TÔI YÊU ĐẤT NƯỚC TÔI

Cờ VN ở Sudan
CÂU CHUYỆN HÔM NAY
TÔI YÊU ĐẤT NƯỚC TÔI
 
Đất nước này hay nói rõ hơn là dân tộc này đối đãi với bạn bè thì hết tình, nhưng đối xử với quân thù thì không khoan nhượng, bất kể kè thù đến từ phương nào – đông, tây, nam hay bắc.
Ông Henry Kissinger đã khuyên các tổng thống Mỹ đương thời (đại ý) rằng, “đừng bao giờ chọc giận cũng đừng bao giờ tìm cách lôi kéo người Việt” (câu này tôi nghe trên kênh ‘tin nóng TV’ nhưng chưa được kiểm chứng).
 
Tôi yêu đất nước không phải vì tôi đã sống dưới chế độ XHCN được trên bảy chục năm rồi. Nếu muốn kể về những cái được và chưa được của chế độ thì không biết phải có bao nhiêu pho sách mới đủ.
 
Trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, tất cả phương tiện truyền thông có lúc bấy giờ chỉ thấy toàn tin tốt lành, tin thắng trận khắp nơi nơi. Nhưng sau năm 1975, tôi mới hiểu ra rằng, chẳng phải trận nào quân ta cũng thắng và quân địch cũng thua. Song quan trọng là thắng lợi cuối cùng đã thuộc về ai? Cho nên, nói gì thì nói, câu chúc tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đúng:
“Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.
 
Về kinh tế XHCN, một nền kinh tế tập trung bao cấp, sản xuất của mọi ngành đều theo các chỉ tiêu kế hoạch từ trên đưa xuống. Nền kinh tế không tạo ra sự dồi dào về sản phẩm cho xã hội, song lại tạo ra sự quân bình trong xã hội. Người giàu là “của hiếm” nhưng lại không ai nghèo quá, vì vậy không có đội quân “cái bang”, cũng không có trộm cướp. Mãi đến sau năm 1975 tôi mới hiểu lơ mơ về kinh tế thị trường.
 
Tóm lại, nói về chế độ XHCN thời chiến các cơ quan truyền thông chỉ nói về cái tốt, che dấu đi cái yếu kém, song gần như không nói sai. Những tấm gương “người tốt việc tốt” là những hiện tượng xảy ra ngay trong các tầng lớp nhân dân, nên làm cho họ tin vào những gì nhà nước nói.
 
Trong khi đó, công cuộc tuyên truyền của phía bên kia lại chủ yếu lợi dụng sự hiểu biết của dân chưa cao để nói dối và lôi kéo.
Điển hình như năm 1954, người Pháp lợi dụng tình trạng dân trí thấp của giáo dân, với luận điệu “Chúa đã vào nam” để lôi kéo và cưỡng bức hàng triệu giáo dân di cư vào nam, cuối cùng họ trở thành lá chắn, bảo vệ cho Sài gòn như khu vực cửa ngõ Sài gòn, điển hình là Hố Nai. Những giáo dân và cha xứ còn ở lại miền bắc vẫn đi nhà thờ làm lễ mà chúa chưa một lần trừng phạt họ.
 
Song có ai ngờ trong số 900.000 dân di cư từ bắc vào nam, hàng loạt điệp viên đã được cài cắm vào bộ máy ngụy quyền để góp sức vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc (đọc “Ông cố vấn” hoặc “Điệp viên hoàn hảo” để biết thêm).
 
Cũng với cách tuyên truyền như vậy, với luận điệu “ba tên Việt cộng đu tàu đu đủ không gẫy” để tạo tâm lý không sợ ra trận cho binh lính. Đến khi xung trận, gặp Việt cộng bị chúng đánh xích bích xang bang, mới nhận ra rằng, điều đó là bịa đặt.
 
Đến chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, dư luận ồn ào lên rằng, Việt cộng vào được Sài gòn sẽ có tắm máu, cô gái nào sơn móng tay sẽ bị Việt cộng dùng kìm rút móng tay. Chúng muốn qua đó tạo nên sự căm thù, sự sợ hãi và hoảng loạn. Chính điều đó lại trở thành “gậy ông đập lưng ông”. Việt cộng mới đánh tây nguyên đã tạo sự hoảng loạn trong quân ngụy, tháo chạy từng trung đoàn, sư đoàn, chúng không còn sức chiến đấu, thì làm sao mà chống đỡ nổi với Việt cộng? Chi sau trên năm mươi ngày, toàn miền nam đã được giải phóng, nước nhà được thống nhất, đúng như tiên đoán của Hồ Chí Minh:
 
Tiến lên chiến sĩ, đồng bào!
Bắc nam xum họp xuân nào vui hơn!
 
Cũng chính bởi sự hỗn loạn được tạo nên bởi cách tuyên truyền của chính quyền Sài gòn mà hàng triệu người đã vội vã di tản đến một số nước phương tây, gây ra ở đó nhiều vấn đề xã hội. Không rõ có chi bộ cộng sản nào đang sinh hoạt ở các nước đó không? Nếu là tôi, tất nhiên tôi cũng làm giống như năm 1954.
 
Trên bảy mươi năm sống dưới chế độ XHCN, trong máu thịt của tôi thấm đẫm những tư tưởng mà những người cộng sản đã gieo trồng ngày qua ngày, có thể nói đã bão hòa trong tôi. Vì thế ngay sau năm 1975, tôi có điều kiện tiếp xúc với sách báo của phía bên kia, có người gọi đó là “bên thua cuộc”, tôi quyết tìm hiểu xem những học giả, những trí thức “bên thua cuộc” với đầy đủ lòng tự trọng, đã nói gì về cuộc cách mạng XHCN cũng như cuộc chiến mà họ đã tham dự, dù ít dù nhiều.
 
Qua những tác phẩm của họ, chính họ đã giúp tôi củng cố niềm tin vào chế độ này, nhà nước này. Gần đây tôi được đọc các biên bản của Nhà Trắng (mới được giải mật), khi bàn về cuộc chiến ở Việt Nam, đó là bản ghi chép các cuộc họp, các điện đàm giữa các Tổng thống Mỹ với viên chức trong nội các của ông ta.
 
Gấp cuốn sách lại, tôi chợt thốt lên một câu: “Việt cộng quả thiệt là giỏi!”./.
 
Ngày 12/8/2019
Ph. T. Kh.
Hình trong bài: Phụ nữ Việt Nam ở Nam Sudan

Add a Comment

Your email address will not be published.