BIẾT ĐỦ LÀ ĐỦ

Đường vào hâm Thủ Thiêm
CÂU CHUYỆN HÔM NAY
BIẾT ĐỦ LÀ ĐỦ
Chao ôi, cái thời chiến tranh sao mà khổ thế! Không những chỉ khổ vì phải chui hầm chui hố mỗi khi máy bay Mỹ đến ném bom, mà còn khổ mọi đường trong cuộc sống hàng ngày. Song cũng phải nói rằng, những điều khổ hạnh mà tôi và gia đình tôi cũng như đồng bào lúc đó còn đang sinh sống ở miền bắc, chắc không thể so sánh được với những người, những gia đình, những địa phương hàng ngày phải trực tiếp cầm súng.
 
Thôi thì, ai cũng khổ cả. Khổ đến đâu ta nói đến đó, để có cái mà so sánh với những gì ta đang có. Những thứ tôi có (tôi không dám đại diện cho ai, nên phải dùng chủ từ ở ngôi thứ nhứt số ít) hiện nay kể ra cũng là hiện thực của những giấc mơ đã từng mơ cách đây năm sáu chục năm.
 
Năm đó, mẹ tôi đang ngồi ở cửa, quay lưng ra sân, bỗng một quả mooc-chi-ê (đại bác) của Pháp bắn tới, mẹ tôi bị thương. Khi cụ được chữa khỏi, cụ bảo “nếu không còn chiến tranh thì ăn cháo cũng sướng!”. Chiến tranh ở miền bắc kết thúc, chẳng ai chịu ăn cháo, một tháng được cung cấp mười ba kí-lô gạo, vậy là lại kêu khổ. Khổ vì ăn phải gạo chất lượng kém, đôi khi phải ăn độn ngô, khoai. Vậy lúc này so với lúc ước “chỉ ăn cháo cũng sướng”, lúc nào sướng hơn, khổ hơn?
 
Thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền bắc, mỗi lần một nhà máy điện bị bắn phá, ông thủ trưởng bảo: “Khoa, đến đó coi tình hình thế nào?”. Vậy là gặp phương tiện gì dùng thứ đó. Nếu không có phương tiện công cộng thì lội bộ. Có lần tôi đã phải đi bộ từ Phú Thọ lên Lào Cai, đến nơi thì nhà máy chẳng làm sao, vì Mỹ bỏ bom cách đó cả cây số. Lần khác, tôi và anh bạn Vũ Mạnh Bân đạp xe đạp từ Hà Nội đến Thanh Hóa để có được tài liệu viết cái báo cáo về việc điện Thanh Hóa bị bắn phá. Như bây giờ, ai cũng có điện thoại cầm tay nên chẳng cần đi đến nơi cũng biết. Vậy là bây giờ sướng hay khổ?
 
Trong thời kỳ Mỹ ném bom Hà Nội, vợ con tôi phải đi sơ tán cách thủ đô chừng hai mươi cây số. Chiều thứ bảy đạp xe một quãng đường dài, tới nơi, vợ bảo “con hết sữa rồi anh ơi”, mặc dù trời đã tối, mình lại phải đạp xe trở về mua cho con được một hộp sữa đặc, hiệu ”Thống nhất”, thêm hai mươi cây số quay lại nữa, vị chi một buổi tối đạp xe sáu mươi ki-lô-mét. Ngày nay sữa bày bán ê hề, đủ nhãn mác, tôi thấy trên quảng cáo có một cháu bé uống xong ly sữa gì đó, chiều cao của cháu tự nhiên tăng lên mấy tấc, làm tôi lại nhớ con. Nói đến đạp xe, chắc chỉ còn mấy người đi bán vé số dạo mới phải di chuyển trên quãng đường dài như vậy trong một buổi tối thôi nhỉ?
 
Cuộc sống của tôi (tôi chỉ dám nói của tôi thôi nhé) bây giờ coi như đủ đầy. Khi tôi có công ty riêng, ba cha con tôi mỗi người một xe hơi (bình dân thôi), rồi cha mẹ có nhà ở riêng, mỗi con mỗi dinh cơ riêng, tiền gởi ngân hàng cũng đủ sống cho đến cuối đời, con cháu không phải lo. Khi đã thấy đủ, tôi ngưng kinh doanh, rồi có người thuê tôi lại đi làm, mãi đến khi trên 75 tuổi mới thực sự là nghỉ. Vậy cũng vui.
 
Nhưng nếu so với nhiều người trong xã hội hiện nay thì gia sản của gia đình tôi cũng chẳng là gì. Nhưng thôi, biết đủ là đủ. Còn khá hơn ngày xưa, năm người trong gia đình tôi chỉ vỏn vẹn có mười mét vuông, đến khi cơ quan cấp cho căn hộ ba mươi sáu mét vuông, chẳng biết bày biện thế nào cho hết.
 
Tôi thuộc loại người an phận thủ thường nên không dám ganh đua với ai. Như hiện nay là tôi đã thỏa mãn lắm rồi. Những bạn trẻ có chí tiến thủ, không hài lòng với những gì mình đang có thì xin các bạn cứ mạnh dạn tiến lên, lấy cái hiện có làm bàn đạp mà nhảy lên cao hơn, xa hơn. Chỉ có như vậy thì xã hội mới tiến lên được. Phải không các bạn?./.
 
Ngày 29/4/2019
Ph. T. Kh
Hình trong bài: Đường vào hầm Thủ Thiêm.

Add a Comment

Your email address will not be published.