Paphiopedilum vietnamense Gruβ & Perner
Cùng loài
Paphiopedilum hilmari Senghas & Schettler
Paphiopedilum mirabile Cavestro & Chiron
Dẫn nhập
Trong thời gian chỉ sáu tuần lễ, người ta đã xuất bản ba lần về loài lan thần thoại này. Gruβ & Perner xuất bản ngày 11 tháng Giêng năm 1999 với tên gọi Paphiopedilum vietnamense. Tiếp sau đó Senghas & Schettler đưa ra khái niệm là Paph. hilmari vào ngày 19 tháng Giêng, và lần xuất bản sau với tên gọi Paph. mirabile do bị tác động bởi Cavestro & Chiron cũng vào ngày 19 tháng Giêng. Như vậy, nếu theo nguyên tắc ưu tiên thì tên gọi mà Gruβ & Perner đặt là được chấp nhận, ấy thế mà Senghas & Schettler đã khiếu nại, rằng tên gọi Paph. vietnamense là không có giá trị, vì cây mẫu nguyên thủy đã không được đưa ra vào lúc mô tả nó. Theo nguyên tắc đặt tên đã không có điều khoản nào phải đưa cây mẫu tới để đối chứng (điều 37.1).
Paph. vietnamense được tìm thấy trong phạm vi phân giống Parvisepalum. Trên cơ sở màu sắc của hoa và quốc gia mà nó được tìm thấy, nó được Gruβ & Perner cũng như Senghas & Schettler và Cavestro & Chiron mô tả như một loài có quan hệ gần gũi với Paph. delenatii. Dù sao, kích thước và kết cấu hoa cũng như cấu tạo lá thì khác nhau hoàn toàn.
Nguồn gốc tên gọi
Tên vietnamense chỉ quốc gia mà cây mẫu xuất xứ. Ngoài ra, theo sự phân loại thì sự phân bố loài này không giới hạn ở quốc gia đó.
Mô tả
Paphiopedilum vietnamense cũng như hầu hết các loài thuộc giống này là một dạng thảo mộc, ưa sinh trưởng ở những nơi có lá mục. Cây phát triển chiều ngang đo được từ 19 đến 25 cm, tính từ đầu lá này đến đầu lá kia, khi đo cây còn sống ở ngoài thiên nhiên. Chiều dài của lá tới 15 cm và bản rộng 3,8 tới 4,6 cm, hình ô-van đến hình ô-van thuôn, đầu lá không nhọn, mặt dưới của lá có một đường sống cứng. Mặt trên của lá nhẵn bóng, nền xanh lá pha xám, có vân màu xánh lá đậm, mép lá trắng rõ rệt. Mặt dưới của lá có những đốm màu đỏ đậm. Vòi hoa thẳng đứng, dài 15 đến 30 cm, màu xanh lá, đốm đỏ và phủ một lớp lông trắng. Thông thường mỗi vòi hoa có một hoa. Lá bắc của hoa hình ô-van dài 1,8 đến 2 cm, rộng 1,6 cm, ôm lấy vòi hoa. Bầu nhụy dài 2,5 đến 2,8 cm. màu xanh lá pha vàng, có những đốm nhỏ màu đỏ tía ánh đỏ, và bao phủ một lớp lông trắng. Hoa to 10 đến 12 cm và cao 8 đến 9 cm. Lá đài sau dài 4,2 đến 5,1 cm, rộng 2,5 đến 3 cm, đầu nhọn đến hơi nhọn, màu trắng, mặt bên trong có màu hồng phớt, mặt ngoài cũng có màu hồng phấn với những chấm và vân màu hồng. Những lá đài bên hợp lại thành lá đài kép, dài 3 cm đến 4,6 cm và rộng 3 đến 3,3 cm. Lá đài kép có hình ê-lip đến hình bán cầu, đầu lá đài chia thành hai thùy, riềm có lông trắng, màu sắc của nó cũng tương đồng với màu của lá đài sau. Các cánh hoa dài từ 5 đến 6 cm và rộng từ 3 đến 4,5 cm. Cánh hoa có hình ô-van thuôn đến ô-van, đầu tù, mép của cánh hoa hơi quăn và uốn về phía sau. Các cánh hoa gần như toàn màu trắng nhưng cũng ánh lên màu hồng, mặt ngoài cũng có đốm và những vân màu hồng. Ở phần gốc mỗi cánh hoa đề có lông trắng dài. Mép cánh hoa có lông mịn. Môi có ba thùy, hai thùy bên cuộn vào bên trong, chiều dài của môi là 3,5 đến 4 cm, màu sắc rất khác nhau, trắng, nổi trên nền ánh đỏ, mặt trong có những chấm đỏ. Nhịp lép hình thoi nhọn đầu, dài 1,5 đến 3 cm và rộng 1,7 đến 2,5 cm, màu trắng, phủ một màu vàng và ở tâm có những đốm màu xanh lá.
Phân bố và thói quen sinh trưởng
Trong các ấn phẩm về sự cùng loài với Paph. hilmari thì chỉ có một bản trong số ba ấn phẩm có nói đến nguồn gốc của loài Paph. vietnamense này. Theo ấn phẩm đó thì cây này được tìm thấy ở bắc Việt Nam, tức là tỉnh Hà Tuyên (tên cũ của hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang sáp nhập), trên độ cao 1.200 m. Theo Cavestro & Chiron cho biết thì loài lan này được tìm thấy ở biên giới với Trung quốc, trên độ cao 700 m, trên núi đá vôi thuộc tỉnh Tuyên Quang, phía tây bắc Hà Nội, đông bắc Việt Nam. Việc mô tả là loài Paph. vietnamense của Gruβ & Perner, không có nhiều chi tiết, đơn giản chỉ là nó mọc trên độ cao chừng 1.000 m ở nơi có rêu, giữa các cây dớn và cỏ. Còn Averyanov trong một báo cáo năm 2001 cho biết nhưng người tham gia vào nhóm nghiên cứu chỉ xác định Paph. vietnamense ở trung phần của tỉnh Thái Nguyên, trong một khu vực rất hẹp, gọn trong bìa thấp vùng đá vôi ở bản Tân Long thuộc huyện Đồng Hỷ, gần làng Mo Ba (?), một diện tích không quá 60 đến 80 km vuông. Những điều hạn chế như vậy là không thực, chúng tôi không ngần ngại mà tuyên bố rằng sự phân bố rộng rãi sẽ sớm được lập thành tài liệu.
Như thói quen sinh trưởng của loài này, Averyanov đã cho biết rằng Paph. vietnamense mọc trên nền đá “trong những khe và hốc đá trên triền núi dốc, ẩm ướt, nhiều bóng râm, và vách đá hướng về phương bắc là chủ yếu, trên những khe đá vôi tạo nên do bị xói mòn” trên cao độ 350 đến 450 m. Rễ của cây lan đi vào những nơi lá cây bị phân hủy trong các khe đá để hút dinh dưỡng.
Mùa ra hoa
Trên cơ sở những thông tin thu thập được từ Việt Nam và Indonesia, và các số liệu từ miền bắc nước Đức, có thể kết luận là Paph. vietnamense có hai thời kỳ ra hoa chính: tháng Giêng tới tháng Tư và tháng Chín qua tháng Mười. Averyanov thì cho biết là trong thiên nhiên, cây lan Paph. vietnamense ra hoa trong tháng Ba và tháng Tư.
Các biến loài và biến thể
Một albino của loài Paph. vietnamense được Gruβ & Koopowitz đưa vào album gọi là Paph. vietnamense nhưng vẫn chỉ là một danh pháp bởi vì thiếu những tài liệu chứng minh. Bức ảnh đó cho thấy màu của hoa hoàn toàn trắng, loại trừ cái nhịp lép với một chút vàng và xanh, mà cũng chỉ ở phần chân của hoa./.