TẢN MẠN VỀ BỘ MÁY CÔNG QUYỀN Phần 6

41554390_2199536890275154_2571759277916028928_n

TẢN MẠN VỀ BỘ MÁY CÔNG QUYỀN
Phần 6
EdF và EVN

Năm 1995, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam được thành lập, với cái tên viết tắt là EVN, theo tôi hiểu thì viết theo kiểu Pháp. Nước Pháp có Électricité de France (EdF) thì Việt Nam có Électricité de Vietnam (EVN). Kể cũng là hay, xá gì cái tên phải không các bạn? Hơn nữa, từ năm 1986, nước ta đã bước thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, vậy ta cũng nên có một cái tên quốc tế cho oách.

Dưới EVN, về ngành bán điện có các EVNNPC (miền bắc), EVNCPC (miền trung) và EVNSPC (miền nam). Trước năm 1995 thì ba công ty này lần lượt có tên là PC1, PC3 và PC2 (PC=Power Company). Cũng đã là oách!

“Cái áo chẳng làm nên thầy tu”! Cái cốt lõi mới quan trọng.

Báo chí đôi khi cứ rộ lên cái điệp khúc “năng suất lao động” của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Nhưng vì sao thấp thì chẳng anh nào nói cho trúng. Cuối cùng người ta đổ cho trình độ của người lao động Việt Nam thấp. Thử đi qua các cuộc thi tay nghề diễn ra hàng năm ở khu vực coi, tay nghề của công nhân ta như thế nào.

Theo tôi, năng suất lao động phụ thuộc vào hai yếu tố chính: (1) công nghệ, và (2) tổ chức quản lý. Tôi không dám nói đến các ngành khác, tôi chỉ xin nêu một chút dẫn chứng trong ngành điện thôi. Trong hệ thống điện của Việt Nam có một số nhà máy điện đã được xây dựng trong chiến tranh chống Mỹ. Vào thời đó, công nghệ chưa được tiên tiến như bây giờ, nên mức tiêu hao nhiên liệu (than, dầu) còn cao. Thí dụ, giá thành một kWh do nhà máy nhiệt điện đốt dầu FO của Thủ đức sản xuất, không dưới 7 US Cent (tương đương 1.600 VNĐ). Đó là trong ngành điện, tôi nghĩ các ngành khác, vấn đề công nghệ của họ còn trầm trọng hơn. Một vấn đề khác có tính quyết định đến năng suất lao động là tổ chức quản lý. Trong tổ chức quản lý thì có yếu tố con người và yếu tố ứng dụng khoa học kỹ thuật (như công nghệ thông tin chẳng hạn). Về khoản này thì ở nước ta quả có kém hơn nhiều nước khác trong khu vực.

Vì vậy trong bài này tôi chỉ muốn nói về tổ chức quản lý thôi.
Tôi xin nói ngay, tôi thấy tổ chức quản lý của ngành điện cả nước hiện nay có cái gì đó không ổn. Trước hết, nói về hình thức, trong “Tổng” lại có “Tổng”. Trên “Tổng mẹ” thì có Bộ, cơ quan quyền lực giúp cho bộ trưởng về điện có hai cục – Cục điều tiết điện lực và Cục điện và năng lượng. Ừ thôi, chuyện đó là của Bộ, họ quản lý vĩ mô, quản lý nhà nước về điện. Vậy thì EVN có chức năng quản lý nhà nước về điện hay chỉ là một đơn vị quản lý kinh tế đơn thuần? Nếu không làm rõ vị trí của EVN thì đây chỉ là một cấp trung gian, có chăng tổ chức này chỉ làm nhiệm vụ “nhận” và “chuyển” (từ dưới lên và từ trên xuống)? Tôi không đề cập đến các Tổng công ty phát điện 1,2 và 3, cũng chưa kể 8 công ty phát điện (nhà máy điện) trực thuộc EVN. Tại sao không phải tất cả nhà máy điện lại không trực thuộc EVN, mà lại phải thêm một cấp trung gian là ba Tổng công ty phát điện?

Khâu phân phối điện, trước năm 1995, cả nước có 5 công ty điện lực, đảm nhiệm luôn cả phần phát điện, truyền tải điện và phân phối điện. Dưới các công ty là các chi nhánh điện, chuyên bán điện và thu tiền. Tuy nó không gọn gàng bằng thời CĐV (trước năm 1975), nhưng cũng khá ổn.

Đến năm 1995, giải thể Bộ Năng lượng, chuyển hết về Bộ Công nghiệp, nay là Bộ Công thương, lúc đó mới xuất hiện “mẹ EVN”, “mẹ EVN” cho ra đời các đứa con to xác nhưng chức năng lại thu nhỏ lại. Đó là các “Tổng con”. Bỏ qua các “Tổng con” khác, tôi chỉ nói về 5 “Tổng con” của ba miền và hai thành phố lớn (Hà Nội, TP HCM).

Chức năng của các “Tổng con” này bây giờ chỉ còn làm mỗi nhiệm vụ bán điện (tất nhiên có khai thác một vài nhà máy thủy điện nhỏ, nhỏ thôi!) và quản lưới điện phân phối đến cấp 220 kV. Các “Tổng con” xưa có tên là công ty, nhưng là công ty “hoành tráng” lắm (có phát, có tải, có phân phối, có nghiên cứu,có thiết kế, có trường đào tạo chuyên ngành).

Sau khi nâng cấp các công ty miền lên thành “Tổng con” thì các chi nhánh cũng automatic nâng cấp lên thành công ty. Riêng Tổng công ty phân phối điện miền nam (EVNSPC) đã có 21 công ty bán điện trực thuộc (chưa kể những công ty phụ trợ khác). Từ giám đốc công ty lên Tổng giám đốc công ty, không phải chuyện đùa. Rồi từ Chi nhánh trưởng giờ đã là giám đốc, cũng không phải chuyện giỡn!

Tất tần tật phải nâng cấp lên hết, từ những anh chị trước đây đảm nhiệm chức trưởng phòng thì nay phải là trưởng ban (cũng gọi là trưởng Ban như “mẹ EVN”, nhưng mọi thứ thấp hơn một bậc); những anh chị trước đây là “tổ trưởng” thì nay phải là “trưởng phòng”. Rồi cơ sở vật chất cũng phải nâng cấp lên cho nó xứng tầm. Tôi nhớ, một chi nhánh điện của thành phố Hồ Chí Minh trước đây chỉ gọn trong một diện tích chừng trên 100 mét vuông, sau khi được nâng cấp lên công ty thì “phải” làm việc trong một cái building, ngạo nghễ bốn năm tầng. Riêng số lượng nhân viên tạp vụ chắc cũng phải tăng nhiều đấy nhỉ?

Thôi, nói thế thôi, chứ cũng chẳng biết nói gì hơn. Hơn nữa, đã trên 20 năm nay tôi chẳng lai vãng đến mấy nơi công quyền cấp trên ở Hà Nội, nên có khi nói bậy. Nếu có gì không phải, mong các vị lượng thứ cho cái ông già lẩm cẩm này.

Trên tôi nói quan hệ Việt Pháp, thì đến đây tôi cũng xin so sánh một chút xíu về ngành điện hai nước.

Trước khi viết phần này, tôi đã vào trang web của Công ty (không phải “tổng” nhé) Điện lực Pháp (EdF), trang web của EVN và trang web của EVNSPC. Thú vị nhất là vào trang của EdF, vì muốn số liệu gì cũng có. Vào trang của EVN cũng khá, phải mỗi tội hơi phô trương, tổng cộng có 40 trang thì đã mất 5 trang dành cho thư “phi lộ” của TGĐ, và ảnh các vị lãnh đạo khả kính, ngoài ra cò 5, 6 trang đăng hình phong cảnh có liên quan một chút đến ngành, chẳng có một chút thông tin gì ở đó. Dở nhất phải kể đến trang web của EVNSPC, vào trang chủ đã thấy hình chơi cầu chơi banh nỉ gì đó, rồi các tin tức hội hè. Tính tìm mấy cái số liệu về nhân viên mà không có, cuối cùng hỏi một ông bạn đã về hưu coi ông ấy có nhớ số lược CNV của công ty không (đại khái thôi). Trang của EdF thì đã có số liệu đến tháng 8/2018, số liệu trên trang của EVN thì mới có đến năm 2016. Ấy là, cả EVN cũng như EVNSPC đều có Ban Công nghệ thông tin và Ban Quan hệ cộng đồng, tôi chẳng biết trong hai ban này, ban nào có trách nhiệm trong việc cập nhật thông tin? Nói như vậy để thấy rằng, tính chuyên nghiệp và tính minh bạch của người ta hơn mình nhiều.

Đến đây tôi nói vui một chút cho đỡ căng thẳng.

Tính đến năm 2018, EdF có 152.033 nhân viên, kể cả những người làm việc trong nước và ngoài nước. Riêng ngoài nước, EdF đã đầu tư ra 15 nước với công suất điện là 120.000 MW và một số dự án khác. Năm 2017, EdF bán được 580.800 triệu kWh, doanh thu năm 2017 là 69,6 tỷ EUR . Nếu ta lấy doanh thu chia cho số nhân viên trong biên chế, thì mỗi CNV của EdF làm ra được 458.000 EUR/năm (tương đương 12,5 tỷ VNĐ).

Bây giờ ta lấy doanh thu năm 2016 của EVN là 273.000 tỷ VNĐ, chia cho số CNV năm 2014 (không tìm thấy số liệu năm 2016) là 106.011 người, thì một CNV của EVN làm ra trong năm 2016 là 2,6 tỷ VNĐ, như vậy năng suất lao động (tính bằng tiền doanh thu) của một CNV của EdF bằng 4,8 lần năng suất của một CNV của EVN.

EdF có 152.033 CNV (nếu ta trừ đi những hoạt động ngoài nước, thì có thể còn thấp hơn, nhưng thôi cứ tạm tính như vậy), họ bán ra một lượng điện của năm 2017 là 580 tỷ kWh; trong khi đó 106.011 CNV của EVN bán ra trong năm 2015 một lượng điện là 143, 7 tỷ kWh. Như vậy một CNV của EdF một năm bán 3,85 tỷ kWh điện, còn EVN một CNV bán được 1,35 tỷ kWh điện, năng suất của “chúng nó” gần gấp 3 lần của “chúng ta”.

Đó là những con tính sơ bộ thôi, chứ chúng tôi không có phân chia ra từng ngành nghề của hai công ty được vì không có số liệu. Tuy nhiên những con số trên đây cũng cho ta thấy chúng ta còn thua kém nhiều các nước tiên tiến, ở đây là Pháp. Tôi hy vọng một ngày nào đó phần tử số của các dữ liệu trên ngày một tăng lên, và mẫu số (tức là số CNVC) được giảm đi đến mức tối thiểu. Lúc đó ta không lo năng suất lao động của VN thấp hơn các nước khác nữa./.
HẾT

Ph. T. Kh.
Ảnh trong bài: Xin của “Muôn màu cuộc sống”

Add a Comment

Your email address will not be published.