HÔM NAY

Vatican

CÂU CHUYỆN HÔM NAY – CHUYỆN ĐẦU TIÊN

VIỆT NAM XUẤT KHẨU NẤM ĐỘC SANG MỸ

Cần nói ngay kẻo người đọc lại hiểu lầm. Nấm độc ở đây có tên là “mẹ nấm”, tên trong sổ đăng bộ là “nấm Q.A”., đây là một bào tử cái, cũng có thể mang biến thể lưỡng tính (danh từ khoa học gọi là clone), đây là một loài nấm độc, đã bị nhà nước Việt Nam cất kỹ vào trong kho suốt hai năm qua. Theo kế hoạch ban đầu là loại nấm này sẽ được bảo quản trong kho 10 năm thì mới loại bỏ hết độc tố. Song vừa rồi, bộ Ngoại giao Hoa kỳ thông qua sứ quán Hoa kỳ tại Việt Nam năn nỉ ỷ ôi mãi, nên chính phủ ta mới bật đèn xanh cho phép cơ quan chức năng xuất cả nấm mẹ nấm con qua bển, để bển nhân giống, đặng xuất sang nước nào không làm vừa lòng Hòa kỳ trong tương lai.

Mà chính phủ Việt Nam chắc cũng không dại mà biếu không cho Hoa kỳ loài nấm độc, có sức tàn phá xã hội như loại nấm độc này. Cứ theo thiển nghĩ của kẻ viết bài này thì tại sao lại có sự trùng hợp giữa việc xuất khẩu nấm độc với chuyến thăm của bộ trưởng Quốc phòng Hoa kỳ Ma-tịt tới Việt Nam như thế? Thôi, đó là chuyển đại sự quốc gia. Chỉ biết rằng nền kinh tế nước ta dựa trên xuất khẩu, vậy thì cứ xuất được cái gì thì xuất. Mà cũng chẳng phải lần đầu, trước đây ta cũng đã xuất mấy chủng nấm độc sang bên đó rồi.

Tôi dự rằng, vừa rồi ta chỉ mới xuất bào tử cái của nấm Q.A., bào tử đực của loài nấm Q.A. này vẫn còn đang được nuôi dưỡng. Trước sau gì Hoa kỳ cũng đòi chính phủ ta phải xuất nốt cái bào tử đực này sang bển cho có cặp. Nếu không, lấy gì gây giống? Mới cách đây mấy ngày, Cộng đồng châu Âu đòi ta đưa loài nấm Q.A. này sang giới thiệu cho họ, để họ kiểm tra độc tố nặng nhẹ thế nào. Chẳng hiểu sao, họ không giữ luôn ở bển mà lại trả về Việt Nam, chắc độc tố của bào tử đực này chưa đến độ, nhỉ?

Xin mọi người giữ bí mật cho, nước ta còn một số nấm độc nữa, thứ thì đang nhập kho, thứ thì ta chưa khai thác, vì vậy đây cũng có thể là một nguồn thu ngoại tệ kha khá. Hễ có chuyến xuất khẩu nào, tôi sẽ thông báo cho các bạn biết tên loài nấm đã được xuất đi, nhé. Đừng có nóng lòng!

CÂU CHUYỆN THỨ HAI

CÁI HẠN CỦA NGƯỜI NỔI TIẾNG

Chủ trương xây dựng nhà hát tại Thủ Thiêm hãy còn nằm trên giấy, chưa xảy ra bất kỳ chuyện gì với bất cứ người nào, từ người ủng hộ đến người phản đối, chưa ai được và cũng chưa ai mất gì. Thành phố Hồ Chí Minh còn phải điều trần trong kỳ họp quốc hội sắp tới về kế hoạch xây dựng nhà hát này. Chuyện chưa ngã ngũ đâu.

Trong cơn bảo dư luận “nên hay không nên”, cái cô Diva kia mới thật là dại dột. Là người nổi tiếng, được nhiều người biết đến (như người ta nói là “người của công chúng”), đáng lẽ phải thận trọng hơn trong lời ăn tiếng nói, làm sao thu phục được lòng người, chí ít thì cũng không bị hứng chịu hàng rổ gạch đá. Hậu quả là, những cục gạch đá đã chuyển hướng, từ chỗ quăng vào những phát ngôn của cô, thì bây giờ người ta ném những cục đá, cục gạch to tổ chảng vào cái công trình, người ta gọi là “biệt phủ” của cô, làm cho các cơ quan gì đó phải lần ngược lại đường đi nước bước, tìm xem, cái biệt phủ đó là hợp pháp hay bất hợp pháp. Khổ cho cô rồi!

Theo tôi biết, bên cạnh cái “biệt phủ” của cô, còn có một hoặc nhiều biệt phủ khác, mà có một cái là của ông T.C. gì đó, to vật vã, rộng gấp mấy lần cái công trình cô đã xây dựng. Nhưng tại sao không ai nói đến chuyện của ông ta? Đơn giản thôi, vì ông ấy tránh xa cơn bão dư luận về cái nhà hát kia, còn cô, cô dại dột lao ngay vào tâm bão. Vậy là nó quật ngã cô. Tôi nghe nói cô đã khóc và xin lỗi mọi người. Nhưng cô ơi, người đời ác lắm. Người ta hả hê khi thấy người khác đau khổ, cái bản tính ghen ghét, cái bản tính ích kỷ của nhiều người chỉ chờ có dịp thế này để bùng lên thôi.

Bài học ở đây, là đừng bao giờ nghĩ mình đã nổi tiếng, muốn nói gì thì nói. Uốn lưỡi ba lần hãy nói cô ạ. Trên thế gian này có nhiều người nổi tiếng lắm, chứ đâu phải chỉ có mình cô?

CÂU CHUYỆN THỨ BA

NHỮNG CÔ GIÁO – NGƯỜI MẸ MANG HÌNH HÀI NAM GIỚI

Tôi thật sự xúc động về các bài báo kể chuyện những thầy giáo người H’Mông trên vùng núi cao Yên Bái. Người nào cũng đã có gia đình riêng, nhưng họ phải tạm xa vợ con để đi dạy dỗ, chăm sóc những đứa trẻ của dân tộc mình. Ngoài việc là thầy giáo dạy chữ, họ còn phải làm người bảo mẫu, lau chùi tắm rửa cho mấy chục đứa trẻ, khi chúng đi vệ sinh thì phải cọ rửa cho chúng, đến bữa thì nấu ăn, buổi trưa phải lo giấc ngủ cho cả lũ trẻ.

Phong tục của người Mông, tất cả việc làm nương làm rẫy và chăm sóc con cái là bổn phận của người phụ nữ. Người đàn ông lo việc lên rừng lấy gỗ, săn bắn và… uống rượu. Chính vì vậy mà, đôi khi dân bản lấy làm lạ, kéo đến trường xem các thầy dạy múa, dạy hát và làm công việc của một cô giáo, công việc của người mẹ. Ban đầu dân bản còn cười, sao lại có những người đàn ông làm việc đó, sau chuyển sang thán phục và đôi khi lại còn vui nữa.

Trên đỉnh Háng Gàng thuộc tỉnh Yên Bái quanh năm mù sương có các thầy Sùng Thào Chinh, thầy Giàng A Chu, thầy Chu Lay Vai, thầy Hờ A Pha. Thầy Chu đã có lúc phải cõng từng đứa trẻ qua con đường lầy lội đến trường. Các thầy đôi khi phải chuyển từ trường này qua trường khác, đang từ là giáo viên dạy tiểu học phải chuyển qua dạy mầm non. Song các thầy vẫn luôn luôn là những thầy giáo mẫu mực.

Cùng ở Yên Bái, cũng là những thầy giáo người H’Mông, thầy Giàng A Ly, giỏi truyền cái chữ cho các em còn múa giỏi hát hay nữa. Thầy giáo Vũ Công Hậu có cha là ông Vũ Công Hưng, nguyên giám đốc Trung tâm văn hóa – thông tin huyện Trạm Tấu, đã nói với cô hiệu trưởng hãy “cho cháu nó vào dạy điểm xa xôi khó khăn nhất, để nó hiểu giá trị cuộc sống”. Thực ra anh Hậu đã có lần nói: “em là đàn ông con trai mà dạy le ve ngoài trong khi các chị ở chỗ khổ hơn, thì sao đáng mặt”. Ở đó còn có thầy Thào A Tủa, con trai lớn của thầy đã 22 tuổi, và thầy cũng đã có cháu nội. Hết giờ dạy ở trường mầm non thầy lại về chăm sóc và vui với cháu nội. Thầy Tủa bảo: “muốn bọn trẻ nghe lời thì phải yêu thương chúng nó như con cháu trong nhà thôi”.

Các bạn trẻ! Các bạn đang sống ở những nơi có điều kiện, đầy đủ tiện nghi hơn hẳn các thầy giáo “cắm bản”. Trong lúc những thanh niên người dân tộc thiểu số mà tôi nói ở trên đang góp phần làm cho “miền núi tiến kịp miền xuôi”, truyền thụ văn minh cho những đứa trẻ kém may mắn, thì có nhiều bạn lại ngâm tuổi trẻ của mình vào trong những chất gây nghiện như rượu chè, ma túy; các bạn để cho tuổi trẻ của mình trôi đi qua mỗi lần lướt tay trên bàn phím, không phải là để tìm cho mình một hướng đi, một kiến thức mới mà là những chát chít vô bổ, đôi khi còn độc hại nữa.

Các bạn! Đức Phật hay đức Chúa cũng đều khuyên chúng ta phải tận hiến và dấn thân. Song nếu không có lý tưởng thì cũng chẳng dấn thân, cũng chẳng tận hiến được. Đó là lời khuyên của một người đã sống lâu năm trên cõi đời này.

Xin tạm biết các bạn

CÂU CHUYỆN THỨ TƯ

BÓP CHẾT TỪ TRONG TRỨNG

Ai cũng thấy, trong thời gian vừa qua, nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động chống phá tình hình trật tự an ninh xã hội. Nào là bọn cướp của giết người, nào là các băng đảng thanh toán lẫn nhau theo kiểu xã hội đen, nào là gây ra những vụ tai nạn khủng khiếp, nào là buôn lậu, buôn bán ma túy, nào là bọn phá rối từ nước ngoài chuyển về hoặc điều khiển những thành phần bất hảo trong nước hòng lật đổ chính quyền nhân dân…

Năm năm qua đã xảy ra 264.611 vụ phạm pháp hình sự. Công an đã điều tra khám phá 205.187 vụ, bắt xử lý 400.218 đối tượng. Băng nhóm tội phạm có 11.767 băng bị triệt phá, bắt xử lý 56.355 đối tượng của các băng nhóm đó. Chỉ nhìn vào các con số đó ta thấy xã hội còn nhiễu nhương lắm. Bọn này quấy phá cuộc sống bình yên của người khác, tuy nhiên chúng chỉ là thiểu số, so với trên 90 triệu dân của nước ta. Song dù sao, chúng cũng làm cho chúng ta bất an. Trong những kẻ quấy rối, những kẻ tội phạm này, có những kẻ là trộm cướp, giết người, và cũng có kẻ làm theo những thế lực thù địch trong và ngoài nước nhằm phá hoại công cuộc xây dựng đất nước, chí ít thì chúng cũng làm chậm bước tiến của dân tộc.

Theo thiển nghĩ của tôi, không có nước nào thực sự là bạn tốt với nước ta, một khi ta không đi vào quỹ đạo của họ, thì màn chống phá còn quyết liệt hơn. Những thế lực bài Trung thì đang cố sức ca ngợi, nói đi nói lại mãi không biết chán, bộ lịch sử và cuốn “Vòng tròn Gạc ma…” và khai thác những mâu thuẫn Việt Trung trong quá khứ; những kẻ bài Mỹ thì gọi đó là “lật sử” và chửi bới một cách vô văn hóa những nhà viết sử cũng như phê phán, đặt chuyện VN muốn Mỹ hóa biển đông. Có người còn bảo nước ta đang biến chất, cái chất xã hội chủ nghĩa đang mất dần trong đường lối xây dựng kinh tế, xã hội.

Tất nhiên những người này cũng hiểu rất rõ, ta chẳng ngả vào vòng tay của ai, điều đó là rất nguy hiểm. Song họ không thích thế, người bài Trung thì muốn ta dựa hẳn vào Mỹ, kẻ bài Mỹ thì muốn ta dựa vào Trung, thế là hai phe quay ra chửi bới nhau, và anh nào cũng vỗ ngực ta mới là người yêu nước.

Nếu các bạn là người yêu nước thực sự, thì hãy tuân thủ đường lối chính sách của nhà nước. Trong quan hệ đối ngoại thì thực hiện chính sách “ba không”, hợp tác nhưng có đấu tranh để bảo vệ lợi ích dân tộc; trong đối nội thì thực hiện chính sách đại đoàn kết. Chia phe chia nhóm để đả kích nhau há chẳng phải các bạn đang làm suy yếu đi khối đại đoàn kết đó sao? Riết rồi tôi còn không phân biệt được trong số bạn bè ai là người yêu nước thực sự, ai là người chỉ khoác trên mình cái vỏ yêu nước mà thôi? Chúng ta đoàn kết giữa 54 dân tộc trong cùng một nước, chúng ta còn có nhiệm vụ đoàn kết giữa các tôn giáo, không chỉ vì một số giáo chức của Công giáo, Phật giáo có những việc làm sai trái mà coi tất cả những tín đồ của tôn giáo đó là phản động, phản quốc.

Vừa rồi có một bạn nói về những bài học của các nước đông Âu và kinh nghiệm quản lý xung đột của nhà nước ta trong những năm nước sôi lửa bỏng như vụ Fulro, vụ nhà nước Đê-ga, vụ Hoàng Cơ Minh, vụ giáo xứ Thọ Hòa vân vân. Qua những vụ lộn xộn đó mới thấy những người cầm lái đã vững tay lái, chèo chống qua những sóng gió, chao đảo đó. Vậy thì những vụ như ngày 10 và 11 tháng Sáu năm nay, chẳng thể vượt khỏi tầm kiểm soát của nhà nước. Sắp tới còn những vụ gì xảy ra nữa, dù là lớn hay nhỏ chúng ta vẫn có thể tin vào các lực lượng bảo vệ pháp luật. Tôi rất tâm đắc về điều đó.

Sắp tới đây, khi mà Luật an ninh mạng có hiệu lực thi hành, chúng ta có quyền hy vọng sẽ dẹp bớt những chiêu trò kích động nhân dân, đồng thời sẽ mạnh tay hơn nữa với các băng nhóm tội phạm, cũng như các tổ chức phản động. Tôi nghe nói, với đề án 2, Công an quyết “bóp chết từ trong trứng” những băng nhóm và các tổ chức phản động đó, như Bộ Công an đã công bố. Lúc đó đừng ai bảo công an “hiền với giặc, ác với dân”, cần phải làm rõ rồi đây ta sẽ ác với loại “dân” nào? Và lại có những kẻ kêu gào lên là bóp chết dân chủ! Dân chủ nào? Dân chủ với ai? Tôi nghĩ chỉ thực thi dân chủ với đa số, không thể chiều theo ý của một thiểu số dân chúng mà ảnh hưởng đến đa số. Những kẻ phạm tội trong bất cứ lãnh vực nào thì tạm thời không thể được coi là dân lương thiện. Không được đánh đồng đa số người dân lương thiện với những kẻ chuyên phá hoại. Vì vậy việc đối xử cứng rắn với thiểu số những kẻ phá hoại là tất yếu, để bảo đảm cuộc sống bình yên cho đại đa số những người lương thiện.

Nếu mọi người không muốn bị liên lụy thì hãy là một người thông minh, tôn trọng luật pháp, cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ tránh xa các bạn./.

CÂU CHUYỆN THỨ NĂM

XIN CẢM ƠN ĐỨC GIÁO HOÀNG

Trước khi nói về cảm xúc của tôi đối với lời nói của đức Giáo hoàng hiện nay khi tiếp Phó Thủ tướng Việt Nam Trương Hòa Binh, tôi xin lạm bàn một chút về vô thần và hữu thần.

Xin nói trước, tôi là một người vô thần, song tôi lại không phải là một đảng viên cộng sản. Ngược lại, cũng không phải tất cả những người cộng sản đều là những kẻ vô thần như người ta cứ xuyên tạc và tuyên truyền bậy bạ.

Các bạn không tin ư? Các bạn hãy đến những xóm đạo Công giáo coi có bao nhiêu gia đình theo Thiên chúa đã và đang đặt nơi trang trọng những bức hình người thân của mình đã hy sinh vì nước trong các cuộc kháng chiến, được nhà nước phong tặng liệt sĩ và có công với nước. Các bạn cũng có thể thấy, trong các lễ hội chùa chiền, những ngày lễ như Phật đản, có khá nhiều đảng viên cộng sản tay cầm mấy nén nhang lẩm nhẩm cầu xin thứ gì đó từ Phật, từ thánh?

Tôi là một kẻ vô thần, song tôi rất tôn kính đức Phật Thích ca và đức Chúa Jesus, vì những bậc thánh đó là những bậc tiên tri, minh triết, dạy cho con người biết thương yêu đồng loại, biết tôn trọng những gì mà mình đang có… nói chung là nếu chúng ta làm đúng những gì mà đức Phật hay đức Chúa dạy thì xã hội hòa bình, cuộc sống được an lành và hạnh phúc. Chỉ những kẻ “miệng niệm nam mô, bụng bồ dao găm” hay những kẻ phản Chúa như các tên Giu-da hiện đại, đang đem hình ảnh nhất mực tôn kính của Chúa che đậy những việc làm bôi nhọ Thiên Chúa của họ.

Trước khi đạo Thiên chúa vào Việt Nam, thì người dân Việt Nam đã có tôn giáo của mình, đó là tục thờ cúng ông bà theo đạo Lão, đạo Giáo từ phương bắc. Người Việt Nam rất coi trọng gia đình, coi trọng chữ hiếu, mặc dù có thờ Phật hay thờ vị thánh nào đó thì trong nhà vẫn phải có bàn thờ tổ tiên, những người đã có công sinh thành. Tinh thần đó thể hiện trong các câu ca dao như “con chim có tổ, con người có tông” hoặc như “cây có cội, nước có nguồn”, “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”… Sau khi Pháp xâm lược nước ta, đạo Thiên chúa cũng như Tin lành hiện nay không công nhận việc thờ cúng tổ tiên. Để bày tỏ thái độ phản kháng lại quy định đó, để làm cho dân ta không quên cội nguồn, vào tháng Năm năm 1867, ông Ngô Lợi (người thuộc tỉnh Bến Tre) đã sáng lập ra đạo “Tứ ân Hiếu nghĩa”, trước hết tại tỉnh An Giang, sau đó lan truyền ra nhiều nơi trong cả nước để vận động dân chúng duy trì tục thờ cúng ông bà (sau ông bị Pháp giết vì theo phong trào Cần vương).

Nói vậy để thấy rằng, người Việt Nam có những đặc tính không giống với các dân tộc khác. Dù theo bất cứ tôn giáo nào thì không được phép quên nguồn cội của mình. Các nhà hành đạo hãy nhớ kỹ đức tính đó của người Việt, đừng bao giờ có ý định hay hành động xóa bỏ cội nguồn của người Việt. Trời, Phật, Chúa, Thánh thần thì ở tận trên cao xanh, chẳng một ai nhìn thấy, nhưng cha mẹ thì ở sát bên ta. Hàng ngày ta nhận được sự âu yếm, an ủi, nuôi nấng và dạy dỗ từ cha mẹ, chứ không phải từ ai khác. Không ai mang lại hạnh phúc trước hết cho mình bằng cha mẹ mình, cho nên việc phụng thờ và phụng dưỡng cha mẹ là điều cần làm trước hết.

Có lần tôi đọc một cuốn sách nói về Phật Thích ca (hình như cuốn “Cái vô hạn trong lòng bàn tay” của Trịnh Xuân Thuận), trong đó có đoạn nói về một hành giả cầu xin đức Phật một điều gì đó, Phật xòe hai bàn tay và nói: “Ta không có gì để cho”. Đúng thế, Phật hay Chúa cũng chỉ là người hướng dẫn ta tu tập, phát huy tính thiện của mỗi con người. Các bạn thấy thế nào, chứ tôi thì tôi tin Chúa hay Phật chẳng có gì để cho ta; đừng đến chùa, đến nhà thờ mà cầu xin để được thứ này thứ khác, đến đó để tu dưỡng đạo đức mới đúng. Chẳng ai cho, nếu như tự bản thân mỗi người lười biếng, tự mỗi người không tu dưỡng thì sẽ trở thành người hư hỏng. Vậy thôi!

Thấm nhuần đạo lý đó nên khi đọc những lời của đức Giáo hoàng trong buổi tiếp Phó thủ tướng Việt Nam, ông Trương Hòa Bình vào ngày 20/10, tôi thầm cảm ơn, vì Người đã dạy giáo dân của mình, không chỉ kính chúa mà còn phải yêu nước. Giáo hoàng nhấn mạnh Giáo hội Công giáo Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, và “người giáo dân tốt cũng là người công dân tốt”, rồi “người công giáo Việt Nam phải đồng hành cùng dân tộc Việt Nam xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc”.

Có lẽ chẳng cần phải minh họa thêm những lời dạy của đức Giáo hoàng đối với giáo dân là người Việt Nam, đang sinh sống trong đất nước Việt Nam. Một lần nữa tôi – một người vô thần – xin trân trọng cảm ơn đức Giáo hoàng, và mong tất cả giáo dân hay làm theo lời dạy của Người./.

Add a Comment

Your email address will not be published.