NƯỚC MỸ BỊ CHIA RẼ
Trước khi Mỹ bỏ cấm vận nước ta, tôi đã có dịp đi qua nước Mỹ – tôi đi từ thành phố Boston ở phía đông bắc đến thành phố Los Angeles ờ phía tây nam. Là những người vừa mới đứng lên từ bùn lầy qua hai cuộc chiến tranh ở một đất nước nghèo nàn và lạc hậu, tôi thấy hơi bị choáng ngợp về sự giàu sang của nước Mỹ.
Tôi vẫn tin, bên ngoài của sự hào nhoáng ấy, nó cũng phải có một cái gì đó bất ổn chứ? Nước nào mà không thế! Đất nước Việt Nam của chúng ta, bề ngoài là một sự lam lũ, là nghèo đói, là thiếu thốn, song bên trong chúng ta lại có những trái tim đầy dũng cảm và đôn hậu. Không ai thấy trái tim người khác mà người ta chỉ thấy cái nghèo nàn và lạc hậu của họ, thì mọi sự chê bai, khinhh bỉ đều dồn vào đó.
Một cái đầu gối của Chauvin, một cái cổ của Floyd đã châm ngòi cho sự chia rẽ của nước Mỹ. Bà tiên tri mù Vanga đã đoán trúng, khi bà nói rằng, vào năm 2020 nước Mỹ sẽ bị chia rẽ. Ngày nay nước Mỹ thật sự hỗn độn. Cái chết của Floyd đã khơi dạy ở những người Mỹ da đen những kỷ niệm đau buồn của một kiếp nô lệ thời cha ông họ, mà một vài tổng thống và nhân vật danh tiếng của nước Mỹ đã từng là chủ nô, đã từng là kẻ bóc lột họ.
Không thể phủ nhận công lao của người da đen đã làm cho nước Mỹ giàu lên, song thân phận của họ chỉ là công dân hạng hai, hạng ba.
Cảm ơn ban Tất Đạt Hứa đã giới thiệu cho tôi cuốn sách “NHÂN TỪ VỚI QUỶ DỮ” của luật sư người Mỹ Bryan Stevenson. Mới đọc được hai mươi trang sách, tôi đã tìm thấy một mặt khác ẩn dấu bên trong của nước Mỹ. Bryan Stevenson viết trong cuốn sách của mình, xuất bản năm 2014:
“Cuốn sách này là cái nhìn cận cảnh về tình trạng giam giữ hàng loạt và những hình phạt khắc nghiệt ở Mỹ. Nó cho thấy ở đất nước này chúng ta kết tội một người dễ dàng như thế nào, và chỉ ra sự bất công khi ta để cho nỗi sợ hãi, sự giận dữ và khoảng cách định hình cách ta đối xử với những người dễ bị tổn thương nhất trong số chúng ta…”
Và luật sư Bryan nêu lên vài con số, đã xuất hiện vào cuối thế kỷ 20, cũng là vào những năm tôi đã có dịp đi thăm nước Mỹ:
“… Nó đã khiến chúng ta (Mỹ) trở thành một quốc gia khắc nghiệt và tàn nhẫn chưa từng có, dẫn tới cuộc bỏ tù hàng loạt vô tiền khoáng hậu trong lịch sử. Hiện nay chúng ta có tỷ lệ tù nhân cao nhất thế giới. Số lượng tù nhân đã tăng từ 300.000 người vào đầu những năm 1970 lên tới 2,3 triệu người ở thời điểm hiện tại (2014?)… Cứ mười lăm người sinh ra tại Mỹ vào năm 2001 sẽ có một người phải ngồi tù; cứ ba bé trai da đen sinh ra vào thế kỷ này thì sẽ có một phải sống trong cảnh tù tội…”
Và đây nữa: “Trong nhiều năm qua, chúng ta (Mỹ) là quốc gia duy nhất trên thế giới kết án tù chung thân không ân xá đối với trẻ em; gần 3.000 em nhỏ bị kết án đã phải chết trong tù”.
Thôi, không viết nữa, càng đọc càng bị sốc! Nước Mỹ vào những ngày tôi đi tới đó để thăm thú, đã bị sự chia rẽ trắng-đen, đen-trắng trong mấy ngày qua che lấp phần nào cái hào nhoáng của nó; sau khi đọc được mấy chục trang sách của ông luật sư người Mỹ thì tôi mới tìm thấy phần nào góc khuất của xã hội Mỹ. Và cái hào nhoáng mà tôi thấy chỉ là cái áo khoác sang trọng cho một cơ thể còn nhiều khiếm khuyết.
Bạn trẻ thân mến, Tôi chẳng khuyên bạn yêu ai hay ghét ai, đó là quyền của mỗi người, chỉ mong các bạn hãy tìm thấy giá trị đích thực của một sự vật rồi hãy kết luận. Chẳng có nhiều bạn bè trên trái đất này thấy được trái tim của chúng mình đâu, họ chỉ thấy bề ngoài chúng mình là một dân tộc nghèo nàn và lạc hậu.
Chúng ta có một trái tim hồng và đôn hậu nên “Không ai bị bỏ lại đằng sau”, chỉ có cái nghèo và cái lạc hậu đang bị chúng ta bỏ lại trên đường ta đi đó các bạn./.
Hình trong bài: Những gì đang diễn tra bên trong nước Mỹ.
Ngày 26/6/2020
Ph. T. Kh.