Những người thầy và cái chợ thời nay

Market-in-countryside

NHỮNG NGƯỜI THẦY VỚI CÁI CHỢ THỜI NAY

Gấp cuốn ‘TỪ BỤC GIẢNG ĐẾN VĂN ĐÀN’ lại, trước mắt tôi như một bầu trời trong xanh, trên đó những người thầy giáo đang ung dung đàm đạo. Là người hậu thế, mình chẳng có may mắn (và cũng chẳng đủ tư cách) để được gặp gỡ và trò chuyện với các bậc tiền nhân, tiền bối đó. Nào là cụ Trương Vĩnh Ký, cụ Dương Quảng Hàm, cụ Giản Chi, cụ Hoàng Như Mai, cụ Nguyễn Đình Đầu (hiện còn tại thế), cụ Nguyễn Thế Ngũ… tất cả có hai mươi lăm cụ, trong một tác phẩm của nhà giáo Trần Hữu Tá. Tất cả tạo nên một thế giới người hiền, thế giới của những người thầy tận tâm với con trẻ, tận trung với nước với dân tộc. Các thầy giáo dù sống dưới chế độ nào thì cái tâm lúc nào cũng sáng, cái trí lúc nào cũng minh, cái dũng lúc nào cũng bừng lên để phân định đúng sai, phải trái như cụ Nguyễn Đình Đầu, gần hết cuộc đời sống chung dưới chế độ cũ ở miền nam, nhưng vẫn ‘là một trí thức vừa nặng tình dân tộc, vừa chân thành gắn bó với đức tin Ki-tô giáo’ (Trần Hữu Tá, sách đã dẫn), cho đến khi bước sang tuổi chin mươi, người thầy này đã cho xuất bản tiếp hai công trình đồ sộ, đó là hai công trình tập hợp những liệu cứ, chứng minh cho toàn thế giới biết rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, trong đó có trên hai trăm bản đồ được thầy sưu tầm từ nhiều thời đại, nhiều nguồn, nhiều nước (kể cả từ Trung quốc), để mọi người không cần phải bàn cãi về chủ quyền của Việt Nam. Đó là người thầy không màng danh lợi. Chuyện kể rằng, khi biết thầy có trên hai trăm tấm bản đồ cổ, có một người lạ đến xin được mua lại với bất cứ giá nào, thầy đã lắc đầu và trao lại toàn bộ bộ sưu tập của mình cho bộ Ngoại giao. Thật là danh lợi không màng, uy vũ không thể khuất phục!

Cuốn sách đã gấp lại rồi mà tôi không muốn rời mắt khỏi bầu trời trong xanh, nơi đó những người hiền đang chiếu những vầng hào quang xuống đất nước, đang chăm chú theo dõi lớp con cháu làm ăn trong thời kinh tế thị trường.

Nói đến thị trường, mình lại nghĩ đến những hoạt động từ lãnh vực này đến lãnh vực khác đang diễn ra mà không khỏi chạnh lòng. Đã có lần tôi viết về ‘cái chợ’, chẳng phải chợ quê, chợ tỉnh mà là một cái chợ đồ sộ, hoạt động mua bán diễn ra khắp nơi khắp chốn.

Cái chợ đồ sộ đó không chỉ là việc mua bán những vật dụng thiết yếu hàng ngày, mà dù là một quốc gia văn minh hay lạc hậu, một quốc gia giầu có hay nghèo túng đều cần. Đây là cái chợ nó xuất phát từ sự tha hóa của lương tâm, của liêm sỉ, của đạo đức. Đã gọi là chợ thì ắt phải có kẻ bán, người mua, ắt phải theo đúng quy luật của chợ.

Những người thầy khả kính có cảm thấy đau lòng khi chữ nghĩa cũng thành một mặt hàng mua bán? Trong một cuốn sách mà tôi đọc được, có một mệnh đề nghe ra rất chí lý – ‘muốn thành học giả thì phải học thật, còn nếu học giả thì không bao giờ trở thành học giả’. Trong xã hội ta ngày nay có biết bao nhiêu ông bà học giả mà có bằng thật, như kiểu xưa kia nhà thơ Nguyễn Khuyến đã có bài vè về các ông tiến sĩ giấy

Rõ chú hoa man khéo vẽ trò,
Bỡn ông mà lại dứ thằng cu.
Mày râu mặt đó chừng bao tuổi,
Giấy má nhà bay đáng mấy xu?
Bán tiếng mua danh thây lũ trẻ,
Bảng vàng bia đá vẫn nghìn thu.
Hỏi ai muốn ước cho con cháu,
Nghĩ lại đời xưa mấy kiếp tu.

 Tiếp đến, Nguyễn Khuyến chửi mới sâu sắc, mới thấm thía làm sao:

Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai.
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh thế mới hời!
Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi!

 Rồi đến cái sự muaquan bán chức. Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, cũng đã có ý kiến thừa nhận vấn nạn này đang xảy ra trong xã hội. Có vị quan sắp bước vào buổi ‘bình minh nguyên là’(lời đại biểu Tiến của Quảng Trị), vội ký mấy chục cái quyết định bổ nhiệm cán bộ. Đó là gì? cần gọi cho đúng bản chất sự việc, là một hoạt động mua và bán. Chẳng ai có lòng tốt tới mức, chịu tiếng ô nhục mà hạ bút ký những cái quyết định đó, chẳng qua cũng là ‘ông ném chân giò, bà thò chai rượu’ cả thôi!  Buôn chữ, buôn bằng buôn cấp, buôn quan bán chức là sướng nhất, người bán cứ việc ra giá, người mua không được quyền mặc cả, nói bao nhiêu phải trả bấy nhiêu, khi nào ‘tiền trao thì cháo mới múc’. Cũng giống như ngoài chợ, có phương thức hàng đổi hàng, anh giúp con tôi, tôi giúp con anh, anh giúp phe cánh của tôi, tôi sẽ giúp phe cánh của anh. Lại cũng có phương thức bán hàng trả chậm nữa, ‘anh giúp chú, sau này anh về hưu thì anh sẽ đến với chú’, đó là trường hợp người xin giúp đang là giám đốc một doanh nghiệp hoặc là tổng giám đốc một tập đoàn. Mua trả chậm tưởng rằng không tính lãi, nhưng lãi suất cao ra phết! Thế là chú bắt đầu suy nghĩ đến cái ngày ‘anh đến với chú’, đưa anh vào vị trí nào cho phù hợp, chủ tịch Hội đồng quản trị chẳng hạn, lương tháng của anh bao nhiêu cho xứng?

Trong việc mua quan, bán chức lại có một cái vòng tuần hoàn, hôm nay tôi là người mua, khi tôi đã tại vị thì tôi lại là người bán, cứ mua mua bán bán như vậy làm cho thị trường bao giờ cũng sôi động. Không biết bao giờ mới bẻ gẫy được cái vòng tuần hoàn này nhỉ?

Tục ngữ Việt Nam xưa có câu ‘mua danh ba vạn, bán danh ba đồng’ để nói rằng làm nên danh tiếng thì khó khăn biết chừng nào, nhưng hủy hoại danh tiếng thì lại quá dễ, để răn đời rằng phải thường xuyên rèn luyện, giữ được cái tâm cái đức. Chỉ một chút sơ sảy là cả sự nghiệp tiêu tan, cả danh tiếng cũng chìm sâu xuống bùn đất. Trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay, nhiều người tưởng lầm rằng, chỉ cần có một danh hiệu gì đó là sẽ giúp mình thành đạt, giúp mình có cái bảo bối để đi lừa lọc. Nếu kiểm soát cho chắt chẽ, nếu hành động đúng lương tâm thì ta sẽ thấy nhiều ‘cái danh’ mà một vài cá nhân, một vài doanh nghiệp, một vài tập đoàn cũng đã từng phải bỏ tiền ra mà mua, mà có cái vật nho nhỏ xinh xinh để bày trong tủ kính, để có cái mà khoe, mà lòe thiên hạ, rằng ta đây đã từng đạt danh hiệu này nọ. Chớ vội cả tin các vị ạ, cũng mua cũng bán cả đấy thôi. Báo chí của ta vừa qua chẳng đề cập và ‘bêu dương’ những vị mua danh, mua vị rồi lại vướng vào vòng lao lý vì cái tội ‘lợi dụng chiếm đoạt’, tội lừa đảo đó thôi! Tôi đã từng thấy một tập đoàn, năm nào cũng bỏ ra khối tiền để mua danh hiệu, nhưng những vật xinh xinh nho nhỏ để trong tủ kính chẳng giúp cho doanh nghiệp phát triển được, cả chục năm trời, các cổ đông không được chia một đồng cổ tức, nợ nần thì chồng chất. Chung quy là tại quản lý yếu kém. Những vật xinh xinh nho nhỏ để mãi trong tủ kính, bụi bám đầy, chẳng còn chút ma lực nào để có thể lừa được thiên hạ.

Chẳng phải chuyện xa lạ gì, bây giờ còn có thêm chợ mua bán dự án, công trình. Ai được làm chủ đầu tư thì người đó chắn chắn sẽ giầu có. Vì vậy anh nào cũng cố sống cố chết kéo về cho mính được một cái dự án, hoành tráng bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Nhưng để được cái dự án thì phải mua, phải chạy, mua được rồi thì phải tính làm ăn sao để bù đắp lại số tiền mình bỏ ra mua, cái khoản này thì các nhà thầu phải lo, phải tính. Nhiều anh cai thầu trúng thầu rồi để chắc ăn nên lại bán dự án lại cho người khác, tức là bán thầu. Cứ như vậy làm cho cái vốn công trình lúc đầu nó nhỏ, qua từng công đoạn mua và bán nó cừ nở phồng lên như chiếc bánh rán trong chảo mỡ. Đối với dân với nước có nói gì thì cũng bỏ ngoài tai, ‘sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi’.

Rồi còn có chợ tình, khối người đẹp đem cái ngàn vàng mà bán lấy tiền trăm bạc triệu. Lại đem cái tiền trăm bạc triệu ấy đi mua cái danh này danh nọ để rồi một hôm tốt trời lại nâng giá cái ngàn vàng của mình lên, có mỗi một món hàng mà đầu cơ thái quá. Giống như cái anh chỉ có một miếng đất mà đem bán cho nhiều người vậy.

Thôi buồn quá, càng nghĩ càng thấy bức xúc. Các thầy giáo ơi! những người thầy khả kính đã dạy bao nhiêu thế hệ rồi mà sao vẫn còn những kẻ chẳng học được một phần của các thầy về đạo đức, về liêm sỉ. Khi nào ta mới hết chuyện mua chuyện bán này đây?

24/11/2015

Ph.T.Kh.

(Ảnh: Chợ nông thôn, ảnh minh họa trên internet)